Lên “Cổng trời” nghe huyền thoại Mường Lống!

27/09/2021 11:47

Theo dõi trên

Xã Mường Lống nằm trên dãy Pù Tiêng cao 1.050 m so với mực nước biển. Phía Đông Bắc có đỉnh Pha Khăn, phía Tây có đỉnh Pù Nhi, hình thành những dãy núi đá vôi bao bọc bốn phía. Muốn vào Mường Lống phải qua nhiều lèn đá cao cheo leo, nhân dân thường gọi là “Cổng trời Mường Lống”.

52948732-824311591250084-1680049850231554048-n-1632667843.jpg
Đường vào xã Mường Lống. Ảnh: Internet

Mường Lống xã vùng cao của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nơi đây có khí hậu quanh năm mát mẻ được ví là “Đà Lạt của Nghệ An”, “Sa Pa của miền Trung”.

Ở đây có nhiều đặc sản và dược liệu quý như: cây đào, cây mận Tam Hoa, cây sâm Thất diệp nhất chi hoa, cây Tam Thất, cây Giảo Cổ Lam… Xã Mường Lống nằm trên dãy Pù Tiêng cao 1.050m so với mực nước biển. Phía Đông Bắc có đỉnh Pha Khăn, phía Tây có đỉnh Pù Nhi, hình thành những dãy núi đá vôi bao bọc bốn phía. Muốn vào Mường Lống phải qua nhiều lèn đá cao cheo leo, nhân dân thường gọi là “Cổng trời Mường Lống”. Đến đây, mọi người sẽ được nghe nhiều câu chuyện hay và ly kỳ về tên gọi Mường Lống.

Mường Lống và ông Vừ Nhìa Ma

Chuyện kể rằng, ông Vừ Nhìa Ma là người ở huyện Quế Phong. Trong một lần đi săn Tê giác, ông đã theo dấu con mồi từ huyện Quế Phong đến vùng đất này (xã Mường Lống ngày nay). Khi bước vào thung lũng, ông Vừ Nhìa Ma đã vô cùng hoảng sợ, bởi ở đây cây cối rậm rạp, bốn bề là vách núi cheo leo, địa hình lại giống nhau, giữa thung lũng là muôn vàn thú dữ. Nhưng với bản lĩnh của một thợ săn chuyên nghiệp, ông đã trồng hai cây mét ở cửa ra để làm dấu cho khỏi lạc đường nên gọi là “Nhan Lống Tang”. Sau khi săn được tê giác, ông thấy khu vực này mát mẻ, khí hậu thuận lợi nên đã về đưa con cháu sang đây làm nương rẫy. Được một thời gian ông Vừ Nhìa Ma lại đưa vợ con quay lại vùng xã Tri Lễ, huyện Quế Phong và mất ở đó.

Hiện nay, ở Mường Lống vẫn còn những dấu tích của ông như giếng nước Nhìa Ma, rẫy Nhìa Ma. Các cụ cao niên kể rằng, người dân tộc Mông ngày xưa có tài đi săn tê giác. Thợ săn có thể đi liền 3 đến 4 tháng để theo dấu vết con mồi. Khi phát hiện ra sẽ dùng cung tên có tẩm thuốc độc bắn. Sau đó đi theo chờ cho thuốc ngấm rồi mới tiến tới cưa lấy sừng của nó.

Ngày xưa cách mua bán sừng tê giác rất đặc biệt. Người mua có 2 cách để trả giá, một là lấy bạc nén chồng 4 phía xung quanh cái sừng, chồng lên cao đến lúc nào lấp kín cái sừng thì sẽ được lấy sừng về (tức là trả giá xong). Hai là chủ nhà sẽ ném sừng ra xa, khách mua sẽ lấy bạc nén rải một đường thẳng tới sừng thì được lấy sừng, cuộc mua bán coi như xong. Theo chuyện này, Mường Lống là do ông Vừ Nhìa Ma đặt ra, với  ý nghĩa là trồng cây làm dấu cho khỏi lạc đường.

Mường Lống với bộ tộc Thái Han

Một câu chuyện khác lại kể rằng, Mường Lống được bắt nguồn từ nghĩa của chữ “Lống Nềnh” nghĩa là mất người. Chuyện này gắn liền với huyền thoại về bộ tộc người Thái Han (Thái Hạng).

