Ngôi nhà cổ trùng tu năm 1939...
Ngôi nhà cổ còn sót lại qua thăng trầm thời cuộc
Theo lời ông Bổng, nhà của ông hiện là ngôi nhà cổ duy nhất còn sót lại trong khu vực Nhơn Phúc, An Nhơn sau chiến tranh. Trước đây, cũng có nhiều ngôi nhà được thiết kế như vậy, nhưng hầu hết đã bị bom đạn tàn phá, chỉ có nhà ông là giữ được.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, quân Mỹ trút bom trên mảnh đất An Nhơn và Tây Sơn để tấn công vào vùng hoạt động của cách mạng, trận chiến trên thung lũng Thuận Ninh hay cuộc thảm sát Bình An đã phần nào ghi lại những tháng năm khắc nghiệt ấy.
Ông Bổng tâm sự: “Ngày đó, ngôi nhà là nơi trú ẩn của cách mạng, khi hai bên giao tranh, quân địch công kích bằng pháo lựu và ném lựu đạn lên mái nhà nhưng đều bị bồng ra xa vì lớp mái được bện bằng rơm dày gần 30cm có độ đàn hồi tốt. Có nhiều lần, quân Mỹ trút bom xuống vùng này, nhưng may mắn là ngôi nhà không bị sao cả”. Người dân trong vùng bảo nhau, ngôi nhà có phước đức của ông bà nên mới tránh được.
Ngôi nhà cổ của ông Bổng được xây dựng từ thời triều Nguyễn. Những trụ gỗ xay, kiền kiền bóng lẫy hơn hai trăm năm vẫn còn vững chãi. Nhiều năm nay, đây trở thành nơi thờ cúng của dòng họ. Ông tổ hiện được thờ phụng là Nguyễn Văn Phong, một vị quan cương trực triều Nguyễn, được dân kính nể, được triều đình tín trọng. Đến đời ông Nguyễn Văn Bổng, là cháu đời thứ 6, đích tôn tộc trưởng. Hiện nay, ngôi nhà vẫn còn những cổ vật triều Nguyễn còn sót lại, từ những bình gốm được làm tinh xảo, hoa văn chạm trổ những nét rồng phượng quý tộc còn có cặp liễn thêu hai câu đối đỏ và bức trướng mà các vị quan cùng nhau kính tặng đại quan Nguyễn Văn Phong khi ông mất cùng bức hoành “Tiết hạnh khả phong” dành cho bà Lê Thị Hóa, con dâu của dòng họ Nguyễn thủ tiết thờ chồng… Đây là ngôi nhà có ý nghĩa sâu sắc đối với dòng tộc Nguyễn và cũng là niềm vinh hạnh của gia đình và người dân thời bấy giờ khi mảnh đất này là nơi sinh ra và lớn lên của những bậc hiền tài vì dân vì nước.
Ông Bỗng nhớ lại, thời ấy chiến tranh ác liệt, những trận càn quét của Mỹ liên miên diễn ra khiến nhiều gia đình phải tản cư. Gia đình ông cũng vậy, nhưng không kịp mang hết những kỷ vật mà ông cha để lại. Nhiều món đồ quý trong nhà đã bị thất lạc. Ông Bỗng nhiều lần truy tìm để chuộc lại, nhưng hầu như không có kết quả gì. Chiến tranh kết thúc, ông trở về tiếp tục khôi phục lại ngôi nhà cổ đề thờ phụng tổ tiên ông bà, cũng là để nhắc nhớ cho con cháu về một tộc họ giàu truyền thống hiếu học và có nhiều cống hiến cho dân tộc. Hiện ngôi nhà vẫn còn hằn in những vết đạn cắm sâu vào tường đá và cột gỗ, có một thời như thế đã đi qua.
Vị Thượng thư Hình bộ của vùng đất An Nhơn
Ông tổ dòng tộc Nguyễn ở Thái Thuận xưa là Nguyễn Văn Phong (1802 - 1872), người phủ An Nhơn, Bình Định nổi tiếng học rộng tài cao, am tường văn chương chữ nghĩa. Ông từng đỗ Hương cống, giữ các cương vị trọng yếu qua 4 bộ Lễ, Công, Hình, Lại trong triều Nguyễn. Trong đó có chức thượng thư Hình bộ, tương đương với Bộ trưởng Bộ Tư pháp hiện nay. Ông còn từng là Khâm sai đại thần, được vua Tự Đức ban cho thanh bảo kiếm, là vị quan thanh liêm, chính trực có uy tín lớn thời ấy.
