Trung Quốc là một quốc gia có lịch sử lâu đời hơn 5.000 năm, là cái nôi của nghệ thuật thế giới. Không giống như xã hội Trung Quốc hiện đại đầy rẫy thị phi, nền văn hóa truyền thống Trung Hoa thực sự đặc sắc, thuần túy và chứa đựng những hàm ý rất thâm sâu. Thế nên, văn hóa nghệ thuật Trung Quốc cổ xưa là nguồn cảm hứng cho nhiều nền văn minh trên thế giới.
Trong gốm sứ, luôn có những hình ảnh biểu tượng được khắc họa trên đó, và những hình ảnh này đều có khả năng tạo nghĩa, truyền tải thông điệp. Rất nhiều người ngỡ ngàng và thán phục vì sự sáng tạo của các nghệ nhân trong việc tạo hình, cũng như trí tuệ thông suốt của họ trong cách sử dụng hình ảnh thay cho ngôn ngữ để truyền đạt. Vậy nên, những biểu tượng này cũng có ảnh hưởng và lưu truyền vào các nước khác trong khu vực.
Trong gốm sứ, luôn có những hình ảnh biểu tượng được khắc họa trên đó. (Ảnh: pinterest.com)
Dưới đây là một vài ví dụ về các tác phẩm gốm sứ Trung Hoa cổ xưa tiêu biểu, khắc hoạ những biểu tượng mang thông điệp sâu sắc vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay.
Thiên nữ tán hoa
Trên những mặt đĩa hoặc bên ngoài của chiếc bát thường có hình ảnh một tiên nữ xinh đẹp, miệng nở nụ cười, tay cầm giỏ, trải hoa khắp lối cô bay qua.
Hình ảnh này gắn liền với tục truyền rằng, khi có đại hỉ, tức những tin vui của đất trời thiên thượng, những điềm lành, phúc báo thì xuất hiện những thiên nữ tán hoa, như một màn chào đón tưng bừng của cõi thiên giới.
Ngoài ra, trong kinh Phật, các tiên nữ thường cải trang để khảo nghiệm các đệ tử tu Phật. Khi người đệ tử đó bước qua quan ải thì sẽ xuất hiện một màn hoa đăng do các tiên nữ trải để ngỏ ý chúc mừng, tán thán.
Cổ nhân sử dụng biểu tượng này với dụng ý nhắc nhở con người giữ thiện tâm, sống có đức ắt được thiện báo và hạnh phúc ấm no.
Họa tiết màu ”TIên nữ tán hoa” với dụng ý nhắc nhở con người giữ thiện tâm, sống có đức ắt được thiện báo và hạnh phúc ấm no (Ảnh: Lam Hạ)
Bát tiên quá hải
Đây là hình ảnh 8 vị tiên tay cầm bảo bối, dưới chân có sóng lớn. 8 vị tiên đó là: Trương Quả Lão, Lữ Động Tân, Hàn Tương Tử, Tào Quốc Cữu, Thiết Quải Lý, Hán Trung Li, Hà Tiên Cô, Lam Thái Hòa. Tục ngữ có câu: “Bát tiên quá hải, các hiển thần thông” (mỗi vị có một sắc thái và tài năng khác nhau). Người xưa kể lại rằng, trên đường đến mừng thọ Vương nương nương, 8 vị tiên phải vượt qua biển Đông Dương, mỗi vị đều sử dụng bảo bối hộ thân của riêng mình để vượt qua sóng to gió lớn. Có rất nhiều câu chuyện mà người đời sau ca tụng về những bảo bối mà bát tiên mang theo.
Hình ảnh “bát tiên quá hải” thể hiện sự thần thông quảng đại, sự nhạy bén và siêu phàm của con người, đồng thời phản ánh ý nghĩa về sự bình đẳng trong sinh mệnh đời người. Xuất thân có thể khác biệt, nhưng sinh mệnh của mỗi con người là bình đẳng như nhau.
