Nhà thờ Họ Vũ (Vũ Giai) - Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia

11/12/2021 21:44

Theo dõi trên

Vùng đất Hà Nam xưa kia là bãi bồi ở cửa sông Bạch Đằng, nước ngập mênh mông, chỉ có vài đượng đất cao nổi lên, chưa được con người khai phá. Đến năm 1434, thời vua Lê Thái Tông, niên hiệu Thiệu Bình, có chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, mở rộng diện tích canh tác.

chuy-tr1q-1639224140-1639233813.jpg
Nhà thờ Họ Vũ (Vũ Giai) tại Quảng Ninh - Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia. Ảnh: Toan Vu

Khi đó, cụ Vũ Giai vốn là Quốc tử giám giám sinh đã cùng các cụ khác từ phường Kim Hoa, phủ Hoài Đức, kinh thành Thăng Long xuôi theo dòng sông Hồng tới ven sông Bạch Đằng, đến địa phận đồn Chấn sông Chanh quai đê lấn biển, thau chua rửa mặn lập nên khu đảo Hà Nam. Tưởng nhớ công lao của các cụ nhân dân đã lập đền thờ thờ các cụ là đền Thập Cửu Tiên công. Từ đường họ Vũ (thờ Vũ Giai) từ đời thứ 6 về trước được thờ ở gia đình tộc trưởng. Đến thế kỉ XVIII, con cháu trong dòng tộc đã xây dựng công trình kiên cố hơn để thờ cụ thuỷ tổ Vũ Giai và các cụ tổ khác của dòng họ.

Từ đường họ Vũ (thờ Vũ Giai) được xây dựng năm 1755, đã trải qua nhiều lần trùng tu. Từ đường được xây theo kiểu chữ Nhất (−). Cổng xây theo kiểu tam quan, lối ra vào là 2 cửa phụ 2 bên, cổng chính bịt kín dùng làm nơi hoá vàng, làm theo kiểu chồng diêm 8 mái, lợp ngói vẩy rồng, đầu dao mềm mại.

Công trình chính gồm 3 gian, mái lợp ngói vẩy rồng, kết cấu theo kiểu hồi văn cánh bảng, nửa dưới xây bằng dá, nửa dưới bằng gạch. Vì kèo được làm bằng gỗ lim, chạm khắc hoa lá cách điệu. Những nét chạm kênh bong ở bức cốn sắc nét, mềm mại thể hiện sự khéo léo, tinh xảo của nghệ nhân. Trong nhà thờ hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị nghệ thuật cao, có niên đại thời Nguyễn như: hoành phi, câu đối, đồ tế khí, sắc phong, trướng thờ... Các hiện vật này được sơn son thếp vàng, chạm khắc cầu kì, nội dung hàm súc, ý nghĩa. Đề tài trang trí là tứ linh, hoa văn cách điệu. Ngoài ra còn có một cuốn gia phả (Vũ thượng tộc gia phả bạ) được soạn năm Khải Định thứ 9. Đây là nguồn tư liệu, hiện vật quý phản ánh rõ nét sự phát triển của văn hoá bản địa, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, văn hoá, nhu cầu tham quan, du lịch của địa phương.

Nhà thờ họ Vũ (thờ Vũ Giai) cũng giống như các nhà thờ dòng họ khác ở Hà Nam có hình thức sinh hoạt văn hoá riêng biệt là lễ tế tổ tiên đầu năm và ngày lễ tạ cuối năm âm lịch. Con cháu làm lễ cáo yết tổ tiên vào ngày 7 tháng giêng. Ngày 02/12 âm lịch, là ngày chạp tổ của dòng họ cũng như cả vùng Hà Nam. Con cháu xa gần sửa soạn sắm lễ dâng cúng tổ tiên, báo cáo những việc đã làm được trong năm vừa qua.

Ngoài những ngày lễ trên, từ đường họ Vũ còn có ngày giỗ cụ thuỷ tổ vào ngày 11/10 âm lịch, ngày lễ khao tổ vào mùng 4 tết Nguyên đán và ngày lễ Khai quang mộc dục vào cuối năm./.

Toan Vu
Bạn đang đọc bài viết "Nhà thờ Họ Vũ (Vũ Giai) - Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.