Như một cơ duyên. Những ngày nôn nóng tập hợp các bài ký viết rải rác trong chiến tranh chống Mỹ trên mặt trận bảo đảm giao thông, in cuốn Đường xuyên cung lửa, tình cờ tôi được nghe câu chuyện tưởng như huyền thoại mà có thật ở Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Đấy là một buổi chiều công trường xây dựng Khu di tích lịch sử Truông Bồn do Sở Giao thông - Vận tải Nghệ An làm chủ đầu tư mà Giám đốc Sở Nguyễn Hồng Kỳ, Tỉnh ủy viên trực tiếp chỉ huy đang vào kỳ san lấp mặt bằng. Giữa không gian sôi động, hối hả của công trường, chiếc máy san lầm lũi gạt đất, cạnh vách núi đã được bạt thấp taluy. Một cán bộ chỉ huy công trường dùng máy điện thoại chụp không gian chiếc máy gạt đất. Khi ông mở lại khuôn hình máy điện thoại di động, ông sững sờ phát hiện, bao trùm không gian chiếc máy gạt đất là hình ảnh cô thanh niên xung phong đầu trần, xõa tóc, mặc quân phục, áo túi xiên, hai ông tay buông xuôi mép quần. Được xem khuôn ảnh, người lái xe gạt hôm ấy đã phát hoảng vì mình vô tình chạm tới giấc ngủ vĩnh hằng của các cô thanh niên xung phong.
Tôi lạnh người, chợt nhớ trận bom tàn ác sáng ngày 31/10/1968 tại mặt dốc Cũi Lợn (Truông Bồn), trong số 14 người thuộc Đại đội 317 bị vùi lấp, sát hại, trừ Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông được cứu sống, chỉ tìm thấy thi thể các cô Nguyễn Thị Phúc, Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Đàm Thị Bốn, Đinh Thị Vinh và anh Cao Ngọc Hòa. Cho mãi hai, ba ngày sau tìm kiếm mà vẫn không thấy thi thể các cô Vũ Thị Hiền, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Tâm, Phan Thị Dung, Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Hoài và anh Trần Văn Hạp.
Gấp gáp, hối thúc mấy ngày đầu ngừng ném bom miền Bắc, lực lượng cứu hộ Đội 65, Đại đội C317 tay rớm máu, cào bới đất đá, vạch từng cụm cỏ, bụi sim, gốc mua, lật tung từng mảnh đất ám khói bom còn vương máu liệt sĩ. Họ lội xuống khuơ khoắng hố bom đầy nước, ven ruộng lúa dưới chân dốc, leo lên cả vách núi nhưng đều vô vọng tìm thấy thi thể 7 liệt sĩ. Họ gạt nước mắt rơi lã chã, xót xa nhìn nhau thầm an ủi đồng đội thân yêu vì sự sống tuyến đường ra mặt trận đã hoá thân vào đất đai xứ sở. Họ đành chia đều mảnh vụn thi thể gom nhặt được vào bảy chiếc ba lô có tên liệt sĩ, rồi đặt tất cả liệt sĩ xuống sườn núi phía Tây Bắc Truông Bồn.
Lời cao tăng cảm khái với nhân gian: “thác là thể phách, hồn là tinh anh” như vang vọng. Phải vậy chăng mà suốt ngần ấy năm, thân thể các anh hùng liệt sĩ Truông Bồn dẫu thành cát bụi, thành hoa trái, mùa vàng vẫn phảng phất vong linh, ẩn hiện, quanh quẩn bên tuyến đường một thời máu lửa.
Chẳng hiểu sao, từ hôm khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử Truông Bồn, tìm thấy hài cốt liệt sĩ vùi sâu mấy lớp đất, rồi xem ảnh tượng hình cô thanh niên xung phong, hẳn là hi sinh ở Truông Bồn rồi, tôi cứ ám ảnh một chuỗi những tín hiệu và sự kiện xảy ra tưởng như huyền thoại nhưng có thật tại ngôi mộ chung ngày giỗ trận 31/10/1968 này.
