Lực lượng B22 - "Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển" ở Trảng Bàng, Tây Ninh

04/09/2021 19:50

Theo dõi trên

Sau khi được thành lập, Trung ương Cục miền Nam đã thành lập các Ban chuyên môn phục vụ lãnh đạo kháng chiến. Trong đó có Ban Giao bưu vận được Trung ương cục ra quyết định thành lập vào ngày 02/06/1962.

03-1630742426.JPG
Vũ khí cá nhân của thành viên B22 được lưu giữ, trưng bày ở nhà Truyền thống.

Ngày 23/01/1961, Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) căn cứ vào tình hình thực tế chiến trường miền Nam, đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ, trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam. Sau khi được thành lập, Trung ương Cục miền Nam đã thành lập các Ban chuyên môn phục vụ lãnh đạo kháng chiến. Trong đó có Ban Giao bưu vận được Trung ương cục ra quyết định thành lập vào ngày 02/06/1962.

Thật ra, trước đó một năm, lực lượng kháng chiến miền Nam đã hình thành 1 tuyến Giao Bưu vận bí mật thực hiện 1 nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đó là nối liền "đường mòn Hồ Chí Minh trên biển" đưa vũ khí xuyên đất liền đưa đến khắp các chiến trường miền Nam. Đơn vị B22, Trảng Bàng là một điểm quân vận bí mật trong số hàng chục điểm khác ở khắp miền Nam.

Trước sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam, năm 1959, Bộ Chính trị và Quân Ủy Trung ương quyết định mở 1 tuyến đường vận tải bí mật trên biển chuyên chở vũ khí chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam. Ngày 23/10/1961, lực lượng Hải Quân và Quân Giải phóng miền Nam chính thức khai mở "đường mòn Hồ Chí Minh trên biển". Trong suốt 14 năm tồn tại, con đường quân vận đặc biệt này đã chuyển tải gần 160 tấn vũ khí từ miền Bắc cập 19 bến bãi bí mật thuộc địa bàn 9 tỉnh miền Nam, góp phần không nhỏ vào thắng lợi 30/04/1975. Và "đường mòn Hồ Chí Minh trên biển" không chỉ là những tuyến đường trên biển Đông. Để vũ khí đến được khắp các chiến trường miền Nam, "đường mòn Hồ Chí Minh trên biển" vươn dài từ các bến duyên hải tủa ra khắp nơi theo hình xương cá, xuyên thấu những vùng địch tạm chiếm. Lúc đầu, nhiệm vụ vận tải đặc biệt này được hình thành bởi lòng nhiệt thành cách mạng tự phát của nhân dân.

05-1630743112.JPG
Một chuyến vận chuyển "hàng" của B22

Cuối năm 1961, vũ khí từ miền Bắc theo đường mòn Hồ Chí Minh trên biển đã cập các bến duyên hải miền Nam. Muốn vũ khí đưa đến khắp khu vực miền Nam, ta cần phải thành lập những đơn vị đặc biệt để vận tải xuyên qua những vùng địch chiếm. Nếu 1 đơn vị đi xuyên suốt sẽ dễ bị địch phát hiện. Ta đã vận động nhân dân thành lập những đội tự nguyện chuyển vũ khí theo từng đoạn qua các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Khịa, sinh năm 1925, cư dân ấp An Phú, Xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh là người đầu tiên tham gia đơn vị B22. Thời điểm đó ông Nguyễn Văn Khịa đang công tác Nông hội cho xã kháng chiến An Tịnh. Ông Khịa được ông Chín Hải - Bí thư Huyện Ủy Gò Dầu, Tỉnh ủy viên tỉnh Tây Ninh giao nhiệm vụ thu tuyển 2 quần chúng có cảm tình với cách mạng sang Lộc Giang, Đức Hòa, Long An đón vũ khí đem về Trảng Bàng cất giấu.

Ngay đêm đó, ông Khịa đã rủ 2 người bạn thân là ông Năm Hải, và ông Mười Tốt đánh xe bò qua Đức Hòa chở vũ khí về.

01-1630742256.JPG
 Ông Nguyễn Văn Khịa - Người đầu tiên của lực lượng B22.

