Vào thăm bếp - Một phong cách Hồ Chí Minh!

25/09/2021 09:02

Theo dõi trên

Các triết gia trên thế giới đã dạy: xem xét, đánh giá một Nhân Cách Lớn hãy bắt đầu từ những việc nhỏ!

clip-1ts-1632486256-1632535279.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Một lãnh tụ vĩ đại khi không cho việc gì là chuyện nhỏ!

Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta, của Đảng ta là một người như vậy!

Trong hành trình 79 Mùa Xuân, từ khi ra đi tìm đường cứu nước đến khi giữ cương vị cao nhất trong Đảng, là Chủ tịch Nước, dù chỉ là những việc nhỏ hàng ngày, sinh hoạt hay đối nhân xử thế, việc chung hay việc riêng, nhất nhất ở Bác Hồ đều toát lên một lối sống giản dị, trong sạch, luôn luôn lo nghĩ và làm việc có lợi cho dân, cho nước, yêu thương và quan tâm giúp đỡ mọi người. Người quan tâm tới tất cả, để mang lại đất nước ta được hoàn toàn Độc lập, dân ta được hoàn toàn Tự do (“Không có gì quí hơn Độc lập, Tự do”), đồng bào ta ai cũng có Cơm ăn, Áo mặc, ai cũng được Học hành. Với Bác, không có việc gì là việc to, việc gì là việc nhỏ. Người quan tâm tới tất cả, việc lớn, việc nhỏ đều toàn tâm, toàn ý lo cho dân, cho nước, cho Đảng!

Bác Hồ là vị lãnh tụ kính yêu, vị Cha Già dân tộc, người Cha của các lực lượng vũ trang nhân dân, người Ông của các cháu thiếu niên, nhi đồng. Đâu đâu, và ai ai cũng mong Bác đến thăm, cũng mong một lần được gặp Bác. Sinh thời, dù bận đến mức nào, Bác cũng sắp xếp thời gian tới thăm các địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học, thăm bộ đội, thăm nhà khoa học, thăm người lao động…. Đôi dép cao su vẹt gót của Bác đã mài mòn sau không biết bao nhiêu chuyến đi. Không “tiền hô, hậu ủng”; không xe ô tô rú còi inh ỏi, đinh tai nhức óc dẫn đường / dẹp đường; cũng không phải là chuyến vi hành của các bậc vua chúa xưa; những chuyến đi của Bác bình lặng như một chuyến đi thăm người thân. Mỗi lần Bác đến thăm cơ quan, đơn vị nào, Bác cũng làm cho cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị đó “cháy kịch bản”. Bởi, những nơi họ bố trí Bác đến, muốn Bác đến, muốn “khoe” với Bác, Bác không đến trước. Nơi đầu tiên Bác đến thăm là nơi không ai ngờ nhất, không được lãnh đạo các cơ quan bố trí trước. Bác …. xuống thăm bếp.

Chuyện Bác Hồ xuống thăm bếp của các cơ quan, đơn vị, gia đình người dân đã được ghi lại trong nhiều hồi ký, nhiều cuốn sách, tài liệu đã xuất bản. Dưới đây, xin giới thiệu một số tài liệu tôi đã đọc được.

Nhà báo lão thành Phan Quang (nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) kể lại một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng và làm báo của mình: “Đêm ba mươi Tết ấy, Bác Hồ thăm các gia đình công nhân Nhà máy điện ở bãi Phúc Xá (Hà Nội). Vào mỗi nhà, Bác không chỉ hỏi năm nay gia đình gói bao nhiêu chiếc bánh chưng, có bao nhiêu cân thịt, mỗi tháng trả hết bao nhiêu tiền thuê nhà, Bác còn xuống gian bếp để nhìn tận mắt nồi bánh chưng. Trước khi vào bếp, Bác hỏi chủ nhà: “Cho Bác vào bếp, được không?” (Phan Quang – Thương nhớ vẫn còn, NXB Văn học, H, 2006, tr 6).