Người chứng kiến sự linh ứng nhiều lần tại khu mộ là bà Nguyễn Thị Vinh, đã hơn 80 tuổi. Bà sinh cơ, lập nghiệp ở khu mộ sau ngày giải phóng miền Nam được ít năm. Quê gốc ở Mỹ Sơn, bà Vinh sang vùng đất mới dắm dân, lập cư. Bà kể các cô hi sinh ở dốc Kỳ Lợn (Truông Bồn) thiêng lắm! Một bận anh cán bộ thủ quỹ lâm trường Đại Huệ nhận lương về cho đơn vị, qua khu mộ bị rơi. Các cô “mách bảo” đứa trẻ nhặt được bọc tiền cho anh cán bộ xin lại. Lần khác mấy chú lính Sư đoàn 324 đi tập trận, xe qua khu mộ đã buông lời bất kính: “Các em ơi, dậy đi với bọn anh”. Thế là giây lát sau, chẳng hiểu sao một bánh xe trước văng ra, nhảy tâng tâng trước mui xe một đoạn khá xa. Lạ kì chiếc xe chỉ chạy ba bánh vẫn không gặp tai nạn. Hình như các cô cũng “trêu đùa” lại tốp lính, chứ không gây hại bọn trẻ người non dạ. Nếu còn sống các cô cũng đã là mẹ, là bà chúng nó. Vào dịp tôn tạo ngôi mộ tập thể, đêm trước ngày động thổ, người dân quanh vùng ngỡ ngàng nhìn thấy hàng đàn đom đóm bay thành dải xanh trắng, vây tròn quanh khu mộ, nhảy nhót, dập dềnh, lúc tụ kín, lúc tỏa ra. Hiện tượng kỳ ảo ấy kéo dài từ 8 giờ tối tới tận 10 giờ đêm mới nhạt dần.
Chứng kiến cảnh ấy, bà Vinh bảo các cô vui mừng sắp có ngôi nhà mới khang trang hơn sau ba mươi năm ngôi mộ để trần, dãi dầu mưa nắng cùng tấm bia ghi danh liệt sĩ bạc màu thời gian.
Anh Lê Minh Niệm, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An nhớ lại câu chuyện “trục trặc” buổi lễ cầu siêu các cô, bởi người hành lễ sơ suất khi dâng hương đã không mở nút đậy chai rượu cúng. Anh Nguyễn Xuân Đường, chủ lễ thấy cái chai nghiêng ngửa như sắp đổ, phát hiện sơ suất, anh mở nút chai. Lát sau, dứt lời thỉnh cầu bát hương bốc cháy rừng rực, tàn bay như reo vui, mãn nguyện. Còn mấy cô ở Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch (nay là Sở Văn hoá - Thể thao) giúp lễ, trước đó bỗng dưng tím tái mặt mày, thất thần hô: “các đồng chí nhanh chóng phá bom mở đường thông xe!”, cũng dần tươi tỉnh lại.
Năm 2008, tập thể chiến sĩ Thanh niên xung phong chiến đấu hi sinh tại trọng điểm Truông Bồn được Đảng, Quốc hội, Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Cách đó mười hai năm, địa danh máu lửa, bi tráng Truông Bồn được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch) ban hành Quyết định số 51, ngày 12/1/1996 công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Năm 2008, tròn 40 năm Truông Bồn chiến thắng và đau thương, lãnh đạo tỉnh Nghệ An quyết định tổ chức trang trọng lễ kỷ niệm vào cuối tháng 10. Tôi và anh Lê Minh Niệm được anh Phan Đình Trạc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ chuẩn bị nội dung phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm.