Hình ảnh “bát tiên quá hải” thể hiện sự thần thông quảng đại, sự nhạy bén và siêu phàm của con người, đồng thời phản ánh một thâm ý về sự bình đẳng trong sinh mệnh đời người. (Ảnh: battrangonline.vn)
Nhị long hí châu
Đây là một hình ảnh khá phổ biến, được in trên những chiếc đĩa lớn hoặc trong các bình. Hình ảnh 2 chú rồng và 1 quả cầu lửa. Rồng theo truyền thuyết cổ xưa là một trong “tứ linh” gồm: long, lân, quy, phụng. Trong cuốn “Quảng nha” có viết: “Có vảy là giao long, có chân là cù long, không chân là thanh long”. Long châu được hiểu là giọt nước mắt của rồng, hay ngọc rồng, là một loại bảo châu tức viên ngọc quý.
Nếu hoa văn là hình ảnh nhiều chú rồng ôm quả cầu lửa thì gọi là“quân long hí châu”. Nếu hoa văn là hình hai chú rồng lượn vòng quanh chữ “thọ” thì gọi là“vân long bổng thọ”, cả hai hình ảnh đều mang ý nghĩa của cát tường và an lành.
Long phụng trình tường
Rồng biểu tượng cho quyền uy và sức mạnh, Phượng lại mang hình ảnh của cát tường, quý phái. Khi long phượng xum vầy lại có ngụ ý về một đất nước thái bình, hạnh phúc, giàu sang; biểu thị sự cát tường và may mắn. Vì vậy, họa tiết này còn có tên gọi “long tường phụng thụy”.
Rồng biểu tượng cho quyền uy và sức mạnh, Phượng lại mang hình ảnh của cát tường, quý phái. (Ảnh: Divashop.vn)
Quy hạc tề linh
Rùa có tên gọi là quy, nghĩa là sự quay trở về. Rùa có thể báo hiệu cho điềm lành, điềm dữ. Thi ca xưa thường được khắc trên mai rùa. Hạc trong truyền thuyết là một loài chim tiên, biểu tượng cho sự trường thọ vững bền, cho bản lĩnh và trí tuệ.
Phật gia dùng hình ảnh rùa và hạc với ngụ ý rằng, con người muốn đạt được sự trường thọ, trí tuệ đả khai, thì phải tu quay trở về với bản tính tiên thiên vốn có.
Còn trong “Tước bào cổ kim chú”có viết:“Hạc thiên niên tắc biến thành thương, hựu lưỡng thiên tuế tắc biến hắc, sở vị huyền hạc dã”, tức “Qua ngàn năm, hạc biến màu xanh; qua hai ngàn năm, hạc biến thành đen”; nên gọi là hạc huyễn hoặc. Vì vậy, người xưa xem hạc là loài chim tượng trưng cho sự trường thọ.
Tùng hạc diên niên
Tùng là một loại cây sống trong cằn cỗi, trong các mỏm đá mà vươn thế oai phong. Tùng xưng tán như thác nước, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, trong khốn khó mà phấn đấu vươn lên, bản lĩnh tạo uy thế, dám đương đầu với mọi thử thách chông gai. Tùng được ví như cốt cách của một bậc quân tử.
Họa tiết “tùng hạc diên niên” vừa mang ý nghĩa trường thọ, vừa mang ý nghĩa khí tiết thanh cao, còn được gọi với tên“tùng hạc đồng xuân”.
Họa tiết tùng – hạc (Ảnh:Toplist)
Thọ tỉ nam sơn
Thường xuất hiện ở mẫu gốm sứ với dụng ý biếu mừng thọ. Trong“Kinh Thư”có “như nam sơn chi thọ”,trong những câu đối trước kia thường gặp“phúc như Đông hải trường lưu thủy, thọ tỉ Nam sơn bất lão tùng”hoặc“phúc như đông hải, thọ tỉ nam sơn”, đều ngụ ý hạnh phúc và trường thọ, còn gọi là“thọ sơn phúc hải”.
