Khởi nghĩa Hoan Châu chống ách đô hộ nhà Đường diễn ra vào thế kỷ thứ VIII gắn liền với công lao hiển hách của Anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan. Đất nước sạch bóng ngoại xâm, Mai Thúc Loan lên ngôi vua, xưng là Mai Hắc Đế và tiến hành xây dựng bộ máy chính quyền từ triều đình Trung ương đến địa phương, ban hành nhiều chính lệnh quan trọng nhằm xây dựng, củng cố, duy trì nền độc lập tự chủ, mang lại cuộc sống an lạc, thanh bình cho trăm họ muôn dân suốt hơn 10 năm (từ năm 713 đến năm 723).
Cuộc khởi nghĩa là bằng chứng lịch sử hùng hồn, thể hiện sự đoàn kết, khẳng định khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc ta trước sự xâm lược, thống trị ngoại bang.
1310 năm trôi qua kể từ khi khởi nghĩa Hoan Châu giành thắng lợi, nhưng sự nghiệp vĩ đại của Mai Thúc Loan mãi mãi là di sản quý giá của nhân dân xứ Nghệ và cả nước. Để tôn vinh tinh thần của hào khí Hoan Châu và công lao của người anh hùng Mai Thúc Loan, Lễ hội Đền vua Mai được tổ chức vào Rằm tháng Giêng hàng năm.
Cuộc đời, sự nghiệp của Mai Hắc Đế khởi nguồn và gắn bó chặt chẽ với mảnh đất Nam Đàn mà từ lâu được biết đến là “trùng lai danh thắng địa, cổ lai đa hào kiệt”, nơi những trầm tích văn hóa được tạo dựng và kết tinh qua chiều dài lịch sử hàng nghìn năm. Thời nào mảnh đất này cũng xuất hiện những anh hùng, chí sỹ, những danh nhân kiệt xuất làm rạng danh cho quê hương, đặc biệt nơi đây đã sinh thành và nuôi dưỡng những vĩ nhân kiệt xuất của các thời đại như: Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lịch sử đáng tự hào đã bồi đắp cho Nam Đàn một hệ thống di sản văn hóa truyền thống phong phú, nhiều màu sắc với 173 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 42 di tích đã được xếp hạng gồm: 12 di tích cấp quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh và là địa phương cấp huyện duy nhất trong cả nước đến thời điểm hiện nay có 4 di tích quốc gia đặc biệt (Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Đình Hoành Sơn và đền thờ Vua Mai Hắc Đế). Cùng với đó là các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc về lễ hội, phong tục, tập quán, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể dân ca Ví, Giặm với điệu hát Ví phường vải, Ví đò đưa sông Lam...
Kế thừa truyền thống, dựng nước và giữ nước của cha ông, mảnh đất Hoan Châu xưa và Nghệ An hôm nay đã có nhiều thay đổi lớn. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát thấp, đến nay quy mô nền kinh tế của tỉnh đứng thứ 10 cả nước. Diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại, là một trong những điểm sáng của cả nước về xây dựng Nông thôn mới...
Cùng với kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu, khai mạc Lễ hội Đền vua Mai, Đền thờ vua Mai Hắc Đế vinh dự được đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Sự kiện hết sức ý nghĩa, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An; góp phần tôn vinh và khẳng định giá trị lịch sử của khởi nghĩa Hoan Châu năm 713 gắn với công lao của anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan; khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam.
Với sự công nhận này tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn đã có di tích thứ 6 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Gắn với di tích Đền thờ Vua Mai Hắc Đế, lễ hội đền Vua Mai hàng năm là hoạt động mang đậm ý nghĩa truyền thống cao đẹp của đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, vừa là bài học giáo dục sinh động lòng yêu quê hương đất nước và đồng thời thiết thực đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Tôn vinh các bậc tiền nhân có công với nước, tôn vinh giá trị di sản văn hóa là việc làm vô cùng ý nghĩa không chỉ nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn tạo tiền đề cho phát triển trong tương lai.
Ngay sau buổi lễ, là chương trình nghệ thuật “Hào khí Vạn An” gồm 3 chương: Chương I - Sa Nam, đêm đô hộ; Chương II – Hoan Châu tụ nghĩa; Chương III – Xưng đế.
Chương trình nghệ thuật “Hào khí Vạn An” đã đưa người dân trở lại với mảnh đất Hoan Châu xưa, để hiểu hơn về hành trình tụ nghĩa, viết nên một bài ca hiển hách của sự chính nghĩa, lưu danh muôn thủa trong lòng người.