Thuở nhỏ Trương Quốc Dụng có tên là Khánh, tự là Dĩ Hành, tên chữ là Như Trung, lên 4 tuổi đã theo nghiệp bút nghiên, ứng đối hoạt bát và nổi tiếng là “thần đồng”. Năm lên 8 tuổi đã biết làm thơ và bắt đầu được thân sinh Trương Quốc Hiền dạy cho học Tứ Thư, Ngũ Kinh, và lớn lên Trương Quốc Dụng còn đọc và học nhiều các loại sách khác ngoài khoa cử. Năm Mậu Dần 1818, Trương Quốc Dụng 21 tuổi, đỗ Tú Tài (tương đương với bậc Trung học phổ thông ngày nay), và trình độ học vấn của Trương Quốc Dụng lúc bấy giờ rất uyên thâm. Năm Ất Dậu 1825, Trương Quốc Dụng đỗ cử nhân, đến khoa thi năm Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Mệnh thứ 10 (năm 1829) Trương Quốc Dụng đỗ Tiến Sỹ.
Nhà thiên văn học của Việt Nam thế kỷ XIX
07/12/2017 00:29
Trong lĩnh vực thiên văn học, với tư cách là nhà chiêm tinh học có công truyền dạy, chấn hưng khoa làm lịch của Việt Nam thời nhà Nguyễn, vì vậy tên tuổi của Trương Quốc Dụng xứng đáng được ghi vào danh sách những nhà thiên văn học của Việt Nam.
Trương Quốc Dụng sinh năm Đinh Tỵ 1797 tại làng Phong Phú, huyện Thạch Hà (ngày nay thuộc xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, tĩnh Hà Tĩnh). Theo gia phả họ Trương Quốc có gốc ở Thăng Long, từ đầu thế kỷ XVI, cụ tổ Trương Quốc Đô từ Thăng Long về Long Phúc lập nghiệp, là thủy tổ của dòng họ Trương Quốc ở làng Phong Phú. Dưới thời vua Lê – chúa Trịnh, dòng họ Truong Quốc có nhiều văn thần, võ tướng. Đến thế kỷ thứ XVIII, dòng họ Trương Quốc phát triển rực rỡ về văn học. Năm Cảnh Hưng thứ 14, đời vua Lê Hiển Tông (1716 – 1786), khoa thi năm Quý Dậu 1753, Trương Quốc Kỳ đỗ đầu Hương cống, Trương Quốc Kỳ sinh ra Trương Quốc Hiền, và Trương Quốc Hiền sinh ra Trương Quốc Dụng. Ông, cha Truong Quốc Dụng đều là những người ham học, học giỏi, và Trương Quốc Dụng cũng vậy.
Thuở nhỏ Trương Quốc Dụng có tên là Khánh, tự là Dĩ Hành, tên chữ là Như Trung, lên 4 tuổi đã theo nghiệp bút nghiên, ứng đối hoạt bát và nổi tiếng là “thần đồng”. Năm lên 8 tuổi đã biết làm thơ và bắt đầu được thân sinh Trương Quốc Hiền dạy cho học Tứ Thư, Ngũ Kinh, và lớn lên Trương Quốc Dụng còn đọc và học nhiều các loại sách khác ngoài khoa cử. Năm Mậu Dần 1818, Trương Quốc Dụng 21 tuổi, đỗ Tú Tài (tương đương với bậc Trung học phổ thông ngày nay), và trình độ học vấn của Trương Quốc Dụng lúc bấy giờ rất uyên thâm. Năm Ất Dậu 1825, Trương Quốc Dụng đỗ cử nhân, đến khoa thi năm Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Mệnh thứ 10 (năm 1829) Trương Quốc Dụng đỗ Tiến Sỹ.
