Kỳ vọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ Hội An

23/06/2017 11:06

Theo dõi trên

Trong khuôn khổ hội thảo quốc tế "Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản" do UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP Hội An, Ủy ban Quốc gia UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng UNESCO Hà Nội cùng với UNHABITAT tổ chức, tuyên bố Hội An về bảo tồn năm 2017 đã được thông qua. Dư luận kỳ vọng việc thông qua tuyên bố Hội An sẽ đảm bảo việc bảo tồn các đô thị lịch sử và di sản đô thị của Châu Á nói chung, Hội An nói riêng một cách có hiệu quả và công bằng.



Đô thị cổ Hội An đang đứng trước nhiều thách thức trong công tác bảo tồn và phát triển. Ảnh: Kiếm Anh.

Hội An – di sản văn hóa thế giới đang đứng trước nhiều thách thức

Theo dòng lịch sử, Hội An từ một cảng thị truyền thống của Chămpa từ thời Trung đại trở thành một thương cảng quốc tế phát triển rực rỡ trong suốt thế kỷ 17, 18. Ngày nay, đô thị Hội An còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc cổ như nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ... với những dấu ấn của sự giao thoa và tiếp biến văn hóa, vừa mang sắc thái nghệ thuật truyền thống của người Việt, vừa thể hiện sự giao lưu, hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây. Bởi những giá trị văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú, ngày 04 tháng 12 năm 1999, Đô thị cổ Hội An đã được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa thế giới.

Trong gần 20 năm kể từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, cùng sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế cùng nhiều cơ chế chính sách, quản lý phù hợp, Hội An liên tục được UNESCO ghi nhận là một trong những nơi thực hiện tốt việc bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy vậy, Hội An vẫn đang đứng trước các nguy cơ, thách thức do biến đổi khí hậu, hiện tượng nước biển dâng, xói lở bờ biển hay tình trạng ngập úng… Ngoài ra còn có nguy cơ cháy nổ, những áp lực của vấn đề dân số, mật độ, thành phần dân cư trong đô thị, mặt trái của tốc độ đô thị hóa phát triển du lịch lên tính toàn vẹn của di sản, ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan di tích.




Hội thảo quốc tế "Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản"

Tại Hội thảo quốc tế "Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản" được tổ chức vào ngày 13, 14/6/2017 trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam 2017, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã khẳng định các giá trị quý của đô thị cổ Hội An cũng như đưa ra những thách thức đe dọa đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị từ chính thực tiễn quá trình thực hiện tại Hội An.

Do đó, bảo tồn phát huy giá trị cổ di sản Hội An cần sự tham khảo chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau giữa các đô thị di sản trong nước và thế giới, đặc biệt là ý kiến của các chuyên gia trong việc bảo tồn các đô thị cổ kể cả sự giúp đỡ về khoa học và tài chính của các tổ chức quốc tế nhằm bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị di sản.

Tuyên bố Hội An và kỳ vọng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản

Điểm sáng lớn của Hội thảo quốc tế "Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản" là việc thông qua tuyên bố Hội An. Tuyên bố thể hiện sự thống nhất ý tưởng, thể hiện mối quan tâm chung của chình quyền, nhà khoa học cũng như cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gắn với phát triển kinh tế, xã hội, để di sản thực sự ở trong tim và trong tay mỗi người dân.
 



Du khách tham quan Phố cổ Hội An. Nguồn: hoianworldheritage.org.vn.

Tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng là hoạt động đang diễn ra tại khắp các thành phố di sản của Châu Á nói chung và Hội An nói riêng. Trong đó, kiến trúc và các di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành nguồn lực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, do đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo hướng nào để phát triển bền vững là câu hỏi lớn được đặt ra. Trong bối cảnh đó, việc tuyên bố Hội An được thông qua với 10 nội dung nhấn mạnh đến việc bảo tồn các đô thị lịch sử và di sản đô thị của Châu Á một cách có hiệu quả và công bằng, hướng tới cách tiếp cận toàn diện và xem xét bối cảnh nhận thức rộng lớn để vừa duy trì nguyên vẹn, tính xác thực của các đô thị di sản, vừa tuân theo hệ thống di sản thế giới, nhưng cũng đảm bảo sự chia sẻ lợi ích, sự tham gia và đồng quản lý của người dân, những chủ nhân, những người quản lý truyền thống cảu các yếu tố tạo nên di sản đô thị.