Đại tướng Lê Trọng Tấn, kể: “Từ tháng 12 năm 1954, Bộ điều tôi về làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân. Ở đây, nhiều lần tôi được đón Bác về thăm trường. Bác thường dặn dò chúng tôi phải dạy tốt, học tốt, cán bộ phải thật sự gương mẫu. Lần nào đến, Bác cũng xem xét từ nơi ăn ở đến nhà bếp, chỗ tăng gia, sau đó mới về gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, học sinh chúng tôi. Tôi biết rất rõ Bác thường đặc biệt quan tâm đến đời sống của bộ đội và nhân dân. Tấm lòng Bác dường như không bao giờ vơi lo âu về việc nâng cao đời sống của mọi người, hạnh phúc của toàn dân. Khi đã về Bộ Tổng tham mưu, tôi có dịp đưa Bác đi thăm bộ đội Hải quân, ra cảng Vạn Hoa. Bác chú ý xem xét vấn đề bảo vệ vùng biển rất sát sao. Nhất là việc quan tâm đến đời sống bộ đội, nhân dân ở đó. Gặp các chiến sĩ hải quân trẻ, Bác hỏi ngay:

- Các chú có cá ăn không?

- Thưa Bác không ạ.

Một chiến sĩ trả lời rất hồn nhiên và chân thật. Có lẽ cũng bởi câu hỏi khá bất ngờ. Các chiến sĩ ta đã nói đúng sự thật với Bác, chưa được người chỉ huy “dặn” phải nói như thế nào (một số đơn vị thường hay làm như vậy).

Bác quay lại hỏi đồng chí Tư lệnh Hải quân:

- Tại sao ở cạnh biển mà bộ đội không có cá ăn? Các chú chỉ huy có khuyết điểm.

Bác lại hỏi có rau ăn không, một chiến sĩ khác trả lời:

- Thưa Bác, tạm đủ ạ.

Sau đó, Bác chỉ thị tập hợp bộ đội để Bác nói chuyện. Câu đầu tiên, Bác lại hỏi:

- Bao nhiêu lâu các chú mới được xem văn công một lần?

Một cán bộ đứng lên:

- Thưa Bác, từ khi ra đảo chưa được xem lần nào.

Bác à lên một tiếng ngạc nhiên, rồi hỏi tiếp:

- Thế còn phim?

- Thưa Bác, năm sáu tháng mới có một tối.

Bác quay lại hỏi chúng tôi:

- Hôm nay có ông tướng đi cùng đây, ông nghĩ thế nào?

Tôi mạnh dạn thưa ngay với Bác:

- Cháu sẽ sửa chữa khuyết điểm.

- Không, chú nói còn chung chung quá. Bao lâu, nói cho rõ.

- Thưa Bác, cứ 6 tháng lo cho anh em được xem một tối văn công và ba tháng một tối phim.

Bác cười. Còn tôi, hứa với Bác rồi mà lại thấy lo làm sao thực hiện được để Bác vui. Bởi vì niềm vui của Bác có gì khác đâu, chính là được thấy bộ đội và nhân dân sống đầy đủ hạnh phúc, không bị thiếu thốn” (Bác của chúng ta – Nxb Quân đội nhân dân, H, 1985, tr 36 – 37).

Thượng tướng Đàm Quang Trung, kể “Đầu năm 1955, Đại đoàn 312 lúc ấy đóng ở gần thị xã Bắc Ninh, lúc đó tôi là Đại đoàn trưởng. Một lần Bác đến thăm, “Bác xem xét tỉ mỉ nơi ăn ở, hỏi các chiến sĩ mùa đông có đủ chăn ấm, áo ấm không?”. Bác căn dặn: “Tuy ta còn nghèo, nhưng cán bộ đừng ỷ vào cái nghèo mà lơ là việc chăm sóc bộ đội, phải tìm mọi cách khắc phục bớt được khó khăn, vất vả cho chiến sĩ phần nào tốt chừng ấy. Có một miếng ngon cùng chia sẻ ngọt bùi thì tình cảm cán bộ, chiến sĩ càng thêm thương yêu, gắn bó. Có ít mà cán bộ hưởng cả, để chiến sĩ không có thì như thế không biết thương yêu chiến sĩ. Không biết thương yêu chiến sĩ thì chiến sĩ cũng sẽ không thương yêu cán bộ, không thành sức mạnh to lớn được. Sau đó, Bác nhắc nhở bộ đội phải tích cực tham gia xây dựng kinh tế, phải tăng gia, tiết kiệm”. (Bác của chúng ta – Nxb Quân đội nhân dân, H, 1985, tr 102)

