Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai (1961 - 2021): Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương

04/12/2021 15:54

Theo dõi trên

“Tôi xa quê hương đã năm mươi năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng, tủi tủi. Nhưng tôi không buồn, không tủi. Tôi rất vui. Vui vì khi tôi ra đi nhân dân còn là nô lệ, bọn đế quốc phong kiến đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do” (Trích từ sách: Vũ Kỳ - Thư ký Bác Hồ kể chuyện).

images1768118-8-1638596910.jpg

Người đi tìm hình của nước!

“Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương.
Người về đây thăm làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha.
Xúc động bồi hồi người rơi giọt lệ,
Thương mái nhà tranh thương đất mẹ nghèo…”
                                 (Người về thăm quê - Thuận Yến)

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới. Cả cuộc đời Người hy sinh cho cách mạng, cho dân tộc. Nhắc đến Người là nhắc đến một con người vĩ đại, giữa bộn bề công việc, trong sâu thẳm lòng mình, Bác vẫn luôn dành cho quê hương, dòng tộc những tình cảm đặc biệt. 

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước và trong bối cảnh nước mất nhà tan, đất nước bị dày xéo dưới gót giày của thực dân Pháp, các cuộc khởi nghĩa của Nhân dân theo nhiều khuynh hướng khác nhau lần lượt thất bại và bị dìm trong bể máu, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm con đường cứu nước mới cho quê hương xứ sở với một nỗi niềm thôi thúc: nước mất phải đi tìm hình cho nước, hồn cho nước. 

Và với một ham muốn: “Ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Quê hương, hai tiếng thiêng liêng ấy thổn thức trong tim Bác ngay từ ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước và “Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!”.

images290752-6-1638596975.jpg
Người về thăm quê. Ảnh: Internet

Năm 1929, khi ở Thái Lan giúp cán bộ Việt kiều củng cố, phát triển tổ chức Việt kiều yêu nước, có lần Bác ghé vào gia đình Việt kiều làm nghề thợ mộc để ngủ qua đêm. Đêm đó, chị chủ nhà ngâm Kiều ru con, Bác lắng nghe, xúc động nhớ lại thủa nhỏ những đêm hè để xua tan đi cái nóng của xứ Nghệ, mẹ Bác – bà Hoàng Thị Loan thường đặt con lên võng vừa dệt vải, vừa hát ru theo làn điệu xứ Nghệ: “À ơi, con ơi mẹ dặn câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm /Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền” . Sáng hôm sau lúc đi đường, Bác Hồ nói với người bạn đồng hành: “Xa nhà chốc mấy mươi niên/ Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”

Chỉ một lời ru con bất chợt bắt gặp trên đất khách cũng đủ làm người thanh niên ấy xúc động hồi tưởng lại quá khứ, nhớ về quê hương, gia đình và càng nuôi dưỡng khát vọng lớn lao đang cháy bỏng trong tim – Khát vọng giải phóng dân tộc và trong 30 năm bôn ba nơi năm châu bốn bể nỗi nhớ ấy vẫn luôn hiện hữu ngày đêm trong tim Bác: “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”.

Ngày 28/1/1941 (mồng 2 tết Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn cán bộ về nước, khi bước đến bên cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung, địa phận thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), Người đứng lặng hồi lâu, xúc động vì sau 30 năm xa Tổ quốc Người được đứng ngắm nhìn non sông hùng vĩ của dân tộc – Một chặng đường mới của cách mạng nước nhà được mở ra.

“…Ôi sáng Xuân nay, xuân 41 
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về… Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ…”
                                                                              (Theo chân Bác - Tố Hữu)

Đi suốt cuộc đời mới về thăm Quê hương!

Ngày 8-12-1961 Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Đúng 12h30 máy bay chở Bác hạ cánh xuống sân bay Vinh. Ra đón Bác có Chính ủy Quân khu IV Chu Huy Mân, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Võ Thúc Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Ân.

Sau khi Bác xuống máy bay, các đồng chí lãnh đạo địa phương mời Bác lên một chiếc xe ô tô kết hoa rực rỡ đợi sẵn ngoài cổng. Bác nhìn quanh một lượt và bất ngờ tiến đến chiếc xe Uoat của bộ phận bảo vệ.

resize-images1768101-2-1638597198.jpg
Xe đón Bác Hồ từ sân bay Vinh về nhà khách Tỉnh ủy. Ảnh: Báo Nghệ An

Người nhanh chóng ngồi lên phía trước xe và bảo cảnh vệ tháo tấm bạt che bên trên để Bác có thể vẫy chào đồng bào đang đón ở hai bên đường. Tình huống diễn ra quá bất ngờ khiến các đồng chí lãnh đạo địa phương không kịp ứng phó. Chiếc xe kết hoa lúc này bị lui lại phía sau. Lúc này cụ Lê Nhu - nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Nghệ An cùng một số người phải ngồi lên chiếc xe hoa chạy theo sau.

