Nguồn gốc tết Đoan Ngọ với văn hóa dân gian Việt

27/12/2017 20:19

Theo dõi trên

Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là một ngày Tết truyền thống tại một số nước Đông Á như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên và Hàn Quốc. Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá.

Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ trưa tới 1 giờ chiều, và ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan ngọ đều lên đến tột bậc.
 

Khuất Nguyên tên thật là Khuất Bình, Nguyên là tên chữ của ông, tên và chữ của Khuất Nguyên có liên quan đến ngày sinh của ông, Khuất Nguyên còn có một tên khác là Chính Tắc, tên tự là Linh Quân, cùng họ với vua nước Sở.
 
Khuất Nguyên là quý tộc nước Sở, ông học rộng, giỏi về chính trị, lại có tài về văn chương, có lòng ái quốc nhiệt liệt. Vào thời vua Sở Hoài Vương (329 Tr.cn – 299 Tr.cn), Khuất Nguyên từng làm Tư đồ Tam lư Đại phu, giúp vua Sở Hoài Vương bàn tính việc nước, ban bố các mệnh lệnh, đó là việc ở trong cung. Còn ra thì tiếp đãi khách khứa, ông được vua Sở Hoài Vương tin dùng, lúc bấy giờ nước Sở còn Đại phu Thượng quan, ngang hàng cùng với Khuất Nguyên, tranh được vua yêu, trong lòng ghen ghét với tài năng của Khuất Nguyên, và gièm pha nói xấu Khuất Nguyên với vua Sở Hoài Vương, và vua Sở Hoài Vương lại tin những lời gièm pha đó, cho nên Khuất Nguyên đã hai lần bị đi đày.
 
Lúc bấy giờ nước Sở đang liên minh với nước Tề để đánh nước Tần, lúc đó Huệ Văn Vương của nước Tần rất lo ngại việc nước Tề kết giao với nước Sở, vì vậy đã cho Trương Nghi qua nước Sở, thuyết phục nước Sở không liên minh với nước Tề, và cuối cùng vua Sở Hoài Vương đã mắc mưu của nước Tần. Khuất Nguyên đã cực lực phản đối chính sách ngoại giao thân Tần, phản Tề của vua Sở Hoài Vương. Vì vậy mà ông đã nhiều lần khuyên can trước mặt vua Sở Hoài Vương, vạch tội phái liên hoành, việc đó khiến cho ông bị vua Sở Hoài Vương ghét, cộng với việc ông bị sự gièm pha của Đại phu Thượng quan, nên Khuất Nguyên đã bị đi đày ở thượng lưu sông Hán.
 
Kể từ khi bước lên vũ đài chính trị, Khuất Nguyên đã thực hiện một số cải cách như việc trọng dụng nhân tài, làm cho dân giàu nước mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành thống nhất Trung Quốc. Vua Sở Hoài Vương đã sai Khuất Nguyên làm pháp lệnh, ông nháp bản thảo chưa xong thì bị Thượng quan Đại phu trông thấy, và muốn cướp lấy, nhưng Khuất Nguyên không cho, vì vậy mà ông ta đã gièm pha với vua Sở Hoài Vương rằng: “Bệ hạ sai Khuất Nguyên làm pháp lệnh, một khi lệnh được ban ra, ông ta sẽ khoe công của mình và nói ngoài ông ta ra thì không ai làm nổi, như vậy sẽ làm mất uy của bệ hạ”.
 
Vì vậy mà khi biện pháp cải cách của Khuất Nguyên vừa mới được thi hành, đã bị sự chống đối và bài xích kịch liệt của tập đoàn quý tộc nước Sở do Tử Can cầm đầu, họ đặt điều vu khống Khuất Nguyên trước mặt vua Sở Hoài Vương, hơn nữa vua Sở Hoài Vương cũng là một ông vua ngu muội, thích nghe lời nịnh nọt, sàm tấu, cho nên nhà vua đã giáng chức của Khuất Nguyên từ chức Tả Đồ (một chức dưới Thừa Tướng) xuống làm Tam Tư Đại phu (trông coi việc trong hoàng tộc, chủ trì công việc cúng tế) và như vậy coi như Khuất Nguyên đã không được nhà vua tin dùng nữa.
 
