Chuyện ít biết về người tiểu đoàn trưởng “tóc dài” duy nhất của QĐND Việt Nam

30/08/2021 16:23

Theo dõi trên

Vào những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam đang trong giai đoạn cam go và ác liệt nhất. Ở chiến trường khu V máu lửa xuất hiện một tiểu đoàn đội quân “tóc dài” duy nhất của quân dội nhân Việt Nam.

anh-1-1630313945.jpg
Chân dung người tiểu đoàn trưởng “tóc dài” duy nhất của quân đội nhân Việt Nam

Tiểu đoàn bà Thao

Vốn sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở phường Hòa Hiệp, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng có mẹ và anh trai hy sinh trong lần mở đường ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Năm 1960 khi chưa tròn 12 tuổi, cái tuổi không đủ để làm giao liên, chị Phạm Thị Thao đã trốn cha lên xã khai man thêm 4 tuổi để được gia nhập đội giao liên với mục đích trả thù cho nỗi uất hận khi mất đi người thân trong gia đình. Sau 3 năm làm công tác ở địa phương, năm 1963, chị lại tình nguyện tham gia vào đội thanh niên xung phong và được điều động công tác tiểu đoàn Bắc Hải thuộc tổng hội TNXP Quảng Đà lúc bấy giờ.

Vào những năm cuối thập kỷ 70, trước yêu cầu của lịch sử, khi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đang vào giai đoạn ác liệt nhất, năm 1968 Tổng tư lệnh Quân khu V đã có quyết định thành lập một tiểu đội nữ để làm công tác vẫn chuyển vũ khí, đạn dược, cáng thương binh, tăng gia sản xuất để phục vụ cho tiền tuyến. Và tiểu đoàn vận tải 232 - Tiểu đoàn 232 được ra đời. Dưới sự quản lý trực tiếp của Tổng cục Hậu Cần quân khu V do đồng chí Phạm Thị Thao làm tiểu đoàn trưởng.

Khi được nhận nhiệm vụ mới chị Thao cũng vừa bước sang tuổi 17, tiểu đoàn vận tải với quân số hơn 600 người đến từ nhiều tỉnh và có mỗi tính cách khác nhau, có những đồng đội hơn tiểu đoàn trưởng hàng chục tuổi, lại có những chị có trình độ cao hơn chị nên chị gặp không ít khó khăn khi nhận nhiệm vụ. “Lúc đầu mình đã khóc vì sợ không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng được sự động viên của các đồng chí trong chính ủy quân khu nên càng làm mình càng có quyết tâm hơn để hoàn thành nhiệm vụ được giao thực hiện giấc mơ trả thù địch”, chị Thao nhớ lại.

Trong cuộc trò chuyện, mỗi khi nhắc đến hai chữ “đồng chí”, nước mắt chị như muốn trào ra trong khóe mắt hoe đỏ. Chị nhớ lại: Đó là vào mùa khô năm 1969, thời điểm mà bọn lính dân vệ địa phương tuần tra ráo riết, mật thám lung sục khắp nơi. Chúng rêu rao khắp vùng treo thưởng cho ai bắt được chị sẽ có thưởng lớn. Đêm ấy, cả tiểu đoàn lặng lẽ hành quân về vùng đồng bằng Xuyên Thanh lấy gạo.

Vì giữ bí mật nên các chị em chỉ trao đổi bằng ký hiệu. Nhờ tổ chức tốt nên công tác vận chuyển diễn ra được suôn sẻ, nhưng khi ấy chị Hoàng Thị Lựu chính trị viên của đại đội 1 gùi trên vai hơn 90kg gạo đang lội qua dòng sông Xuyên Thanh không may bị địch phát hiện bắn trúng chân. Quay lại, nhìn thấy chị Lựu vật lộn ở giữa dòng sông, với ý nghĩ nhanh trong đầu không để hàng bị ướt, trôi sông, người lại càng không thể tổn thất. Chị nhanh trí bỏ hàng trên bờ, lặn một hớp đến chỗ chị Lựu, cố gắng hết sức có thể cõng chị Lựu cùng bao gạo sang sông dưới làn pháo bắn như mưa của địch. Khi dìu được chị Lựu cùng bao sang đến chỗ an toàn cũng là lúc chị lã người vì kiệt sức… cũng từ đó cái tên Tiểu đoàn bà Thao luôn là nỗi ám ảnh của quân địch.

Nhắc đến những đồng đội đã từng vào sinh ra tử trên mỗi con đường, chiến dịch chị không thể nào quên hình ảnh người đồng đội đã mãi mãi nằm xuống với đất mẹ. “Nhớ lần vào mùa mưa rừng Trường Sơn, năm 1969, trong lần chuyển hàng qua sông Trà Ôn ở huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Trời mưa rả rích, nước suối chảy xiết. Trong hoàn cảnh cần phải hàng gấp cho tuyến trên, với sự gương mẫu dũng cảm của mình, chị Lâu đã xung phong băng mình bơi qua sang bờ bên kia để buộc dây hỗ trợ cho đồng đội. Nhưng bơi chưa đến nửa dòng sông thì nước càng chảy xiết, phần vì đuối sức dòng nước lũ đã…, chị em chúng tôi đứng trên bờ chỉ biết gào thét mà bất lực nhìn dòng sông hung hãn như muốn nuốt chửng chúng tôi. Nhưng hình ảnh không những làm chùn ý chí của đồng đội mà nó càng làm cho tinh thần quyết đấu của chị em chúng tôi càng cao, quyết tâm chiến thắng quân thù để trả thù cho những hy sinh, mất mát của đồng đội”, chị Thao ngậm ngùi nhớ lại.