Xuống xe, Bác không vào nhà khách được trang hoàng lộng lẫy mà bảo Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng đưa đến nhà ăn tập thể của cơ quan. Bác tự tay nâng mấy chiếc lồng bàn lên xem. Nhìn thấy trong mâm có cơm trắng và các món ăn thịnh soạn, Bác quay sang hỏi đồng chí Võ Thúc Đồng:

“Cơ quan cho anh em ăn tốt đấy chứ”?

Bí thư Tỉnh ủy thưa:

“Thưa Bác, hôm nay Bác về thăm quê nên cơ quan quyết định cho anh em được cải thiện, ngày thường không có đâu ạ!”

Đến giờ ăn cơm, Bác bảo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sỹ Quế ngồi cùng mình. Trên mâm cơm lúc này đã dọn ra nhiều thứ thịnh soạn với cơm trắng, các thức ăn ngon. Chén đũa có hình rồng bay phượng múa rất đẹp. Bác lấy chai rượu đem theo rót ra chén và bảo:

“Trước khi dùng cơm, Bác mời các chú một chén rượu khai vị của Bác”.

Uống xong chén rượu, các đồng chí lãnh đạo địa phương lấy chén do Văn phòng Tỉnh ủy sắp sẵn để xới cơm mời Bác. Bác ngăn lại và lấy ra gói cơm độn bắp cắt sẵn 4 miếng, rồi Người bảo:

“Trước khi ăn cơm chung, Bác mời các chú ăn một lát cơm với cá rô kho Bác mang từ Hà Nội vào. Bác chỉ có chừng này thôi, những thứ trên bàn là của chú Đồng, chú Quế”.

Bác cùng mọi người ăn hết gói cơm độn bắp xong mới dùng cơm do tỉnh chuẩn bị. Bác khen tương Nam Đàn và cà Nghi Lộc ngon và ăn rất ngon miệng với hai món đặc sản quê hương này.

Như lời hẹn với quê hương, lần về thăm quê thứ hai, cũng dưới gốc đa như 4 năm về trước, Người đã có cuộc nói chuyện thân mật với nhân dân xã nhà và một số xã lân cận. Mở đầu, Người nói: “Năm kia, Bác về thăm làng. Lần này, Bác lại về thăm làng một lần nữa, thấy làng ta tiến bộ rất nhiều…”

lang-sen-2-1638597288.jpg
Làng Sen quê nội Bác Hồ. Ảnh: Nguyễn Diệu

Bác mong mọi người đều có trách nhiệm làm cho dân giàu, nước mạnh, giữ vững đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng hợp tác xã vững mạnh, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc.

Xa quê hương, dù bận rộn với trăm công ngàn việc nhưng trong trái tim Bác Hồ, Nghệ An - Kim Liên luôn dành vị trí đặc biệt. Bởi nơi đó, Người đã được sống chan hòa trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè và những người hàng xóm mộc mạc, dễ mến. Những kỉ niệm thuở thiếu thời là kí ức đẹp không phai mờ trong tâm trí Bác. 

Về với quê hương, sau khi thăm những kỉ vật gắn với tuổi thơ của mình, ngồi tại ngôi nhà tranh ba gian giữa vòng vây của bà con, Bác vẫn nhận ra cụ Nguyễn Thuyên - người bạn cũ thời niên thiếu. Người ôm vai cụ Nguyễn Thuyên rồi hóm hỉnh sờ lên vành tai mình và hỏi: "Ông bạn già, ông còn nhớ tôi không? Vết sẹo ngày xưa mà nay vẫn còn." Cụ Thuyên nhớ ngay ra câu chuyện xưa. Chả là một lần hai người rủ nhau ra câu cá ở ao ông Tùa, thấy phao động ông Thuyên giật mạnh thật không may lưỡi câu ngoắc vào tai Bác chảy máu. Ông Thuyên sợ  cuống cuồng nhưng Bác vẫn bình tĩnh gỡ lưỡi câu ra rồi tìm lá niệt ở bờ ao rịt cho cầm máu.Vết thương nhỏ nhưng để lại sẹo. Bác sờ lỗ tai mình nhắc lại kỉ niệm xưa, cả hai người rưng rưng cảm động. 