Ông Năm Hải (Nguyễn Văn Hải) và ông Mười Tốt (Nguyễn Văn Tốt) chỉ là quần chúng có thiện chí với cách mạng. Họ là những nông dân chân chất, quanh năm chăm sóc ruộng vườn, không trực tiếp tham gia vào lực lượng chiến đấu trực tiếp. Vì cách mạng cần, họ không quản ngại khó khăn nhận lời ngay.

Khi đến Lộc Giang, 3 ông bắt liên lạc với ông Hai Súng - Đầu mối ở "chiến kho" (hầm bí mật chứa vũ khí) Lộc Giang để tiếp nhận vũ khí.

Suốt đêm, 3 ông dùng xe bò liên tục chuyển vũ khí như con thoi giữa Lộc Giang và An Phú trên đoạn đường hơn 10km. Đến tờ mờ sáng mới chuyển hết số vũ khí ùn ứ ở kho Lộc Giang về ấp An Phú.

Do chưa có hầm chứa họ giấu tạm vũ khí ngoài cánh đồng gần nhà. Đêm hôm sau, mới bắt đầu đào hệ thống hầm bí mật giữa xóm làng để chôn giấu. Vì yêu cầu bí mật, họ phải âm thầm thực hiện mà không được phép tiết lộ, kể cả vợ con. Thậm chí, có những căn hầm được đào ngay trong nhà của một người dân mà chủ nhà cũng hoàn toàn không hay biết.

Vừa hoàn tất việc cất giấu số vũ khí của chuyến đầu thì ông Chín Hải - Bí thư Huyện ủy lại thông báo: Hàng ở "chiến kho" Lộc Giang đang ùn ứ. Chỉ với 3 người đi tải, sẽ không kịp tải "hàng". Ông Chín Hải đề nghị tuyển thêm 7 người địa phương nữa.

Ông Khịa lại đi "xét tuyển” thêm 7 người. Thế là đội có 10 người. Người lớn tuổi nhất là ông Thành Văn Khoái, sinh năm 1922. Người nhỏ tuổi nhất nhất là ông Út Quyền (Nguyễn Văn Quyền, sinh năm 1945), lúc đó mới 16 tuổi còn đang đi học phổ thông ở trung tâm huyện lỵ thuộc vùng địch chiếm. Ban đêm ông tham gia tải vũ khí, ban ngày vẫn đi học bình thường.

02-1630742771.JPG
 Ông Út Quyền - Người nhỏ tuổi nhất trong lực lượng B22.

Có đêm vác nhiều thùng thuốc súng, sáng vô lớp, bạn học ngồi cạnh hĩnh mũi ngửi rồi hỏi: Sao người mày toàn mùi thuốc súng vậy? Ông nhanh trí bảo đó là mùi bùn sình. Hôm sau, ông bỏ học luôn.

Thời gian đầu, họ dùng xe bò của gia đình để vận chuyển, sau được Huyện ủy giao 14 con bò và 7 xe bò.

Suốt 2 năm đầu, đội vận chuyển vũ khí không thuộc biên chế đơn vị nào cả. Họ lầm lũi làm cho kháng chiến và vì kháng chiến.

Đến ngày 10/3/1963, mới có Quyết định thành lập và được đặt tên phiên hiệu chính thức là B22, trực thuộc lực lượng Giao Bưu vận.

Quyết định thành lập đội bị lộ, thế là bà con xóm giềng tự rủ nhau đi vận tải giúp cách mạng. Có đêm, cả xóm ùn ùn đánh xe bò, xe đẩy tay cùng đi chuyển vũ khí.

Mặc dù nằm cách trung tâm hành chính của địch khoảng 3 cây số và bị kẹp giữa 3 cái đồn lính địch gồm đồn Suối Sâu, đồn An Bình và đồn Bình Tranh nhưng hàng đêm, cả tấn vũ khí được B22 cùng hàng trăm dân công bí mật trung chuyển từ đầu mối Lộc Giang đem về “ém” ở An Phú, Trảng Bàng.

