Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, nhiều thế hệ giáo viên học và sinh ở các trường học trong tỉnh Trà Vinh đã đến dâng hoa, thắp hương tại miếu Tiền Vãng trong khuôn viên trường Tiểu học Lê Văn Tám, phường 1, TP. Trà Vinh để tỏ lòng thành kính những bậc tiền nhân là những thầy, cô giáo có nhiều công sức đóng góp cho ngành giáo dục tỉnh nhà.
Miếu Tiền Vãng được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh vào năm 2004. Theo Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh, miếu Tiền Vãng (còn gọi là miếu Tiên Sư) được xây dựng vào năm 1943 do ông Phạm Văn Lược – Ty trưởng Tiểu học, ông Vương Hảo Thuận – Thanh tra Tiểu học xin quan đầu tỉnh Trà Vinh mở “Hội chợ phiên” để quyên góp tiền xây dựng ngôi miếu thờ đồng nghiệp.
Ngôi miếu được xây cất trên diện tích 16m2 , cột và vách bằng gỗ quí, mái ngói hình cong, nền lát gạch, phía trước đặt bức hoành gỗ viết bằng chữ Hán được dịch là “Ký ức bất vong” và bức hoành gỗ bên trong “Bách tiễn xuyên dương”. Giữa ngôi miếu là bàn thờ đặt bộ lư hương, khói hương nghi ngút, phía sau là tấm bia cẩm thạch gắn bảng đồng ghi danh tên tuổi 139 vị giáo chức người Việt, Khmer, Hoa, Pháp có công đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.
Hàng năm vào các ngày lễ lớn như mùng 10/3 âm lịch (Ngày giỗ tổ Hùng Vương), ngày 23 tháng chạp trước khi nghỉ Tết; các ngày lễ khai giảng và tổng kết năm học, nhiều học sinh và giáo viên đều đến viếng và thắp hương tại ngôi miếu. Riêng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm, khu di tích văn hóa miếu Tiền Vãng là nơi họp mặt của nhiều thế hệ nhà giáo để bày tỏ sự tri ân các thầy cô đã mất.
Thầy Nguyễn Văn Thọ - Phó hiệu trưởng Trường Lê Văn Tám cho biết: “Vào ngày 20/11, không riêng Trường tiểu học Lê Văn Tám, thầy trò ở các nơi khác về đây rất đông. Như trường Mẫu giáo Hoa Hồng đã dẫn các em sang để giáo dục truyền thống đó. Đây là niềm vinh hạnh của nhà trường”.
Thầy Nguyễn Văn Thọ cho biết, từ năm 2009 thầy đã thu thập hình ảnh, tư liệu về ngôi miếu để thiết kế bài giảng điện tử giảng dạy trong chương trình lịch sử địa phương. Giáo trình bài giảng này dự thi đạt giải nhì cấp phòng giáo dục, sau đó được thầy tiếp tục hoàn thiện dự thi sáng kiến đồ dùng dạy học đã đạt giải xuất sắc cấp tỉnh.
Bằng những bài giảng sinh động bằng giáo án điện tử về lịch sử ngôi miếu và những bài học thực tiễn qua các buổi sinh hoạt đoàn đội, đã góp phần giáo dục cho các em học sinh truyền thống hiếu học và tinh thần tôn sư trọng đạo của dân tộc. Em Nguyễn Thị Tuyết Trang, học sinh lớp 5 của trường cho biết: “Hàng ngày, con vào miếu Tiền Vãng chơi và thường chăm sóc cây. Đây là ngôi miếu thờ những thầy cô ngày xưa đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tỉnh Trà Vinh ngày xưa. Chúng con vô cùng biết ơn các thầy cô”.
Thầy Phan Trung Hiếu – hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám cho biết: Miếu Tiềm Vãng là điểm sinh hoạt truyền thống của ngành giáo dục. Ngôi miếu được mở cửa 24/24 giờ, hàng ngày Ban giám hiệu nhà trường và các giáo viên phân công dọn dẹp, thắp hương, đèn vào mỗi tối. Ngoài ra, những phụ huynh đến rước con hoặc những người lớn tuổi là cựu học sinh, giáo viên của trường trước đây sinh sống xa xứ đã đến viếng đến thắp hương.
Hiện nay ngôi miếu Tiền Vãng đang xuống cấp nghiêm trọng, đòn tay bằng gỗ lợp mái ngói nhiều cây bị mục nát và có nguy cơ sập đổ. Nhiều bảng đồng dán trên bia cẩm thạch ghi tên của các nhà giáo đã bị mất do nhiều lần tu sửa.
Hiện nhà trường đang tổ chức sưu tầm lại hiện vật, tư liệu liên quan đến ngôi miếu, đồng thời kêu gọi những cựu học sinh, cựu giáo viên, các thầy cô và các nhà hảo tâm quyên góp trùng tu lại ngôi miếu khang trang, để bày tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân đã có công đóng góp cho nền giáo dục của tỉnh nhà./.