Nguyễn Gia Thiều – Nhân vật lịch sử nổi tiếng thời vua Lê – chúa Trịnh
29/07/2017 21:34
Trong nhiều đoạn của Cung Óan Ngâm Khúc, Nguyễn Gia Thiều mượn triết lý của nhà Phật một cách đơn giản để chứng minh cho ý nghĩa và cứu cánh của cuộc đời.
Lời thơ trong Cung Óan Ngâm Khúc bóng bẩy, âm vang siêu thoát, điều đó chứng tỏ rằng thơ Nôm đến thời kỳ đó qua ngòi bút của Nguyễn Gia Thiều đã đạt tới trình độ nghệ thuật ngôn từ rất cao.
Nguyễn Gia Thiều sinh năm Tân Dậu 1741, người làng Liễu Ngạn, Tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc (ngày nay thuộc xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Thân sinh của Nguyễn Gia Thiều là võ tướng Nguyễn Gia Ngô, thân mẫu là bà quận chúa Trịnh Thị Ngọc Tuân (con gái chúa An Đô Vương Trịnh Cương), Nguyễn Gia Thiều là cháu gọi chúa Trịnh Doang bằng cậu (Trịnh Doanh là em ruột của Trịnh Thị ngọc Tuân), và là anh em con cô, con cậu với chúa Trịnh Sâm (1737 – 1782).
Cả cha và mẹ của Nguyễn Gia Thiều đều yêu thích văn học dân tộc, nhưng cha của Nguyễn Gia Thiều vốn là một võ tướng, nên luôn phải xa nhà, Quận chúa một mình nuôi dạy Nguyễn Gia Thiều. Đến khi lên 5 tuổi, Nguyễn Gia Thiều được chúa Trịnh Doanh (1720 – 1767) đưa vào phủ chúa, được ăn học cùng các vương tử.
Nguyễn Gia Thiều siêng năng chăm chỉ học hành, học rộng biết nhiều, thông thạo nhiều môn như: Hội họa, âm nhạc, kiến trúc v.v… Sở trường về các bài ca, ông từng soạn các bản “Sơn Trung Âm”, “Sở Từ Điệu”. Ông vẽ bức tranh Tống Sơn Đồ dâng lên vua Lê Hiển Tông (1716 – 1786) xem, và được khen thưởng, được giao việc trong phủ chúa.
Trên con đường công danh sự nghiệp, từ năm 18 tuổi Nguyễn Gia Thiều đã làm Hiệu úy, Quan trung mã tả đội. Năm 22 tuổi ông được thăng Chỉ huy Thiêm sự, đến năm 26 tuổi, được thăng Chỉ huy Đồng tri, đến năm 30 tuổi, ông được làm Tổng binh, đươc phong tước Ôn Như Hầu. Nhưng ông chán con đường công danh cùng cảnh loạn ly thời bấy giờ, nên ông lui về cư nhàn bên Hồ Tây, tự đặt niên hiệu là Hy Tông Tử, và Như Ý Thiền, lại lấy các biệt hiệuTâm Thi Viện Tử và Sưu Chân.
Nhưng sau đó Nguyễn Gia Thiều lại trở lại việc binh, năm 38 tuổi, ông giữ chức Đô chỉ huy sứ, đến năm Canh Tý 1780 ông về nơi nhà cũ, đứng ra trông coi việc xây tháp tronng chùa Tiên Tích (gần cửa Nam, Hà Nội ngày nay). Năm Nhâm Dần 1782, ông đi trấn thủ Hưng Hóa, có công dẹp loạn an dân và lại đòi được đất ở châu Ninh Biên nơi đây từng bị Nhà Thanh (Trung Quốc) chiếm cứ.