Tuy vậy, Khuất Nguyên vẫn hết sức quan tâm đến thời cuộc, đặc biệt là với vận mệnh của nước Sở. Lúc đó Tần Chiêu Tương Vương phá hoại mối liên minh sáu nước, phái thuyết khách là Trương Nghi đến nước Sở thương thuyết. Khuất Nguyên đã dũng cảm tiến vào cung khuyên can vua Sở Hoài Vương chớ nên mắc lừa âm mưu của nước Tần, nhưng vua Sở Hoài Vương đã không nghe lời của ông, vì quá tin vào lời nói của Trương Nghi, và lại muốn sang nước Tần để gặp vua Tần Chiêu Tương Vương tại Vũ Quan để cùng giao kết với nước Tần. Mặc dù Khuất Nguyên đã hết lời can ngăn, nhưng vấp phải sự gièm pha của bọn Tử Lam, Ngân Thượng, và cuối cùng vua Sở Hoài Vương đã nhận lời Vũ Quan, và vua Sở Hoài Vương còn cho Khuất Nguyên đi đày ở thượng lưu sông Hán, đây là lần thứ nhất Khuất Nguyên bị đi đày.
 
Còn về phần vua Sở Hoài Vương, việc đến Vũ Quan là một sai lầm lớn của ông vua ngu muội này. Bởi vì khi đến Vũ Quan Sở Hoài Vương mới biết bị lừa, hối hận vì không nghe theo lời của Khuất Nguyên, nhưng mọi chuyện đã quá muộn, sau đó vua Sở Hoài Vương phải trốn sang nước Triệu, và chạy qua nước Lương, cuối cùng vua Sở Hoài Vương uất ức quá, hộc máu ra mà chết.
 
Khuất Nguyên biết tin vua Sở Hoài Vương chết rất thê thảm vì nghe lời xúi dại, mà bọn Tử Lam và Ngân Thượng vẫn không có ý đem quân đánh nước Tần để báo thù, và vẫn vui vẻ suốt ngày. Vua nước Sở mới lên thay là Khoảnh Tương Vương chỉ thích việc xu nịnh, cho nên Khuất Nguyên bực tức và nói nhiều câu trích oán với người khác.
 
Ngân Thượng nghe được liền nói xấu Khuất Nguyên với Khoảnh Tương Vương, nhà vua liền nghe theo lời xúi giục, cách chức, và bắt Khuất Nguyên đi lưu đày, lần đi đày thứ hai này, Khuất Nguyên bị đưa đi lưu đày đến vùng Giang Nam. Trong thời gian đi lưu đày ở Giang Nam, Khuất Nguyên lưu lạc, trú ngụ ở khắp mọi nơi vùng Giang Nam. Lúc Khuất Nguyên đang ở dải Mịch La, thì đô thành Dinh của nước Sở bị quân Tần đánh phá, tình thế vô cùng nguy cấp. Nhìn thấy tương lai của nước Sở, của cá nhân một màu đen tối, không còn chút mảy may hy vọng, Khuất Nguyên liền nhảy xuống sông Mịch La tự tử, đó là ngày 5 tháng 5 âm lịch năm 278 Tr.cn.
 
Cuộc đời của Khuất Nguyên là một nhà thơ yêu tổ quốc, yêu nhân dân, luôn giữ tiết tháo cương thượng và nhân cách hoàn mỹ, yêu ghét rõ ràng không tùy thời mà thay đổi. Tình yêu nước của Khuất Nguyên tuy trong lòng chứa chất mâu thuẫn và lo sợ nghi hoặc, nhưng rốt cuộc ông vẫn không hối hận.
 
