Ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt

27/02/2015 09:56

Theo dõi trên

Chùa Tây Thiên tọa lạc trên một ngọn đồi cao 300m so với mực nước biển, phía sau là rừng, phía trước là cánh đồng mênh mông. Kiến trúc chùa được đánh giá là độc nhất vô nhị, mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt.

Thiền viện lớn nhất nhì miền Bắc

Trúc Lâm Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), cách Hà Nội khoảng 85km về phía Tây. Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là 1 trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam.

Trong khoảng chiều dài 11km, chiều ngang 1km, quần thể di tích Tây Thiên tập trung mật độ lớn dấu vết cũ cũng như các công trình văn hóa, các địa chỉ có giá trị nghiên cứu khảo cổ học, được tạo thành bởi hệ thống phức hợp đền, chùa, thảo am thờ Mẫu và thờ Phật cùng phong cảnh tự nhiên tuyệt đẹp phân bố trên ngọn Thạch Bàn của dãy núi Tam Đảo. Vì thế, từ rất lâu, đây không chỉ là nơi hấp dẫn du khách đến thưởng ngoạn phong cảnh mà còn là một biểu tượng cho đời sống tâm linh, tín ngưỡng tại Việt Nam.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên có toà chánh điện cao 17m, diện tích 673,2m2, 4 trụ đỡ có đường kính gần 1m, ở giữa là 3 tượng phật lớn, bên trái là nhà trưng bày các hiện vật có niên hiệu Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Trong khu danh thắng di tích này, còn có pho Tượng phật “Quốc Thái – Dân An – Phật Đà” bằng đá hoa cương cao 49m. Bên trong là một bảo tháp mười tầng, tượng trưng cho mười pháp giới. Đây thật sự là một tác phẩm có giá trị về mỹ thuật và kỹ thuật đánh dấu về trình độ văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của những người thợ tài hoa thời nay.

Tam Đảo: trời sinh một đóa tiên

Gắn với khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự còn có một truyền thuyết đến nay vẫn còn được lưu truyền ở xã Đại Đình, có gia phả thần tích được chép lại qua nhiều thời gian, nhiều thế hệ. Chuyện kể rằng có một vị tộc trưởng trong trang Đông Lộ, huyện Tam Dương, Phủ Đoan Hùng, hai vợ chồng ngoài 40 mà vẫn chưa có con. Một ngày 2 người lên núi Tam Đảo, tới chùa Tây Thiên dâng hương cầu tự, trong giấc ngủ người vợ có một giấc mơ lành, từ đó thấy trong người chuyển động mang thai đến ngày 10 tháng 5 năm Giáp Thân thì sinh hạ một cô con gái.

Người con gái này tài giỏi và có dung mạo tuyệt vời, khi đất nước có giặc ngoại xâm, bà đã đứng ra kêu gọi trai đinh trong vùng gồm 3.000 tướng sĩ đến Phong Châu - Việt Trì giúp nước. Hùng Vương cảm kích trước bậc quần hoa hào kiệt bèn gia tăng thêm 10 vạn tinh binh, 3.000 kỵ binh. Sau khi dẹp xong giặc Thục, bà được phong là Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Đại Vương. Đến nay vẫn còn những lời thi phú ghi truyền về bài “Tam Đảo trời sinh một đóa hoa tiên. Lúc sống phò Vua Hùng, lúc thác hóa về trời phò thượng đế...”.

Ông Ngô Duy Đông- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Phúc cho biết: “Theo nhiều tư liệu nghiên cứu, Tây Thiên còn là chốn tổ Phật giáo Việt Nam. Đến nay, chùa Tây Thiên là một địa chỉ du lịch tâm linh thu hút rất đông người hành hương trong cả nước, các tăng ni phật tử từ nhiều nước cũng tìm về chùa Tây Thiên để bái Phật và thưởng ngoạn phong cảnh”.

Chùa Tây Thiên không chỉ là nơi hấp dẫn du khách đến thưởng ngoạn phong cảnh mà còn là một biểu tượng cho đời sống tâm linh, tín ngưỡng tại Việt Nam.

Theo Dân Việt
Bạn đang đọc bài viết "Ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.