Nguyễn Gia Thiều vốn là người có tâm hồn thơ văn, nên ông hiểu cặn kẽ, cảm nhận sâu sắc, đau đớn đến cùng cực, những cảnh tượng hết sức đau lòng mà ông đã từng chứng kiến. Cảnh kinh thành Thăng Long chỉ trong vòng 3 năm, từ năm 1786 – 1789 mà đến 5 lần bị cướp phá tan hoang, việc vua Lê Chiêu Thống (1766 – 1793) nghe theo lời của Nguyễn Hữu Chỉnh đốt sạch cơ nghiệp của các chúa Trịnh xây dựng hơn 200 năm, chuyện Linh Vương Trịnh Khải (1763 – 1786) phải tự tử, Chúa Trịnh cuối cùng là Trịnh Bồng, bỏ đi tu sống chết không rõ. Rồi chuyện vua Lê Chiêu Thống bị Nguyễn Cảnh Thước trấn thủ Kinh Bắc lấy hết vàng bạc, lột cả áo long bào đang mặc v.v…
Khi quân nhà Tây Sơn kéo ra Bắc diệt nhà họ Trịnh, ngay cả bản thân Nguyễn Gia Thiều cũng phải chạy lên Sơn Tây lánh nạn, sau đó ông trốn lên vùng Hưng Hóa. Năm Kỷ Dậu 1789, ông bị nhà Tây Sơn triệu ra, ông về qua vùng Thăng Long trình diện, lấy cớ bị bệnh tật để từ chối hợp tác với nhà Tây Sơn. Sau đó Nguyễn Gia Thiều về làng ở Liễu Ngạn quê nhà, thường giả điên, uống rượu tiêu sầu, đến năm Mậu Ngọ 1798 ông mất, hưởng thọ 57 tuổi.
Về sáng tác văn học, Nguyễn Gia Thiều có hai tập thơ chữ Hán là Ôn Như thi tập (tiền hậu tập), tương truyền có đến nghìn bài thơ, nhưng hiện nay đã thất truyền. Về sáng tác chữ Nôm chỉ còn lại vài bài là: Cung Óan Ngâm Khúc, ngoài ra ông còn có tác phẩm hợp soạn với ba người em trai là: Tứ trai thi tập, Tiền hậu thi tập, và Tây Hồ thi tập.
Trong số các sáng tác chữ Nôm trên của Nguyễn Gia Thiều, đáng chú ý nhất là Cung Óan Ngâm Khúc, truyện Nôm này ông viết theo thể song thất lục bát dài 365 câu. Nội dung của Cung Óan Ngâm Khúc, ông lấy nỗi lòng và lời của một cung phi tài sắc, trước được vua yêu, nhưng sau đó bị ruồng bỏ, nàng than thở về số phận của mình. Trong nhiều đoạn của Cung Óan Ngâm Khúc, Nguyễn Gia Thiều mượn triết lý của nhà Phật một cách đơn giản để chứng minh cho ý nghĩa và cứu cánh của cuộc đời. Lời thơ trong Cung Óan Ngâm Khúc bóng bẩy, âm vang siêu thoát, điều đó chứng tỏ rằng thơ Nôm đến thời kỳ đó qua ngòi bút của Nguyễn Gia Thiều đã đạt tới trình độ nghệ thuật ngôn từ rất cao.
Nhìn chung Nguyễn Gia Thiều không chỉ là nhà thơ, mà còn có tài hội họa, âm nhạc và kiến trúc, được vua Lê Hiển Tông ban thưởng và được chúa Trịnh Sâm ra tận nhà ở Hồ Tây thăm, chúa Trịnh Sâm còn ban cho Nguyễn Gia Thiều hiệu là: “Sơn thủy nhân hòa”, và tặng cho ông một chiếc áo ngự bào, điều đó cho thấy ông được trọng vọng đến mức độ nào. Ngày nay Nguyễn Gia thiều được tôn vinh là Danh nhân văn hóa, tên của ông được đặt cho một số trường học, và đường phố ở một số thành phố lớn.
Vương Quốc Hoa
Bạn đang đọc bài viết "Nguyễn Gia Thiều – Nhân vật lịch sử nổi tiếng thời vua Lê – chúa Trịnh" tại chuyên mục Di sản.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.