Một trong những ông vua tai tiếng nhất nhà Hậu Lê

07/12/2017 00:02

Theo dõi trên

Lê Uy Mục không chăm lo việc triều chính mà chỉ suốt ngày đắm chìm trong tửu sắc, đêm nào nhà vua cũng uống rượu say bí tỉ, khi say thì giết cả cung nhân, và đánh đập những người theo hầu bên cạnh.

Quyền hành lúc bấy giờ rơi hết vào tay bọn ngoại thích, mặt Đông thì có bọn ngoại thích ở Hoa Lăng (quê của mẹ nuôi của vua là bà Nguyên Kính Phi), phía Nam thì có bọn ngoại thích ở vùng Nhân Mục (quê vợ của Lê Uy Mục), mặt Bắc thì có bọn ngoại thích ở Phù Chẩn (quê mẹ đẻ của Lê Uy Mục).
 
 
Vua Lê Uy Mục. Tranh minh họa.
 
Lê Uy Mục, ông vua thứ 8 của nhà Hậu Lê, tên húy là Tuấn, còn có tên húy nữa là huyên, sinh năm Mậu Thân 1488, mất năm Kỷ Tỵ 1509. Lê Tuấn là con thứ của vua Lê Hiến Tông (1461 – 1504), là anh của vua Lê Túc Tông (1488 – 1504).
 
Năm Ất Sửu 1505, vua Lê Túc Tông mất  khi đó mới được 17 tuổi, trước khi mất, biết mình bệnh nặng, mà không có con nối dõi, nhà vua mới cho mời các quan triều thần đến để chỉ định người anh thứ hai là Lê Tuấn sẽ kế vị mình. Vua Lê Túc Tông sắc dụ các triều thần như Bình sơn hầu Lê Quảng Độ, Công xuyên bá Lê Năng Nhượng và các quan văn võ rằng: “Bệnh trẫm chưa khỏi, lo rằng việc phó thác nặng nề không thể kham nổi. Con thứ hai của tiên hoàng đế là Tuấn hiền minh nhân hiếu, có thể nối ngôi chính thống, để thờ cúng tổ tông, võ trị thần dân. Đại thần và các quan nên hết lòng trung trinh để giúp nên nghiệp lớn. Thân vương nào dám tiến ngôi trời thì người trong nước đều giết đi”.
 
Sau khi vua Lê Túc Tông mất, triều đình khi bàn việc lập vua mới bị chia rẽ nghiêm trọng, nhưng cuối cùng theo di chiếu của Lê Túc Tông, các quan đại thần đứng đầu là nội thần Nguyễn Nhữ Vi quyết định lập Lê Tuấn lên làm vua, hiệu là Lê Uy Mục, đặt niên hiệu là Đoan khánh.
 
Sau khi lên làm vua, Lê Uy Mục tự xung là Quỳnh Lâm động chủ, truy phong cho mẹ đẻ làm Chiêu Nhân Hoàng Thái hậu. Những người không ủng hộ việc Lê Uy Mục lên làm vua, đã bị Lê Uy Mục trả thù một cách tàn khốc bằng việc giết chết họ, những người bị sát hại trong đó có cả Thượng thư Đàm Văn Lễ, Đô ngự sử Nguyễn Quang Bật v.v…
 
Lê Uy Mục không chăm lo việc triều chính mà chỉ suốt ngày đắm chìm trong tửu sắc, đêm nào nhà vua cũng uống rượu say bí tỉ, khi say thì giết cả cung nhân, và đánh đập những người theo hầu bên cạnh. Quyền hành lúc bấy giờ rơi hết vào tay bọn ngoại thích, mặt Đông thì có bọn ngoại thích ở Hoa Lăng (quê của mẹ nuôi của vua là bà Nguyên Kính Phi), phía Nam thì có bọn ngoại thích ở vùng Nhân Mục (quê vợ của Lê Uy Mục), mặt Bắc thì có bọn ngoại thích ở Phù Chẩn (quê mẹ đẻ của Lê Uy Mục).
 
Bọn ngoại thích cậy quyền cậy thế, ức hiếp các quan và nhân dân trăm họ, bọn chúng tìm mọi mánh khóe để lấy của báu trong thiên hạ, đã thế lại còn giết hại dân sinh, tước đoạt hết của cải trong dân gian, vì vậy mà nhân dân trăm họ oán hờn vua Lê Uy Mục và bọn ngoại thích.
 
Lê Uy Mục còn đem lòng nghi ngờ, ghen ghét bề tôi, nhà vua còn bí mật sai người tâm phúc tên là Nguyễn Đình Khoa trực tiếp đi dò xét hết anh em, chú bác. Bởi vậy mà Kính Vương (Lê Kiện) là con út của vua Lê Thánh Tông, em của vua Lê Hiến Tông, và là chú ruột của Lê Uy Mục, vì sợ bị mang vạ, Kính Vương đã trốn tránh, và không tìm ra tung tích.
 
Giản Tu Công Óanh là cháu của vua Lê Thánh Tông và là con của Kiến Vương (Lê Tân) là chỗ con chú con bác với vua Lê Uy Mục cũng bị bắt giam tống vào ngục. Dưới thời vua Lê Uy Mục ai cũng lo cho tính mạng của mình và chỉ rắp tâm muốn nổi loạn.
 
Nhân lòng căm phẫn của nhân dân và các quan, Nguyễn Văn Lang đã khởi binh chống lại Lê Uy Mục, quan lại ở trong triều, số thì theo về với nguyễn Văn Lang, số thì sẵn sàng làm nội ứng. Giản Tu Công Óanh lúc đó đang bị giam trong ngục, biết được tin tức như vậy, liền nhắn tin cho người nhà đem của đút lót cho lính canh ngục rồi chạy thoát.
 
Giản Tu Công Óanh liền hợp sưc với Nguyễn Văn Lang và được Nguyễn Văn Lang tôn lên làm minh chủ, Giản Tu Công Óanh tự xưng là Cẩm Giang Vương ở Tây Đô (Thanh Hoa). Cuối năm Kỷ Tỵ 1509, đưa quân về đánh chiếm Đông Kinh (Hà Nội) bắt được Lê Uy Mục, giáng xuống làm Mẫn Lệ Công, buộc phải uống thuốc độc chết.
 
Gản Tu Công Óanh căm tức vua Lê uy Mục trước kia đã giết hại anh chị em mình rất thảm khốc, nên đã sai người đặt xác Lê Uy Mục vào miệng súng thần công bắn cho tan xác, chỉ lấy một ít tàn tro đem về chôn tại An Lãng ở quê mẹ làng Phù Chẩn.
 
Lê Uy Mục mất, hưởng dương được 21 tuổi, tổng cộng Lê Uy Mục ở ngôi được 4 năm. Giết xong Lê Uy Mục, Giản Tu Công Óanh lên làm vua, hiệu là Lê Tương Dực, nhưng ngay sau đó ông vua này cũng đi vào vết xe đổ của Lê Uy Mục, để lại tai tiếng nhơ nhuốc trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Vương Quốc Hoa

Bạn đang đọc bài viết "Một trong những ông vua tai tiếng nhất nhà Hậu Lê" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.