Những bước chân của những người chiến sĩ ở “đoàn quân tóc dài” đã có mặt khắp khắp chiến trường từ Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đến Bình Định rồi Kom Tum, Gia Lai, đường 9 Nam Lào. Làm nên những chiến công lớn. Cùng với những điểm nóng của cuộc tàn phá của quân địch như dốc lò Xo, dốc Cọp, dốc ông Dậy, eo Gió, sông Tranh… Những địa danh nơi khói lửa đó trở nên quá quen thuộc với các chị. Với các chị, quên sao được những hình ảnh một số chị em bị cơn sốt rứt hoành hành, đói rét lả người, vậy mà trên đường hành quân chỉ biết ăn rau củ rừng, giữ nguyên gùi gạo trên lưng tiếp cho tiền tuyến. Hay như có những lần cõng thương binh về điều dưỡng, có những thương binh cao lớn, nặng nhiều so với dáng vóc nhỏ nhắn của các chị, thậm chí có những thương binh do vết thương không thể cáng được mà phải cõng. Thế mà các chị đã biết vượt qua nỗi khó khăn và sự e lẹ, thẹn thùng tháy nhau cõng các thương binh về tuyến sau an toàn. Gian khổ là thế, đói rét là vậy, mạng sống tuổi thanh xuân luôn cận kề với cái chết của thời chiến. Nhưng với các chiến sĩ của “Tiểu đoàn bà Thao” sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh lẽ thường tình đó và luôn giương cao tinh thần chiến đấu “năm xung phong” và truyền thống của người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” để làm nên những kỳ tích góp phần vào thăng lợi “đánh cho Mỹ cút đanh cho Ngụy nhào” kỳ tích của dân tộc. Dù biết rằng, những hy sinh mất mát của các đồng đội không thể nào so sánh được.

anh-2-1630314053.jpg
“Tiểu đoàn bà Thao” trên đường đi tản đạn. Ảnh nhân vật cung cấp

Hành trình đi tìm đồng đội

Chiến tranh đã qua lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng những ký ức, kỷ niệm về các đồng chí, đồng đội trong mái nhà chung “tiểu đoàn bà Thao” luôn làm chị khắc ghi trong lòng. Sau ngày giải thể tiểu đoàn duy nhất là phụ nữ của QĐND Việt Nam, trở lại cuộc sống hòa bình, nỗi nhớ đồng đội, những người sát cánh cùng mình vào sinh ra tử cho tổ quốc luôn thúc dục chị phải tập hợp được chị em về một mối. Vậy là hành trang gian nan đi tìm đồng đội của chị được bắt đầu. Bắt đầu chị nhớ lại những con sông, khe suối, cánh đồng nơi đồng đội mình đã ngã xuống. Từ đường 9 Nam Lào, đến các tỉnh Gia Lai, Kom Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, để tìm hài cốt của các chị. Cứ ở đâu đoàn quân “Tiểu đoàn Bà Thao” đi qua chị lại phải mất mấy ngày dừng lại làm công tác tìm kiếm. Nhưng với chị khó khăn nhất bây giờ là nhiều địa điểm đã thay đổi do phát triển kinh tế xã hội. Những gò cao, quả đồi giờ không còn nữa. Mỗi lần đến địa điểm như thế lòng chị lại trĩu lại. Cũng may mắn cho chị ở những vùng máu lửu như Hiệp Đức, Chu Lai, Quế Sơn, Ái Nghĩa vẫn giữ được hiện trạng di tích nên công việc tìm kiếm đồng đội của chị cũng thuận lợi. Trong vòng 10 năm qua, chị cùng với đồng đội đã quy tụ được 19 đồng đội về nghĩa trang thành phố Đà Nẵng. Nhưng vẫn đang còn 40 đồng đội của chị vẫn chưa tìm được. Nghẹn ngào trong giọng nói run rẩy,ngậm ngùi chị chia sẻ: “Nhìn các đồng đội của mình vẫn đang còn lưu lạc đâu đó ở đất mẹ mà mình cảm thấy có lỗi với các đồng chí quá, giá như không có chiến tranh đâu có nỗi …”.

Còn đối với những chị em, sau khi về địa phương có những chị em đang còn gặp khó khăn trong cuộc sống, chị lại đi vận động các đơn vị, các nhà hảo tâm giúp đỡ các chị em vượt lên khó khăn. “Trước kia ở tuổi mười tám đôi mươi các chị đã bán đi cái tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình cho hòa bình dân tộc với những khó khăn, mất mát không gì đổi lại được. giờ nhìn các chị lại khó khăn trong cuộc sống mà mình vẫn đứng ngồi không yên.”. Chị Thao chia sẻ

Với những đóng góp không nhỏ của “tiểu đoàn bà Thao” - tiểu đoàn 232, cùng một người tiểu đội trưởng nhanh nhẹn, năng động đã lãnh đạo tiểu đoàn đi hết chiến công này đến thắng lợi khác. Năm 2010 chị Phạm Thị Thao đã vinh dự Đảng, Nhà Nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân. Một phần thưởng cao quý, khích lệ cho những năm tháng gian khổ chiến đấu không mệt mỏi tuổi thanh xuân của chị.

Hiện nay, cả nước ta đang trong cuộc chiến với dịch Covid 19, người tiểu đoàn trưởng ngày ấy tin rằng,với sự đồng lòng của toàn dân ta thực hiện các quyết sách của Đảng, Nhà nước, sẽ sớm đẩy lùi được đại dịch, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Hữu Tiến
Bạn đang đọc bài viết "Chuyện ít biết về người tiểu đoàn trưởng “tóc dài” duy nhất của QĐND Việt Nam" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.