Những yếu tố khách quan, chủ quan có ảnh hưởng đến di sản được mở rộng bao gồm các bối cảnh như: địa hình, địa mạo, thủy văn và các đặc điểm tự nhiên, môi trường được xây dựng, cả trong lịch sử và hiện tại, cơ sở hạ tầng trên và dưới lòng đất, các không gian mở và vườn tược, mô hình sử dụng đất và tổ chức không gian, nhận thức và các mối tương quan thị giác, cũng như các yếu tố khác thuộc về cấu trúc đô thị của một khu di sản. Bên cạnh đó là các yếu tố phi vật thể hình thành nên đa dạng, bản sắc của khu đô thị. Tuyên bố cũng chỉ ra việc tư liệu hóa và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể kết tinh trong tri thức truyền thống và nghề thủ công nên được coi là những bộ phận không thể tách rời trong các chiến lược bảo tồn đô thị.

Trên khía cạnh phát triển kinh tế, xã hội tại các khu di sản, du lịch là một phần không thể tách rời trong mọi kế hoạch bảo tồn bởi chỉ khi dung hòa được giữa du lịch và bảo tồn, di sản mới có thể “sống” và đóng góp vào sự phát triển chung của cả cộng đồng. Vấn đề là quản lý và phát triển du lịch một cách hợp lý.

Bởi nếu quản lý phù hợp, du lịch sẽ thúc đẩy sư thịnh vượng của cộng đồng và bảo tồn di sản. Điều này đã được chứng thực. Ngay từ năm 2006, Thành phố Hội An đã ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn và sử dụng di tích Khu phố cổ, mở đường cho sự “sống” của cả di sản và cư dân – những người sở hữu tới 90% di tích. Trước năm 1999, chỉ hơn 10 di tích được tu bổ thì nay là hơn 100 di tích. Năm ngoái, Hội An đã đón tiếp 2.6 triệu du khách, gấp 8 lần so với 10 năm trước đây. Doanh thu từ du lịch, dịch vụ chiếm tới 70 % GDP của thành phố.

Điểm nhấn quan trọng của Tuyến bố Hội An là việc đề cao vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ và tạo ra không gian cho đối thoại và hành động, trong công tác lập kê hoạch, thiết kế, thực hiện và giám sát các chính sách và chương trình, trong xây dựng cơ sở vật chất, và nhận diện giá trị của di sản, tính đa dạng và sáng tạo cho phát triển bền vững. Sự tham gia của khu vực tư nhân  và những sáng kiến mới từ các chủ thể địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản là một trong những hoạt động cần được khuyến khích. Tuy nhiên, việc này phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến mục tiêu quản lý, không thay thế các sáng kiến địa phương, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như tính thống nhất toàn diện giữa các yếu tố di sản. Bên cạnh đó, là việc nâng cao nhận thức của công chúng thông qua các cách thức truyền thông hiệu quả hơn.

Mô hình hợp tác hiệu quả giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân ghi nhận điểm sáng tại Quần thể khu danh thắng Tràng An – Ninh Bình. Vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt, tuyến tham quan dù được mở rộng, nhưng vẫn được kiểm soát để tránh tình trạng quá tải. Những người dân tham gia vào việc lái đò phục vụ du khách, nhưng đồng thời cũng là hướng dẫn viên du lịch vừa tham gia bảo vệ môi trường di sản. Điều này mang đến thu nhập ổn định cho hàng vạn người dân thuần nông ven vùng di sản đưa Ninh Bình từ một tỉnh nặng về khai thác xi-măng, khoáng sản vươn lên thành điểm sáng phát triển du lịch của cả nước.

Kinh nghiệm của Ninh Bình cũng mở ra hướng đi cho nhiều tỉnh, thành phố có di sản, danh thắng trên cả nước./.


Gia Linh

Nguồn: cinet.vn
Bạn đang đọc bài viết "Kỳ vọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ Hội An" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.