Tam tinh cao chiếu
Theo truyền thuyết, tam tinh gồm 3 vị lão thần tiên: phúc tinh, thọ tinh và lộc tinh. Phúc tinh quản về họa phúc, lộc tinh quản về phú quý, thọ tinh quản về sinh tử. “Tam tinh cao chiếu” tượng trưng cho hạnh phúc, phú quý và trường thọ. Biểu tượng này thường xuất hiện trong các bộ ấm, ly, tách của đồ sứ cổ.
Kỳ lân tống tử
Đây là hình ảnh một em bé ngồi trên lưng con kỳ lân. Kỳ lân tượng trưng cho điềm lành, là dấu hiệu của sự như ý, cát tường. Hình ảnh em bé ngồi trên lưng kỳ lân thể hiện khát vọng sinh con trai của con người.
Biểu tượng Kỳ lân tống tử. (Ảnh: battrangonline.vn)
Ngũ bức bổng thọ
Ngũ bức bổng thọ thể hiện hình ảnh 5 con dơi vây quanh quả đào mừng thọ. Trong tiếng Hán, chữ “bức” (con dơi) đồng âm với chữ “phúc”. Theo quan niệm người xưa, 5 cái phúc của con người là “thọ, phú, khang ninh (an khang), tu hảo đức, khảo chung mệnh”. Khi biếu tặng gốm sứ có hình ảnh này, ngụ ý là chúc mừng gia chủ có được 5 cái phúc lớn ấy.
Giáo tử thành danh
Giáo tử thành danh là hình ảnh gà trống cất cao cổ gáy, xung quanh là 5 con gà con, biểu thị ý nghĩa gà trống đang dạy con. Ngoài ra, biểu tượng này còn có những tên gọi khác như: “ngũ tử đăng khoa”, “giáo tử thành long”, “vọng tử thành long”, “nhất phẩm đương triều”.
Ngọc đường phú quý
Ngọc đường phú quý bao gồm 3 loại hoa: hoa ngọc lan (ngọc), hoa hải đường (đường), hoa mẫu đơn (phú quý), hoặc có khi là hình ảnh 5 quả hồng cùng hoa hải đường, gọi là “ngũ thế đồng đường”. Những hình ảnh này thể hiện cho sự giàu sang phú quý.
Anh hùng đấu trí
Anh hùng đấu trí là tên gọi của hình ảnh chim ưng tranh đấu với gấu. Trong “Bản thảo” có viết: “Hổ ưng dực triển chi dư, năng bác hổ” (chim ưng có đôi cánh rộng, to hơn hổ). Trong “Kinh thư” có viết về gấu như sau: “Duy hùng duy bãi, nam tử chi dạng”. Cả hai đều tượng trưng cho sức mạnh. Cảnh chim ưng, gấu tranh đấu nhau thể hiện khí phách anh hùng, đại trí đại dũng.
Chiêm ngưỡng những kiệt tác tinh xảo từ nghệ thuật gốm sứ cổ xưa, con người thực sự ngây ngất, bị thu hút và mê hoặc. Khi hiểu sau mỗi hoa văn là một câu chuyện, một lời dụ ý thâm sâu, thì chúng ta không khỏi khâm phục cách sử dụng hình ảnh sinh động, bút pháp điêu luyện tinh xảo mang đậm dấu ấn giá trị tinh thần vượt thời gian của những nghệ nhân. Có lẽ, đây cũng là lời giải thích cho sự đam mê sưu tầm gốm sứ của giới thượng lưu. Họ sẵn sàng bỏ cả triệu đô để được thưởng thức và sở hữu những di sản văn hóa nghệ thuật dân gian vô cùng quý báu, phản ánh đạo lý nhân sinh sâu sắc phía sau của người Trung Quốc cổ đại.
Tinh AnhVHVN