Nghệ An: Hội vật truyền thống - một giá trị văn hóa trường tồn

01/02/2023 07:36

Theo dõi trên

Đến với Lễ hội Đền Vua Mai (Nam Đàn, Nghệ An), nhân dân và du khách sẽ được hòa mình trong một không gian văn hóa truyền thống cùng nhiều trò chơi dân gian xen lẫn các hoạt động đấu vật, cờ người, cờ thẻ, đu tiên, đẩy gậy, bóng chuyền, hội trại, tìm hiểu thân thế và sự nghiệp Vua Mai...

327284295-875326910434623-2320373866878452001-n-1674997737.jpg
Tương truyền, hội vật bắt nguồn từ những lần tuyển quân của Vua Mai Hắc Đế. Ảnh: Truyền thông Nam Đàn

Theo Kim Dung, tương truyền, hội vật này bắt nguồn từ những lần tuyển quân của Vua Mai Hắc Đế. Sinh thời, Mai Thúc Loan là cậu bé có sức khỏe hơn người, mười tuổi đã dùng rìu chém hổ, mười bốn tuổi đã quật ngã những tên lính Đường trong hội đấu vật. 

Khi trở thành Hoàng đế, ông vẫn giữ được khí phách, tinh thần của người dân thượng võ. Hàng năm, vào dịp đầu xuân, Vua Mai thường cho phép các vùng tổ chức thi vật để chọn lấy những đô vật khỏe mạnh, tài trí bổ sung cho đội quân tiên phong của mình. 

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hội vật vẫn được lưu truyền với những miếng đánh từ ngàn xưa của cha ông truyền lại như miếng “sang sau”, miếng “cuốn”, miếng đánh trên, đánh dưới nhanh và bất ngờ… vẫn được các đô vật gìn giữ và phát huy trong các trận đấu.

Với ý nghĩa đề cao tinh thần thượng võ, không chỉ tại Lễ hội Đền Vua Mai, mà trong không khí tưng bừng, vui tươi của những ngày đầu năm mới, nhiều xã, thị trên địa bàn huyện Nam Đàn cũng nô nức tổ chức mở hội vật đầu xuân và trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo trên địa bàn huyện Nam Đàn.

326799869-1310816696154807-4332177980967823949-n-1674997723.jpg
Hội vật vẫn được lưu truyền với những miếng đánh từ ngàn xưa của cha ông truyền lại...

Hội vật không chỉ là sân chơi cho người dân trong làng, trong xã mà còn là nơi hội tụ nhiều thanh niên trai tráng đến từ các địa phương khác. Không chỉ cánh đàn ông con trai mới đam mê môn vật, mà già, trẻ, gái, trai đều nô nức đổ về hội vật để được cổ vũ cho trai làng mình, điều này càng làm nóng lên không khí của ngày xuân.

Thông qua Hội vật đầu xuân là dịp để các địa phương trên địa bàn huyện tuyển chọn đô vật tham gia tại Lễ hội Đền Vua Mai được tổ chức vào rằm tháng Giêng hàng năm. Hội vật đã thu hút sự tham gia cổ vũ nhiệt tình của khán giả, là môn thể thao không chỉ tăng cường sức khỏe, đẩy mạnh phong trào rèn luyện thể dục thể thao cho thanh, thiếu niên, mà còn mang ý nghĩa giáo dục cho thế hệ hệ trẻ về tinh thần đoàn kết, thượng võ của người anh hùng áo vải Mai Thúc Loan.

327179586-528925199219538-7377278255594346516-n-1674997865.jpg
Hội vật không chỉ là sân chơi cho người dân trong làng, trong xã mà còn là nơi hội tụ nhiều thanh niên trai tráng đến từ các địa phương khác

Lễ hội Vua Mai là lễ hội văn hoá truyền thống gắn với sự tôn vinh vị anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan. Từ nhiều năm nay, Lễ hội đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá tâm linh không chỉ của người dân Nam Đàn, mà cả nhân dân các vùng phụ cận. 

Về với Lễ hội Đền Vua Mai, nhân dân và du khách thập phương sẽ được đắm mình vào không gian văn hoá xưa với những dấu ấn rõ nét về một vùng đất thượng võ với âm vang rạo rực của tiếng trống hội thúc giục, mời gọi đến với hội vật. Điều này càng minh chứng, khẳng định cho một giá trị văn hóa trường tồn. 

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Nghệ An: Hội vật truyền thống - một giá trị văn hóa trường tồn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.