Sau khi đỗ Tiến sỹ, Trương Quốc Dụng được bổ nhiệm làm Tri phủ Tân Bình (Gia Định), sau đó được điều về kinh đô Phú Xuân (Huế) làm Lang Trung bộ hình. Cũng giống như ông nội là Trương Quốc Kỳ là người khí tiết cương trực, Truong Quốc Dụng cũng vậy, ông là con người khí tiết ngay thẳng không sợ cường quyền, nên ông đã làm phật ý một số quan lại cấp trên và bị cách chức, phải hiệu lực ở bộ lại. Năm Quý Tỵ 1833, Trương Quốc Dụng phải nhập ngũ theo quân triều đình đi chinh phạt nghĩa quân Lê Văn Khôi, dưới quyền Tham tán đại thần Trương Minh Giảng đánh thắng quân Xiêm vào năm 1834. Năm 1835, Trương Quốc Dụng được thăng làm Lang Trung bộ Hộ, năm 1837, ông được thăng làm Án sát Quảng Ngãi. Đến năm Canh Tý 1840, ông lại được điều đi làm Án sát Hưng Yên. Năm Tân Sửu 1841, Hoàng Thái tử Miên Tông lên ngôi Hoàng đế ở điện Thái Hòa, đặt niên hiệu là Thiệu Trị. Trương Quốc Dụng được triệu về kinh đô Phú Xuân làm Tả Thị Lang bộ Lễ, rồi trải qua bộ Lại, bộ Hình, bộ Công, ông còn được thăng đến chức Thượng thư bộ Hình. Khoa thi năm Quý Mão 1843, Trương Quốc Dụng được cử làm Phó chủ khảo, năm 1847 ông được thăng làm Tả tham tri bộ Công, Phó chủ khảo thi Hội năm Đinh Mùi 1847.
Dưới thời Vua Tự Đức (1829 – 1883), năm Kỷ Dậu 1849, Trương Quốc Dụng kiêm chức Giảng quan kinh điện thường ngày, năm 1850 kiêm Viện hàn lâm, năm Tân Hợi 1851, ông làm Phó chủ khảo chế khoa. Năm Giáp Dần 1854 kiêm quản Đô sát viện, đến năm Đinh Tỵ 1857 thăng Thượng thư bộ Hình kiêm phó Tổng tài Quốc sử quán. Năm Canh Thân 1860, Trương Quốc Dụng lại được bổ nhiệm làm Thượng thư bộ Hình, kiêm quản công việc Khâm Thiên Giám. Năm Nhâm Tuất 1862 ông nhận chức Thống đốc Hải an Quân Vụ đại thần cầm quân ra Đông Bắc đánh dẹp bọn hải phỉ Tạ Văn Phụng. Năm 1863 ông được thăng làm Hiệp biện đại học sỹ, khi quân phiến loạn Tạ Văn Phụng vây đánh Quảng Yên năm Giáp Tý 1864, Trương Quốc Dụng cùng Tán lý Văn Đức Khuê và Tán tương Trần Huy San đều tử trận. Trương Quốc Dụng mất, hưởng thọ 67 tuổi. Sau khi mất, Trương Quốc Dụng được phong tặng danh hiệu hàm Đông Các đại học sỹ, thụy Văn Nghị.
Đại thần Trương Quốc Dụng với hơn 30 năm làm quan trường ở ba đời vua là Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức, ông đã bộc lộ nhiều tài năng. Trong những năm làm quan, ông nổi tiếng là người ngay thẳng không xu phụ kẻ có quyền thế, ông là một quan lại mẫn cán, lập nhiều thành tích và có nhiều đóng góp cho văn hóa nước nhà, ông để lại nhiều sáng tác bằng Hán văn, đó là các sách sau: Thoái thực ký văn gồm 8 quyển, sách viết về phong tục, chế độ, cổ tích, tạp sự, vật loại v.v… Văn quy tân thể; Công hạ kỷ văn và Như Trung văn thi tập (Như Trung là tên chữ xủa Trương Quốc Dụng). Các tập sách trên là những di cảo có giá trị trong kho tàng văn hiến của dân tộc ta.
Ngoài việc để lại các tác phẩm trên, Trương Quốc Dụng còn đóng góp vào việc biên soạn, thẩm định, duyệt các công trình của triều Nguyễn như Khâm Định Việt sử phú khi ông làm việc ở Quốc sử quán. Và đặc biệt là trong lĩnh vực thiên văn học, với tư cách là nhà chiêm tinh học có công truyền dạy, chấn hưng khoa làm lịch của Việt Nam thời nhà Nguyễn, vì vậy tên tuổi của Trương Quốc Dụng xứng đáng được ghi vào danh sách những nhà thiên văn học của Việt Nam.
Vương Quốc Hoa
Bạn đang đọc bài viết "Nhà thiên văn học của Việt Nam thế kỷ XIX" tại chuyên mục Di sản.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.