Trong đời làm quan của mình, Nguyễn Văn Phong đã không ít lần giúp đỡ dân nghèo qua cơn hoạn nạn. Năm 1857, đời Tự Đức năm thứ 10, mùa xuân tháng 2, khi ấy Nguyễn Văn Phong đang giữ chức Tuần phủ Ninh Bình, thấy dân bị đói, ông đã tâu với vua: “Tỉnh ấy (Nam Định) trước bị nước lụt vì sát bờ sông bị lở một đoạn, hiện nay lúa gạo đắt, dân khó kiếm được gạo ăn, xin bỏ ở kho ra tiền 1.000 quan, thóc 1.000 hộc liệu lượng đem phát chẩn và chiếu số cho dân nghèo…” (Đại Nam thực lục tập 7, NXB Giáo dục, trang 492). Vua đều cho thực hiện để cứu dân. Tháng 7 năm ấy ông được giao nhiệm chức Hộ lý tổng đốc Ninh Thái.
Năm 1858, những dân lưu tán ở các tỉnh phía Bắc nhiều người chết đói. Thương cảm, Nguyễn Văn Phong đã tấu vua xin cấp vải và chiếu để mai táng cho dân và được vua đồng ý. Nhưng thời điểm ấy, dân đói ở các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội lại tản đi Thanh Hóa, có người tự bán mình, có người bán con. Các quan tỉnh tâu lên, ông Phong bèn sai lấy ra 10.000 hộc thóc kho để phát chẩn. Năm 1862, ông được thăng chức Tổng đốc Ninh Thái. Sau đó đánh đuổi giặc phỉ người Thanh đang hoành hành ở tỉnh Bắc Ninh, bảo vệ yên bình cho dân.
Những năm tiếp theo, ông lần lượt được vua cho đảm nhiệm chức vụ Thượng thư ở các bộ Lễ, Công, Lại. Năm 1968, Nguyễn Văn Phong được chuyển sang làm Thượng thư Hình bộ.
Năm 1869, vùng biên giới phía Bắc lại thường xuyên bị quân phỉ người Thanh vây nhiễu, vua sai Nguyễn Văn Phong đổi sang chức Khâm sai đại thần đến Bắc Ninh trấn áp giặc. Khi vào triều tạ từ, vua Tự Đức nói: “Khanh tuy tuổi cao nhưng khí lực còn mạnh, lần này đi nên theo lối, thể ý mà làm, để xứng sự ủy thác” (Đại Nam thực lục tập 7, NXB Giáo dục, trang 1177). Khi đến nơi, Nguyễn Văn Phong cùng Tổng đốc Bắc Ninh là Bùi Tuấn bám sát lấy thành cố thủ, sau đó kết hợp với Ông Ích Khiêm dẫn quân trong ngoài công kích mới giết được tướng phỉ là Ngô Côn, phá được vòng vây.
Khi xét hiệu thần cho các quan trong triều, khi nói đến Nguyễn Văn Phong, quan Tham chính Lê Lượng Bạt tâu nói: “Công thần đời trước như Phá lỗ tướng quân đời nhà Lý là Lê Hương Sơn, Thái úy đời nhà Lý là Tô Hiến Thành, Thái úy quốc công đời nhà Trần là Trần Nhật Duật” (Đại Nam thực lục tập 7, NXB Giáo dục, trang 1080). Thời bấy giờ, Nguyễn Văn Phong và danh tướng Nguyễn Tri Phương là những cận thần được vua tin cẩn, từ việc quốc gia đại sự đến giáo huấn các hoàng tử, đều được vua giao.
Một đời tận tụy khiêm nhường, đi và giữ nhiều chức vụ quan trọng ở xa quê hương, đến khi cuối đời, Nguyễn Văn Phong chỉ mong muốn được trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” an dưỡng những tháng ngày còn lại. Ông xin về hưu trí, lúc ấy đã 70 tuổi nhưng vua vẫn không muốn ông trả ấn từ quan vì cần bậc đại thần kỳ cựu giúp việc trị yên ở vùng biên giới còn nhiều nhiễu loạn, sau thấy ông tuổi già bệnh nặng mới chấp thuận.