Tháng 10 năm ấy, Nghệ An mưa, bão dồn dập, càng về cuối tháng trời mưa như càng giận dữ trút nước, bởi vậy Ban Tổ chức đã phải tính đến phương án tổ chức lễ kỷ niệm ở Thành phố Vinh, tại Nhà Văn hóa Lao động. Thế nhưng tới phút chót, xin ý kiến thực hiện phương án hai, đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư, được phân công vào dự lễ đã kiên quyết chỉ đạo tổ chức tại Truông Bồn vào ngày 30/10, trước ngày các cô hi sinh. Đêm 29 và sáng 30 trời vẫn xối xả mưa. Cả khu lễ đài trắng mưa lênh láng nước. Ấy vậy mà vào thời khắc buổi lễ được truyền hình trực tiếp lên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, mưa lại ngớt dần và ráo tạnh hẳn. Lại một điềm kỳ lạ, lúc đồng chí Trương Tấn Sang trân trọng trao bằng Anh hùng Lực lượng vũ trang cho đại diện Tiểu đội liệt sĩ Truông Bồn C317, cả bầu trời vùng núi rừng Truông Bồn chợt bừng nắng. Trên đài cao buổi lễ, hương cháy sáng thành ngọn lửa mà ít phút trước, nước ngập bát hương, chân hương ướt sũng. Khó tin nhưng đó là hình ảnh có thật. Và cũng chỉ mấy giờ sau, mưa lại tầm tã, trắng trời, trắng núi. Dường như nỗi đau, sự mất mát xương máu quá lớn lao mà không gì có thể bù đắp trọn vẹn được cả sau những vinh quang, đền đáp muộn màng, khiến đất trời cũng sụt sùi mưa gió.
Còn một điều lạ nữa đó là bát hương, đặt tại khu mộ tập thể liệt sĩ không bốc cháy trong buổi lễ mà phải đợi tới chính giỗ (31/10/2008), khi Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thị Hường nay là Thường vụ Tỉnh ủy Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn mang cờ Anh hùng Lực lượng vũ trang, Bằng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang kính cáo với các anh linh liệt sỹ, bát hương lúc này mới hoá rực chân nhang.
Với riêng tôi, sự linh ứng ở Truông Bồn đã trở thành ám ảnh, kỷ niệm khó phai mờ theo năm tháng. Thường khi đi công tác mạn Tây Nam của tỉnh, bao giờ tôi và chú Vinh lái xe cũng nhớ chuẩn bị hương, hoa quả từ Vinh hoặc chậm lắm là thị trấn Nam Đàn rồi bận mấy cũng vào dâng hương cho các cô tại Khu mộ Truông Bồn. Ấy thế rồi cũng có lúc gặp sơ suất. Dịp lên công tác Tương Dương, tôi và chú Vinh quên mua lễ, tới sát khu mộ mới phát hoảng. Vì không thể vào tay không, đành thầm khấn, hẹn lúc về sẽ tạ lỗi. Ai dè vì quá vui vẻ ở Tương Dương với mấy ông “hết mình”, tôi chẳng còn nhớ gì nữa, nằm váng vất sau tay lái chú Vinh đổ dốc về Vinh trong đêm vắng. Qua khu mộ lúc nào chẳng hay. Đang lơ mơ bỗng từ sau xe phát tiếng nổ choáng tai rồi chiếc xe chững lại, nghiêng hẳn phía sau. Chú Vinh vội nhảy xuống rồi chú ấy thốt lên: “Nổ lốp sau rồi chú ạ!”. Tôi xem đồng hồ. Đã sang ngày sau gần ba giờ. Tôi chợt nghĩ tại sao nổ lốp sau. Nếu lốp trước nổ hẳn là chú cháu “no đòn” vì cạnh thung lũng, xe rất dễ lao xuống vực. Và tôi chợt tỉnh ra sởn gai khi nhớ tới lỗi thất hứa của mình với các cô và các anh liệt sỹ Truông Bồn. Chắc các cô, các anh chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng thôi, chỉ cho nổ lốp sau để mà nhớ “với người đã khuất, lời hứa nặng lắm, thiêng liêng lắm”. Đừng bao giờ hứa cho qua chuyện./.