Đồng chí Đại tá Đặng Tính kể lại: Vào Tết đầu tiên sau khi Quân chủng Phòng không – Không quân được thành lập, được báo cáo Bác sẽ đến thăm một đơn vị trong Quân chủng nhân dịp đầu năm mới, chúng tôi mời Bác tới thăm Đại đội 130, một trong những đơn vị pháo làm nhiệm vụ bảo vệ phía Đông Hà Nội. Khi Bác đến, cả đơn vị đột ngột sung sướng đến lặng người, mãi một lúc sau mới bật lên những tiếng hoan hô “Bác ! Bác đến! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác tươi cười trìu mến nhìn các chiến sĩ rồi nhanh nhẹn đi thăm nhà ngủ, câu lạc bộ, nhà bếp của đơn vị. Bác tỏ ý hài lòng về nếp sống trật tự, vệ sinh của bộ đội. Sau đó Bác nói chuyện thân mật với đơn vị:

- Hôm nay, nhân dịp đầu xuân, Bác và các đồng chí Trung ương đến thăm các chú. Nói xong, Bác hỏi mọi người:

- Các chú ăn Tết có đủ bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành không?

- Thưa Bác đủ ạ.

- Các chú đã sẵn sàng chiến đấu chưa?

- Đã ạ.

Bác nói tiếp:

- Bác thấy chú nào cũng khỏe mạnh, vui vẻ, Bác mừng. Đơn vị các chú được thưởng cờ, doanh trại trật tự, vệ sinh như vậy là tốt. Bác chúc các chú năm mới mạnh khỏe, thắng lợi và nhờ các chú chuyển lời chúc Tết của Bác và các đồng chí Trung ương tới gia đình các chú.” (Bác của chúng ta – Nxb Quân đội nhân dân, H, 1985, tr 196).

Đại tá Đặng Tính kể tiếp: Lần khác, Bác hỏi tôi: “Trời nóng và tình hình chiến đấu như thế này bộ đội ngủ được mấy tiếng? Trực ban mấy tiếng?”. Sau khi tôi trả lời, Bác căn dặn: “Bộ đội vượt qua khó khăn, gian khổ, chiến đấu dũng cảm thế là tốt, nhưng các chú phải bàn bạc với nhau tìm cách nào vừa trực ban chiến đấu tốt, vừa bảo đảm cho bộ đội ngủ 6 tiếng”. (Bác của chúng ta – Nxb Quân đội nhân dân, H, 1985, tr210 – 211)

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện kể: Trong hội nghị mừng công của Trung đoàn Hàng không dân dụng – Không quân 919 vào năm 1960, Bác đến thăm. Sau khi nói chuyện với hội nghị tại hội trường, mọi người theo Bác ra khỏi hội trường. Nhưng Bác không đi ra phía chiếc ô tô màu trắng đang chờ sẵn ở sân bay, mà dừng lại trước sân và rẽ vào khu nhà ở của Đoàn chiến sĩ lái máy bay. Tay vẫn cặp điếu thuốc lá hút giở, Bác nhìn tôi và nói:

- Thế nào, chú Thiện, chỗ anh em ăn ở có khá không?

Tôi vui mừng báo cáo:

- Dạ thưa Bác, chúng cháu đã giành chỗ ở tốt nhất cho các chiến sĩ lái máy bay. Khu nhà ở này là nhà của phi công Pháp cũ, mọi tiện nghi đều khá tốt ạ.

Tâm tư tôi lúc đó cũng muốn mời Bác đi thăm khu doanh trại này, vì tôi nghĩ rằng với sự ưu ái của Cục Không quân, việc bố trí chỗ ở cho anh em lái như vậy sẽ được Bác vừa lòng. Mấy dãy nhà một tầng theo kiến trúc Pháp trước đây, xây đẹp nổi hẳn lên trong khu vực sân bay. Đồ đạc và tiện nghi tương đối đầy đủ và sang trọng (so với thời kỳ đó). Bác giục:

- Ta vào khu nhà ở của anh em xem thử.

Tôi dẫn Bác đi vào khu nhà ngủ. Trước mặt chúng tôi là những căn phòng sáng sủa, khang trang, cửa kính, cửa chớp trong ánh nắng ban  trưa lấp lánh, tiếng nhạc đài theo các loa phóng thanh  vang lên rộn rã. Bác vào từng buồng ngủ. Nhìn hàng chăn gối sạch sẽ, gọn gàng, giày dép, súng ống sắp xếp ngay ngắn, thống nhất, Bác gật đầu khen tốt.Nhưng đến khu công trình phụ thì những biểu hiện sinh hoạt còn bừa bãi của anh em đã làm tôi xấu hổ.