Bác về thăm Làng sen rồi ra sân vận động nói chuyện với bà con trong xã. Bác khen Kim Liên có nhiều tiến bộ: Lần trước Bác về, "đèn nhà ai rạng nhà nấy", "niêu nhà ai, nhà nấy dùng", làm ăn lẻ tẻ. Nay làng đã tổ chức Hợp tác xã, đồng bào cùng nhau đoàn kết, luôn luôn giúp đỡ nhau. Đó là một thay đổi lớn. Lần trước Bác về, chưa có mấy cái trường này (trường cấp 2 xây gạch lợp ngói cạnh sân vận động), mà nay đã có cho các cháu trong làng và các xóm làng xung quanh đến học, thành một trung tâm nho nhỏ về văn hóa. Thế là văn hóa tiến bộ.  Sự có mặt của các chú bộ đội, dân quân tự vệ, hàng ngũ chỉnh tề ở đây, cũng chứng tỏ lực lượng quốc phòng của ta tiến bộ.

lang-sen-1-1638597527.jpg
Di tích Giếng Cốc, nơi gắn liền với tuổi thơ của Bác. Ảnh: Nguyễn Diệu

Cũng như lần đầu về thăm, lần này Người không quên căn dặn bà con những công việc cụ thể, thiết thực. Đặc biệt, Bác không bao giờ quên dành sự quan tâm đặc biệt đến các cháu thiếu nhi. Bác nói: “Các đồng chí nước ngoài đến thăm, thấy cha mẹ để cho con mình mặt mũi lem nhem, luốc nhuốc, như thế cha mẹ có xấu hổ không? Phải chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cho các cháu…”.

Cuối buổi nói chuyện Bác bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” cho mọi người cùng hát. Cả ngàn người hòa nhịp kết đoàn cùng Bác dưới bóng đa quê hương.

Kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi trở về thủ đô của một nước độc lập, Bác Hồ chưa lần nào gặp lại người thân. Lần đầu tiên Bác gặp lại người thân là cô Thanh, vào đúng Chủ nhật ngày 27-10-1946 khi cô Thanh ra thăm Bác ở Hà Nội. Một tuần lễ sau, đúng vào Chủ nhật, ngày 3-11-1946, Bác đón anh mình ra Hà Nội thăm. Sau những chuyện thân tình anh em, cụ Cả Khiêm hỏi:

“Chú định đến khi nào về thăm quê nhà?”

Bác thong thả trả lời:

“Về đến đây cũng là về đến nhà rồi. Tình hình và công việc thế này chưa cho phép nghĩ tới, chắc việc đó còn lâu…”

Và đây cũng là lần cuối cùng hai anh em Bác gặp nhau. Khi nghe tin cụ Cả Khiêm mất, ngày 9-11-1950, Bác gửi một bức điện về cho dòng họ Nguyễn Sinh: “Nghe tin Anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc Anh đau yếu, tôi không thể trông nom, lúc Anh tạ thế, tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi chịu tội bất đễ (không trọn tình anh em) trước linh hồn Anh và xin bà con nguyên lượng (tha thứ) cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.

bac-ho-ve-tham-xa-vinh-thanh-yen-thanh-thang-12-nam-19619057707-26112021-1638608025.jpg
Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành (Yên Thành) tháng 12/1961. Ảnh: Tư liệu

Sinh thời, Bác Hồ dành cả cuộc đời mình phục vụ Nhân dân, đất nước, tâm hồn không gợn chút riêng tư đúng như Bác đã nói: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân Dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Trước lúc từ biệt thế giới này Người chỉ có một ước nguyện: Mang theo âm hưởng của câu hát dân ca xứ Nghệ vào cõi bất tử bởi nỗi nhớ làng Sen từ thủa ấu thơ, làng Sen day dứt trong tim Bác.

Mong muốn dung dị ấy của Bác đã để lại cho các thế hệ mai sau bài học sâu sắc mà thấm thía, rằng: Tất cả mọi tình cảm vĩ đại trước hết được bắt nguồn từ tình yêu quê hương tha thiết.

Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai (8/12/1961- 8/12/2021), là lúc chúng ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân những công lao đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho quê hương, đất nước, hướng về truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

“… Đi giữa ân tình giữa bát ngát hương sen
Một ngày đi xa là ngàn ngày mong đợi và ngàn năm không quên.
Xúc động bồi hồi người rơi giọt lệ thương cánh võng đưa thương tiếng ru hời...”

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai (1961 - 2021): Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.