Lễ hội Nghinh Ông tại cồn Bửng

09/02/2015 14:44

Theo dõi trên

Thờ cúng cá Ông là tín ngưỡng phổ biến, mang đậm nét văn hóa dân gian của cư dân làm nghề biển thuộc các huyện biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Tục lễ Nghinh Ông tại Bến Tre

Theo truyền thuyết, mỗi khi ra khơi, ngư dân thường cúng vái và nhiều lần họ đã được cá Ông giúp đỡ. Khi biển động mạnh, sóng gió nổi lên, ghe sắp chìm là cá Ông xuất hiện, kề lưng đỡ thuyền giúp ngư dân lướt qua sóng gió, nguy cấp. Cá chết gọi là Ông lụy. Khi phát giác có Ông lụy ngoài biển, người ta đưa thuyền ra dìu xác cá vào bờ rồi tổ chức lễ chôn cất rất long trọng. Nơi thờ cá Ông được gọi là miếu Ông (Lăng Ông).

Lễ Nghinh Ông Nam Hải hay còn gọi là lễ tế, lễ rước, lễ cúng cá Ông (tùy theo cách gọi của từng địa phương). Thời gian tổ chức lễ giữa nơi này và nơi khác tuy không giống nhau, nhưng thường được diễn ra trước mùa đánh bắt ở biển. Hàng năm, lễ Nghinh Ông tại huyện Ba Tri và Bình Đại được tổ chức chính thức vào ngày 15 và 16-6 (âm lịch); quá trình diễn ra lễ chính, còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ cho người tham dự lễ và nhân dân địa phương.

Tại huyện Thạnh Phú, lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào sau Tết Nguyên đán (lễ chính nhằm ngày 15 và 16 tháng Giêng) ở cồn Bửng, xã Thạnh Hải. Theo lời kể của ông Phạm Văn Chiêm - Trưởng Ban Quản lý Lăng Ông Nam Hải, xã Thạnh Hải, ngày 5-2-2004 (nhằm ngày 15 tháng Giêng), một cá Ông dài khoảng 20m, nặng trên 50 tấn, đã “lụy” và trôi dạt vào bờ biển cồn Bửng (xã Thạnh Hải). Hai tháng sau, sáng 1-4-2004, có thêm một cá Ông “lụy” dạt vào cồn Bửng, nằm ở vị trí chỉ cách cá Ông trước khoảng 300m. Cá ông thứ hai này dài 25m, nặng hơn cá ông trước rất nhiều. Sau đó, người dân địa phương và nhiều người làm nghề khai thác, đánh bắt thủy sản ở nơi khác đã quy tụ về Thạnh Hải, tổ chức thờ cúng cá Ông. Được sự cho phép của chính quyền địa phương và nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh, ngư dân nơi đây đã xây dựng Lăng vào tháng 4-2004 để thờ cúng cá Ông. Tại Lăng, hiện còn lưu lại 2 bộ xương, 1 bộ có chiều dài khoảng 20m và 1 bộ có chiều dài khoảng 25m.

Tuần lễ hội Nghinh Ông tại cồn Bửng

Lễ hội Nghinh Ông xã Thạnh Hải năm nay diễn ra liên tục trong 7 ngày, từ ngày 3 đến 9-3-2015 (13 đến hết ngày 19 tháng Giêng), tại Lăng Ông Nam Hải, ấp Thạnh Hải (cồn Bửng). Dự kiến trong các ngày này, cồn Bửng sẽ nhộn nhịp khách từ nhiều nơi đổ về để viếng lăng, thắp hương và cầu cho mưa thuận gió hòa, đánh bắt trúng mùa, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc. Theo kế hoạch của Ban tổ chức Lễ hội Nghinh Ông, trong 2 ngày 15 và 16 tháng Giêng sẽ diễn ra phần chính của lễ gồm: lễ Nghinh Ông, lễ an vị và lễ dâng hương. Trước đó, tại Khu du lịch cồn Bửng sẽ diễn ra hội chợ cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ: giao lưu đờn ca tài tử, múa lân, triển lãm hình ảnh, hội thi mâm xôi, giao lưu thể thao cùng nhiều trò chơi dân gian khác.

Theo bà Trần Thị Minh Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải, năm nay, người đi Lễ hội Nghinh Ông có thể sẽ rất đông vì tuyến đường từ cầu Ván đến Thạnh Hải đã được trải nhựa thông thoáng, thuận tiện trong giao thông. Mặt khác, Ban tổ chức lễ hội cũng đã có kế hoạch, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các cơ quan, đoàn thể, đơn vị cùng tham gia đảm bảo tình hình an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Đây là năm thứ hai xã Thạnh Hải tổ chức lễ hội Nghinh Ông với quy mô mở rộng. Nguồn kinh phí tổ chức được xã hội hóa và do người dân tự quản. Nội dung hoạt động lễ hội đảm bảo tính vui tươi, tiết kiệm và đậm nét văn hóa dân tộc. UBND huyện đã chỉ đạo cho các ngành chức năng tích cực hỗ trợ để lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút du khách tới vui chơi, tham quan Khu di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại Cồn Bửng”, ông Đào Công Thương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú.

Theo ĐỨC CHÍNH/Tin Tức Miền Tây
Bạn đang đọc bài viết "Lễ hội Nghinh Ông tại cồn Bửng" tại chuyên mục Từ trong di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.