06-1630742535.JPG
Đơn vị B10 bảo vệ hành lang cho B22

Thời điểm đó, An Phú chỉ có 621 nóc gia, nhưng hàng đêm có đến 2.800 người (gồm cả phụ nữ, trẻ em, người già) tham gia vận tải vũ khí.

Để đảm bảo an toàn tuyến hành lang trung chuyển vũ khí, Trung ương Cục quyết định thành lập 1 đơn vị chiến đấu bảo vệ cho B22. Đơn vị này có phiên hiệu là B10. Nhiệm vụ của B10 là rải quân dọc tuyến chuyển "hàng". Nếu gặp địch thì đánh.

Trong suốt thời gian bảo vệ B22, lực lượng B10 đã đánh nhiều trận "vang danh". Nổi bật là trận đánh năm 1965. Trận đó, B10 chỉ có 3 tay súng nhưng dám giao chiến với 2 đại đội Thủy quân Lục chiến Mỹ thuộc Tiểu đoàn "Trâu Điên". Kết quả trận đánh không cân quân số ấy, 2 đại đội Mỹ phải rút lui bỏ lại chiến địa nhiều từ thi.

Đại tá Nguyễn Bá Tòng - Nguyên Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Tây Ninh cũng xuất thân binh nghiệp từ lực lượng B10. Ngoài ra, lực lượng B10, còn có nữ anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, liệt sỹ Huỳnh Thị Hương được nhân dân An Phú ngưỡng mộ, tưởng nhớ vì khả năng chỉ huy đánh trận gan lỳ, nhạy bén.

04-1630742691.JPG
Nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, liệt sỹ Huỳnh Thị Hương - Thành viên B10.

Ngoài lực lượng "hộ tống" B10, Trung ương Cục còn cử xuống 2 cán bộ An ninh làm công tác chống gián điệp đảm bảo cho địa bàn luôn trong sạch.

Tính đến năm 1967, suốt 2000 ngày đêm, lực lượng B22 cùng với nhân dân ấp An Phú đã tổ chức đào 7 "chiến kho" trong xóm làng và xây dựng 3 "chiến kho" trên mặt nước. Đó là những chiếc xuồng được cột dính chùm với nhau. Sau khi chất đầy vũ khí, họ kéo xuồng ra bưng nước rồi kéo ngọn cỏ phủ lên trên.

Hơn 1.800 đêm, B22 đã trung chuyển 5.400 tấn vũ khí, tiền, vàng. Hơn 45.000 lượt dân công mang vác và 4.500 lượt tải hàng bằng xe bò. Chỉ duy nhất 1 chuyến hàng bị lộ, khoản 1,5 tấn vũ khí rơi vào tay địch.

Cuối năm 1967, Trung ương cục quyết định chuyển đường dây vận tải vũ khí chiến lược sang cánh khác. B22 trở thành lực lượng đưa đón cán bộ và giao bưu. 2.000 lượt cán bộ được B22 đưa qua địa bàn an toàn tuyệt đối. Trong số những cán bộ đi qua tuyến B22, có cả nữ Tướng Nguyễn Thị Định. Và có lần B22 nhận nhiệm vụ đưa đoàn tù binh 20 người đi xuyên địa bàn về Đức Hòa, Long An thành công.

Với những thành tích vẻ vang ấy, cán bộ chiến sĩ B10-B22 đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng: 1 huân chương chiến công hạng nhất; 6 huân chương kháng chiến hạng nhất; 79 bằng khen, giấy khen cấp tỉnh, phân khu, ban ngành tặng.

Với những chiến công đó, B22 đơn vị tiền thân của Bưu điện tỉnh Tây Ninh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Năm 1997, địa phương xây cất 1 ngôi nhà lưu niệm, trưng bày những hiện vật của 2 lực lượng B22 và B10 tại ấp An Phú, xã An Tịnh huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh. Ngày 29/4/2002 UBND tỉnh Tây Ninh ra Quyết định số 119/QĐ-CT công nhận An Phú là một địa chỉ di tích lịch sử văn hóa./.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Lực lượng B22 - "Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển" ở Trảng Bàng, Tây Ninh" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.