Người đi, ngựa theo
Cả đời Nguyễn Văn Phong là bậc đại thần trung nghĩa, thương dân. Chỉ đáng tiếc vận số triều Nguyễn đến thời suy mạt, binh đao loạn lạc, giặc Pháp xâm lược bờ cõi khiến cho ông đến khi “nhắm mắt xuôi tay” vẫn chưa an lòng. Ông được triều đình phong là Học biện đại học sĩ, là tấm gương sáng cho con cháu đời đời noi theo.
Khi vị Thượng thư Hình bộ mất, nơi quê nhà có nhiều người dân đưa tiễn. Con tuấn mã đã cùng ông rong ruổi bao nhiêu năm cũng quyến luyến đi theo đoàn khiêng quan đến lúc hạ huyệt. Lúc những thớ đất lấp dần người quá cố, con ngựa rỏ những giọt nước mắt rồi bỗng dưng ngã quỵ xuống cạnh mộ, nằm bất động. Mọi người đến lay dậy thì hay con ngựa đã theo chủ nhân của nó, mãi mãi không bao giờ tỉnh dậy. Cảm động trước con ngựa trung thành, dòng tộc Nguyễn đã chôn nó cạnh mộ chủ.
Ông Bổng tâm sự: “Ông bà tôi vẫn thắp hương thờ cúng con ngựa giống như một người bình thường. Ngày ấy, giới đào mộ đêm khá nhiều, con cháu đến canh giữ mộ ông cho qua 49 ngày để khỏi có người quấy nhiễu. Đêm đến, khi họ thiu thiu giấc thì nghe tiếng vó ngựa chạy quanh gò và tiếng hý vang của con tuấn mã, nhưng khi tỉnh lại, tất cả lại trở lại yên vắng bình thường”. Dân làng ngày đó cũng nghe tương tự vậy, còn có nhiều người kể rằng, khi đi thăm đồng ban đêm, họ thấy con tuấn mã và một vị mặc quan phục chạy ngang trên cánh đồng đi theo hướng của nhánh sông Côn giữa điệp trùng gió nổi khiến họ rợn cả sống lưng... Sống uy nghiêm, chết linh thiêng. Câu chuyện về vị quan và con tuấn mã vẫn còn nhiều người nhắc đến.
Tiếp nối truyền thống hiếu học của tổ tiên, họ Nguyễn đời nào cũng có người đỗ đạt cao. Ông Bổng hiện cũng là một luật sư có uy tín trong Hội luật gia Bình Định, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân nghèo, giúp họ hiểu luật hơn. Thời gian đã phủ tấm rèm ký ức và mở ra một trang mới của thời đại nhưng truyền thống hiếu học và cống hiến cho người dân của dòng tộc Nguyễn và anh tài vùng đất An Nhơn vẫn còn giữ mãi.
“Nguyễn Văn Phong, tên tự Hữu Niên, người Tuy Viễn thuộc Bình Định, cùng với em trai là Văn Nhã đều có tiếng văn học, người ta vẫn chắc sẽ trở thành bậc đại tài. Phong thi nhiều lần không đỗ, do chân phủ cống vào làm giám sinh Quốc tử giám, khoảng năm Thiệu Trị (1841 - 1847) bổ Điển bạ rồi làm Tu soạn cung Hoàng tử bạn độc. Năm đầu Tự Đức (1848), do chức Tư phủ An Nhơn vào làm Giám sát ngự sử. Khi dẫn vào yết vua được cất lên chức Lang trung, rồi qua làm Quang lộc tự khanh tham biện các vụ. Sau đổi đi thự Bố chính Nghệ An rồi bổ Phủ doãn thừa biện. Năm thứ 9 (1856) bổ Tuần phủ Ninh Bình, chưa bao lâu thăng thự Ninh Thái Tổng đốc” (Đại Nam liệt truyện, tập 4, Viện Sử học Việt Nam, NXB Thuận Hóa, trang 267).