Nhân vật lịch sử nổi tiếng thời nhà Lý

27/12/2017 20:26

Theo dõi trên

Lý Thường Kiệt sinh năm Kỷ Mùi 1019, mất năm Ất Dậu 1105, họ Ngô, tên Tuấn, tự Thường Kiệt, người làng An Xá, huyện Quảng Đức, sau rời về phường Thái Hòa (phía trên công viên Bách Thảo, Hà Nội ngày nay).

Lý Thường Kiệt bình sinh thông minh, khôi ngô tuấn tú, có chí khí và thích võ nghệ, năm Lý Thường Kiệt 13 tuổi thì cha mất, vợ chồng người cô ruột đem Lý Thường Kiệt về nhà nuôi và cho ăn học tử tế. Vốn thông minh lại chăm học, mọi phép dùng binh Lý Thường Kiệt đều thông hiểu, lại đọc thêm các sách văn chương, đạo đức nên Lý Thường Kiệt sớm trở thành người tài, năm 18 tuổi thì mẹ ông cũng qua đời.
 

Năm 20 tuổi, Lý Thường Kiệt vào cung làm hoạn quan, hai năm sau ông được giữ chức Hoàng môn chỉ hậu trong quân túc vệ để hầu vua. Đến năm Giáp Ngọ 1054, Lý Thường Kiệt nổi tiếng nội đình, ông được quyền trông coi mọi việc trong cung nhà Lý, với nhiều trọng trách mà ông đã từng trải qua như: Thái Bảo, Đại tướng quân, Tể tướng, Thái úy đồng trung thơ môn hạ bình chương sự, Đại tư đồ, tước hiệu thượng phụ công, thu tóm toàn quyền văn võ.
 
Lý Thường Kiệt có nhiều công trạng lớn đối với đất nước, năm Tân Sửu 1061, ông được vua Lý Thánh Tông (1023 – 1072) cử vào giữ vùng núi Thanh – Nghệ hiểm trở. Ở đây ông đã vỗ về nhân dân chăm lo sản xuất, khai khẩn đất hoang, làm cho nhân dân no ấm, biên cương được bảo vệ vững vàng.
 
Chiến công của Lý Thường Kiệt nổi bật nhất chính là chiến dịch chỉ huy phá quân Tống ở phía Bắc, và bình định Chiêm Thành ở phía Nam.
 
Năm Kỷ Dậu 1069, Lý Thường Kiệt cùng với vua Lý Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành giành được thắng lợi lớn, mở rộng bờ cõi đến tận ba châu: Địa Lý, Ma Linh, Bố Chánh (vùng Quảng Bình ngày nay).
 
Năm Nhâm Tý 1072, vua Lý Thánh Tông mất, Hoàng tử Lý Càn Đức lên ngôi kế vị, lúc đó nhà vua mới được 6 tuổi, Nguyên Phi Ỷ Lan buông rèm nhiếp chính, Lý Thường Kiệt nắm quyền Tể tướng cùng điều hành đất nước.
 
Lúc bấy giờ nhà Tống ở Trung Quốc đang thực hiện cuộc biến pháp của Tể tướng Vương An Thạch (1021 – 1086), vua Tống Thần Tông (1048 -1085) đã đồng ý cho Vương An Thạch phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước Đại Việt. Trước tình hình đó,  quân Tống đã cho tập trung lương thực ở thành Ung Châu (ngày nay thuộc thành phố Nam Kinh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Thành Ung Châu có một chiến lược rất lợi hại. Từ Thành Ung Châu có ba con đường chính ép sát biên giới nước ta.
 
Đường vào từ Quảng Nguyên (Cao Bằng), Quan Lang, Tô Mậu (Lạng Sơn) và Châu Liêm cũng rất gần. Châu Khâm lại sát vùng Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) của nước ta, cũng là nơi quân Tống chọn làm cứ điểm tập trung binh lực, lương thảo và điểm xuất phát của các đạo quân.
 
Không chờ giặc đến, Lý Thường Kiệt đã chủ động: “tấn công tự vệ vào đất Tống”, với mục đích là phá tan các cứ điểm tập kết nói trên của quân Tống, việc này sẽ tạo nhiều khó khăn cho quân nhà Tống, ít nhất cũng trì hoãn được cuộc tấn công xâm lược của quân Tống.
 
 Vì Vậy, sau khi đã có sự chuẩn bị, Lý Thường Kiệt cho quân ta bất ngờ tấn công thành Khâm Châu, tiến thẳng vào thành Ung Châu. Trên đường tấn công vào đất Tống, Lý Thường Kiệt cho nói rõ mục đích của cuộc tấn công là để tự vệ, vì “quan coi Quý Châu đã kiểm điểm dân các động và tuyên bố rõ ràng tiến công đánh Giao Chỉ”. Đến tháng 2 năm Bính Thìn 1076, quân ta đã chiếm được thành Ung Châu, đốt hết lương thực của địch, sau đó Lý Thường Kiệt nhanh chóng rút hết quân về nước.
 
Sau khi rút quân về nước, đoán trước được việc quân Tống thế nào cũng đêm quân sang xâm lược nước ta, nên Lý Thường Kiệt đã cho quân sỹ tăng cường tập luyện, tổ chức các tuyến phòng ngự, cử người sang đất Tống để nắm tình hình địch.
 
Đầu mùa Xuân năm Đinh Tỵ 1077, quân nhà Tống do tướng Quách Quỳ chỉ huy, đã đem quân xâm lược vào bờ cõi nước ta, quân Tống đóng trên mũi tuyến dài từ bến Như Nguyệt đến núi Nham Biền, đới diện với quân ta ở bờ nam sông Như Nguyệt. Và khúc sông Như Nguyệt đã trở thành chiến tuyến tự nhiên để ngăn quân Tống tiến vào đồng bằng nước ta. Cũng chính trên bờ sông như Nguyệt này, Lý Thường Kiệt đã sáng tác bài thơ bất hủ Nam Quốc Sơn Hà
 
                                              Nam quốc sơn hà Nam đế cư
 
                                              Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
 
                                              Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
 
                                             Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
 
Đây chính là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của dân tộc ta, ngay sau khi bài thơ thần ra đời, nó đã khích lệ quân ta đánh tan quân Tống xâm lược nước ta. Với chiến công đã giành được, Lý Thường Kiệt đã được ghi nhận như một trong những vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc ta.
 
Sau khi đánh thắng quân Tống xâm lược, Lý thường Kiệt cho tổ chức lại quân đội, nội trị chấn chỉnh lại bộ máy hành chính quốc gia, tu bổ đường sá, đê điều… Năm Nhâm Tuất 1082, Lý Thường Kiệt được giao quản lý trấn Thanh Hóa, đã ổn định tình hình ở trấn này, và giành được tình cảm sâu sắc của nhân dân ở đấy. Ngoài ra Lý Thường Kiệt cũng đã có công trong việc truyền bá đạo phật ở các chùa Báo Ân, Linh Xứng, ngày nay các chùa trên đều có bia tụng xưng công đức của Lý Thường Kiệt.
 
Vào năm Ất Dậu 1105, Lý Thường Kiệt mất, hưởng thọ 86 tuổi. Vua Lý Nhân Tông truy tặng Lý Thường Kiệt chức Nhập nội điện đô tri kiểm, hiệu Thái úy  bình chương quân quốc trọng sự, tước Việt quốc công.

Vương Quốc Hoa

Bạn đang đọc bài viết "Nhân vật lịch sử nổi tiếng thời nhà Lý" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.