Lao Khô - nơi ghi dấu tình đoàn kết Việt Nam - Lào

21/07/2017 10:54

Theo dõi trên

Bản Lao Khô (xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu,tỉnh Sơn La) là nơi có Khu di tích cách mạng Việt - Lào, gắn với địa danh lịch sử thiêng liêng ghi dấu ấn sâu sắc về thời gian hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Lào Kaysone Phomvihane, một minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa quân dân hai nước.



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nghe giới thiệu về khu di tích.

Căn cứ địa quan trọng của cách mạng Lào

Trước đây, bản Lao Khô có tên gọi là bản Phiềng Sa, là một bản vùng cao  của xã Phiêng Khoài, phía Nam và Tây giáp với huyện Xiềng Khọ (tỉnh Sầm Nưa, Lào). Cách đây hơn 65 năm, với sự giúp đỡ, cưu mang của gia đình cụ Tráng Lao Khô và nhân dân bản Phiêng Sa, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Ban Xung phong Lào - Bắc đã xây dựng căn cứ địa của cách mạng Lào và thành lập Quân bản Itsala, tiền thân của quân đội nhân dân Lào ngày nay.

Khu di tích đã ghi đậm dấu ấn của tình đoàn kết chiến đấu giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung và giữa nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng trong cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Những câu chuyện về tình đồng chí vẫn được người dân bản Lao Khô ngày nay kể lại đầy tự hào như trong thời gian hoạt động tại đây (từ năm 1948 đến cuối năm 1949), đồng chí Kaysone Phomvihane đã được bố trí đến ở nhà ông Tráng Lao Khô, người dân tộc Mông sinh sống tại bản. Hai người đã cắt máu ăn thề, coi nhau như anh em ruột thịt, nguyện thề sống chết có nhau. Ban Xung phong Lào – Bắc ngày ấy cũng được đồng bào bản Phiêng Sa nuôi giấu, tiếp tế lương thực thực phẩm, cho mượn đất để xây dựng cơ sở trong thời gian hoạt động, bí mật dẫn đường cho cán bộ và chiến sĩ, góp phần giúp lực lượng kháng chiến ở Lào xây dựng căn cứ cách mạng tại các tỉnh phía Bắc Lào.

Năm 1962, bản Phiêng Sa được đổi tên thành bản Lao Khô, lấy theo tên của ông Tráng Lao Khô. Năm 2012, di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào tại bản Lao Khô đã được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích cấp quốc gia. Khu di tích cách mạng Việt Nam - Lào được quy hoạch và xây dựng trên diện tích gần 50ha, theo ba khu vực chính. Khu vực 1 là di tích gốc, gồm toàn bộ nền nhà của gia đình ông Tráng Lao Khô đã sinh sống từ những năm 1930. Khu vực 2 được xây dựng trên tích 3.500m2, với các hạng mục chính gồm Đài biểu tượng Hữu nghị Việt Nam - Lào; nhà trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật quan trọng về tình hữu nghị Việt Nam - Lào; nơi dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane; Bia dẫn tích tổng quan giới thiệu về di tích; nhà đón tiếp, khu giáo dục truyền thống... Đặc biệt, với ý tưởng đài hoa hữu nghị mọc trên núi rừng Tây Bắc, Đài biểu tượng hữu nghị Việt Nam - Lào được xây dựng tại đây, với thiết kế hài hòa biểu tượng cánh hoa sen, hoa chăm pa để giới thiệu văn hóa đặc trưng của hai nước Việt Nam - Lào. Khu vực 3 bao gồm toàn bộ bản Lao Khô hiện nay, với gần 100 hộ gia đình người dân tộc Mông đang sinh sống, trong đó có các thế hệ con cháu trong gia đình ông Tráng Lao Khô.

Ghi dấu tình hữu nghị Việt Lào

Trong khuôn khổ Ngày hội giao lưu VHTTDL vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ II vừa được tổ chức tại Sơn La vừa qua, tại bản Lao Khô đã diễn ra lễ khánh thành Khu di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam - Lào . Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2017.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: “Quan hệ gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào đã được hình thành và hun đúc từ lâu đời. Đặc biệt trong hơn tám thập kỷ qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung, trong sáng giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng và được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp trở thành tài sản chung vô giá của hai nước chúng ta. Mối quan hệ đặc biệt, quý báu và thiêng liêng này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong 4 câu thơ bất hủ: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào, hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Chủ tịch Kaysone Phomvihane cũng đã khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới, đã có nhiều tấm gương chói sáng về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ, có được sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài và toàn diện như quan hệ Lào - Việt Nam”; “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Khu di tích đã ghi đậm dấu ấn của tình đoàn kết chiến đấu giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung và giữa nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng trong cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Khu di tích này cũng là nguồn tư liệu lịch sử quý giá góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, quan hệ đoàn kết đặc biệt, tình cảm thủy chung son sắt giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Tại lễ khánh thành, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotu nhớ lại: “Cách đây 5 năm, ngày 23/4/2012, khi hai nước chúng ta đang cùng nhau chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Lào - Việt Nam và 35 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam, tôi cũng đã từng cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quốc hội Lào sang thăm nơi này và đã cùng đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thời đó tham dự Lễ động thổ xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại nơi này. Trong chuyến thăm lần này, chúng tôi vô cùng cảm động và đánh giá cao Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nói chung, lãnh đạo tỉnh Sơn La nói riêng, huyện Yên Châu, bản Lao Khô đã chung sức tu sửa và xây dựng; chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử hôm nay”. Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotu xúc động nói: “Chúng ta có thể nói là từ nơi thiêng liêng này, từ sự hỗ trợ giúp đỡ đắc lực, quý giá và chân thành của quân đội và nhân dân Việt Nam anh em dành cho sự nghiệp cách mạng của Lào, nên chúng ta mới có tài sản vô giá trong hợp tác, đó là tình đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào được sinh ra trên ngọn lửa đấu tranh giải phóng đất nước ngày xưa để củng cố và phát huy tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện hiện nay”.


Nguyễn Hương

Nguồn: baodulich.net.vn
Bạn đang đọc bài viết "Lao Khô - nơi ghi dấu tình đoàn kết Việt Nam - Lào" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.