- Chú Thiện. Chú nói nhà ở đẹp nhất, tốt nhất mà như thế này à?

Mặt và hai tai tôi nóng ran. Tôi ngượng ngùng thưa với Bác:

- Dạ… về mặt này, chúng cháu còn thiếu sót….

Vào nhà ăn, thấy bữa ăn được chuẩn bị cho anh em ngon lành, sạch sẽ, Bác cũng khen. Bác chỉ vào các mâm cơm và hỏi:

- Anh em ăn thế này đã bảo đảm để đủ làm việc chưa?

Chúng tôi đều trả lời:

- Dạ, đủ ạ.

- Thế là tốt.

Bác nhìn chúng tôi tỏ ý hài long.

Được Bác khen nhưng tôi vẫn chưa hết buồn vì những thiếu sót về vệ sinh của anh em. Các đồng chí trong ban chỉ huy Trung đoàn 919 đi cùng hôm đó cũng có tâm trạng giống tôi”. (Bác của chúng ta – Nxb Quân đội nhân dân, H, 1985, tr 187 – 188)

Bay chuyên cơ và phục vụ khách chuyên cơ là một nhiệm vụ đặc biệt được Đảng và Nhà nước tin cậy giao phần lớn nhiệm vụ này cho lực lượng Hàng không dân dụng – Không quân vận tải đảm nhiệm, nhất là phục vụ Bác Hồ. Tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng Bác lại luôn luôn  đi sát các địa phương, quan tâm chỉ đạo sản xuất, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và thăm viếng đồng bào. Hàng không dân dụng phải luôn luôn đảm bảo máy bay tốt, tổ lái giỏi để phục vụ tuyệt đối an toàn cho Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội. Sau những chuyến bay chuyên cơ đưa Bác đi thăm các địa phương về đến sân bay, Bác thường ghé vào thăm chỗ ăn, ở của đơn vị. Có một lần đi Lạng Sơn về, Bác ghé vào thăm nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Không quân vận tải 919. Bác căn dặn cán bộ: yêu cầu bay của các nước rất cao, còn ta mới thành lập, lực lượng và cơ sở vật chất còn non trẻ, lãnh đạo cần quan tâm đến đời sống của anh em. Bác đi thăm nhà ăn, nơi ở, khen tốt, dù rằng còn nghèo. Riêng về nhà vệ sinh, Bác phê bình còn bẩn và lộn xộn. Buổi đến thăm của Bác tuy ngắn ngủi, nhưng tình cảm thương yêu của Bác, sự quan tâm tận tình từ những việc nhỏ nhất của Bác và những lời dạy bảo của Người đã để lại trong cán bộ, chiến sĩ Không quân vận tải – Hàng không dân dụng Việt Nam những tình cảm và suy nghĩ mới, sức mạnh mới trên chặng đường xây dựng và phát triển của mình. (Nguyễn Minh San - Hàng không dân dụng Việt Nam - Những chặng đường lịch sử - NXB Chính trị Quốc gia/ Sự thật, Hà Nội, 1995, tr 85-86).

Thăm bếp ăn của người lao động, của bộ đội, công nhân,…là để Bác biết được người lao động, bộ đội, công nhân có được ăn no hay không, thức ăn có đủ dinh dưỡng hay không, có đảm bảo vệ sinh hay không. Hành động vào thăm bếp của Bác thể hiện một tình yêu thương bao la của Bác đối với cán bộ và nhân dân ta.

Hành động vào thăm bếp của Bác còn là việc làm chống bệnh hình thức, báo cáo láo, “tốt đẹp khoe ra, xấu sa đậy lại”, “đánh bóng thành tích” của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

“Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xin hãy bắt đầu học tập Bác từ những việc làm nhỏ nhất mà Bác đã làm, đã dạy.

Vào thăm bếp đã trở thành một phong cách sống cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh!

TS. Nguyễn Minh San
Bạn đang đọc bài viết "Vào thăm bếp - Một phong cách Hồ Chí Minh!" tại chuyên mục Thời cuộc. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.