Về mặt tư tưởng của Khuất Nguyên rất phong phú, nhưng cũng phức tạp. Về mặt nghệ thuật, khác xa với bình thường, tác phẩm của ông có đến hơn 20 bài được người đời biết đến, những bài thơ này phần lớn là một di sản văn học quý báu của Trung Quốc. Tác phẩm của Khuất Nguyên có phong cách độc đáo của riêng ông, tác phẩm quan trọng nhất của ông chính là Thiên Li Tao (nghĩa là xa vua mà buồn), một bài trường thiên gồm 373 câu thơ 2500 chữ, lời triền miên bi thảm, dùng phép tượng trưng, phép nhân cách hóa, và dẫn rất nhiều thần thoại.
 
Tình cảm của Khuất Nguyên cũng thay đổi kỳ dị, mới cười đã khóc, mới muốn đi xa lại đổi ý, đòi lên chầu Thượng đế, rồi lại muốn trở về cố hương, muốn tự tử v.v… Thật ra chân tình, mỗi chữ trong Li Tao là một tiếng thở dài, một giọt nước mắt, ít thấy văn nhân nào đau khổ đến bậc ấy. Nhìn chung nội dung tư tưởng của tập Li Tao rất phong phú, đọc Li Tao thấy được tinh thần yêu nước của Khuất Nguyên, thấy được nguyện vọng duy nhất của Khuất Nguyên là mong muốn cho nước Sở trở thành một quốc gia hùng mạnh.
 
Là một người yêu nước, một nhà thơ lớn, ngoài tập Li Tao, Khuất Nguyên còn có Cửu Chương, và Thiên Vấn gọi chung là “Sở Từ”. Những bài thơ do ông sáng tác mang đậm màu sắc của nước Sở, “Thư Sở Ngữ; Tác Nguyên Thanh; Ký Sở đại Danh Sở vật” viết bằng tiếng mẹ đẻ, đọc bằng âm vận nước Sở, ghi bằng tên nước Sở, kể đến vật dụng nước Sở v.v…
 
Về mặt chính trị, Khuất Nguyên lấy trung quân ái quốc làm điểm xuất phát, tích cực bước vào đời, nói một cách cụ thể, ông kiên trì tư tưởng “cai trị tốt”, biện pháp là tiến cử người hiền, thu nhận người tài và sửa sang luật. Khuất Nguyên tiến hành đấu tranh kiên quyết với tập đoàn thống trị quý tộc, ông đã vạch trần một cách không thương xót bản chất phản động thối nát của tập đoàn quý tộc như sự tranh gianh quyền lợi, tham lam, đố kỵ, ỷ cậy quyền thế, coi thường pháp luật v.v…
 
Khuất Nguyên là nhà thơ yêu nước vĩ đại đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Quốc, với tấm lòng yêu nước nồng nàn, phẩm chất yêu thương nhân dân cao đẹp, tài thơ xuất chúng của Khuất Nguyên đã có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn minh tinh thần của dân tộc Trung Quốc, làm hình thành truyền thống văn học có một địa vị rất cao trong lịch sử phát triển văn học của nhân dân Trung Quốc.
 
Với những đóng góp đã để lại cho đời, Khuất Nguyên xứng đáng được lịch sử Trung Quốc ghi nhận. Và để ghi nhớ công lao to lớn của Khuất Nguyên, vào năm Quý Tỵ 1953, Hội đồng hòa bình thế giới đã làm lễ kỷ niệm lần thứ 2231 năm ngày Khuất Nguyên qua đời, và sau đó Unesco lại đưa Khuất Nguyên vào danh sách danh nhân văn hóa của thế giới.
 
Hiện nay cứ vào ngày 5 tháng 5 âm lịch, tức ngày Tết Đoan Ngọ, nhân dân quanh vùng Giang Nam, và ở nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc lại có tục lệ ăn bánh ú, đua thuyền rồng, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh, bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên, để tưởng nhớ đến nhà thơ lỗi lạc Khuất Nguyên.
 
Vương Quốc Hoa

Bạn đang đọc bài viết "Nguồn gốc tết Đoan Ngọ với văn hóa dân gian Việt" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.