Theo các vị già làng cao tuổi cho biết người Thái Han tức là người dân tộc Ơ Đu ngày xưa. Dân tộc này rất giỏi làm ăn và thiện chiến. Tù trưởng của họ lại tinh thông phép thuật, có thể chặt đứt đầu mà vẫn không chết. Dưới sự chỉ huy của vị tù trưởng này, bộ tộc trở nên hùng mạnh, thường xuyên đi xâm lấn các bộ tộc khác trong vùng. Nhưng khi đi gây chiến ở vùng Quế Phong, bộ tộc Thái Han bị thua trận. Tù trưởng bị kẻ thù bắt và chém đầu. Do biết người này có phép thuật nên bộ tộc ở Quế Phong đã dấu đầu một nơi và thân một nơi để hai phần không thể tìm thấy được nhau. Mặc dầu bị chém đầu, nhưng phần thân của người tù trưởng này vẫn chạy đi khắp nơi để tìm lại đầu. Tìm mãi không thấy, biết mình sẽ chết nên bèn kêu cứu thần linh cứu lấy bộ tộc Thái Han, vì sợ các bộ tộc khác đến trả thù. Tù trưởng hứa nếu thần linh cứu được cả bộ tộc, sẽ ban tặng một con trâu bạc “chân to bằng cái khay tròn”, “sừng dài bằng sải tay người” để làm lễ vật. Nhưng tìm mãi vẫn không có con trâu bạc to như thế, vị tù trưởng bị chết, còn người dân của bộ tộc sợ hãi chạy vào trong một thung lũng (tức vùng đất Mường Lống ngày nay) và sau đó không thấy ai trở ra nữa. Tất cả họ đã chết ở thung lũng này. Vì vậy, người Thái gọi vùng này là vùng “Lống Khôn”, người Mông gọi là vùng “Lống Nềnh”.

Sau khi bộ tộc Thái Han bị chết ở trong thung lũng, oan hồn của họ không thoát nên cứ âm u, quanh quẩn ở đây nên những người sau nay tới đây làm ăn đều không thuận lợi. Trồng cây, cây không sống, có sống thì khi lên hoa nhưng lại không có quả. Vì vậy, mọi người mới đi mời thầy bói về xem. Thầy bói cho biết cần phải lập đền thờ những oan hồn của bộ tộc Thái Han thì mới có thể làm ăn được lâu dài. Sau khi lập đền, làm lễ cúng tế, quả nhiên trời quang mây tạnh, năm ấy được mùa. Từ đó, hàng năm vào rằm tháng 9 âm lịch, nhân dân Mường Lống đều tổ chức lễ tế (lễ này mới bỏ từ sau những năm 1960).

dji-0069-1632667853.jpg
Xã Mường Lống vào mùa hoa mận. Ảnh: Internet

Mường Lống do người Thái đặt

Tên gọi Mường Lống hiện nay theo cụ Vừ Nỏ Lự, nguyên là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết, nó được bắt nguồn từ tiếng Thái là “Lống Tang”, nghĩa là lạc đường. Mường Lống tức là Mường Lạc. Nguyên do, trước kia người Thái tới đây làm ăn, đi vào khu vực này, thấy địa hình, cây cối rậm rạp, bốn bên là những vách núi bao phủ nên rất dễ lạc đường không biết lối ra nên mới gọi như thế. Sau này khi đồng bào Mông đến ở đã lấy tên này đặt cho bản của mình.

Như vậy, xung quanh tên gọi Mường Lống có rất nhiều câu chuyện được kể. Tuy nhiên ông Lầu Bá Chò, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống (nay là Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn) cho biết, dù có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng đến nay phần lớn mọi người dân đều hiểu theo nghĩa Mường Lống trong từ “Lống Tang”(Yuam kev), nghĩa là “Mường Lạc”.

Theo tìm hiểu của PV, xã Mường Lống ngày nay thực chất là phần đất của xã Hòa Lạc nằm trong tổng Mỹ Lý ngày xưa. Theo sách Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí lược được viết vào khoảng những năm (1886 - 1889) cho biết, tổng Mỹ Lý có hai xã là Mỹ Lý và Hòa Lạc. Mặt khác theo bản đồ toàn hạt phủ Tương Dương đời Nguyễn cho thấy vùng đất xã Mường Lống ngày nay trùng khớp với địa vực của xã Hòa Lạc ngày xưa./.

Hoàng Kiểm
Bạn đang đọc bài viết "Lên “Cổng trời” nghe huyền thoại Mường Lống!" tại chuyên mục Khám phá. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.