Phổ biến pháp luật gắn chặt với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu

19/09/2022 09:23

Theo dõi trên

Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn chặt với công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số phù hợp với từng vùng, miền, địa bàn trên cả nước.

dh-36466367-1663554177.jpg
Tuyên truyền bài trừ hủ tục bằng hình thức sân khấu hóa mang lại hiệu ứng tích cực - Ảnh: BHG

Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu

Trong Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nhấn mạnh, với đặc thù vừa là nhiệm vụ, vừa là thế mạnh của ngành Văn hóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ được lồng ghép với các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân.

Bộ VHTTDL đã giao Vụ Văn hóa dân tộc tổ chức được 47 lớp tập huấn về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu cho cán bộ văn hóa xã, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản và người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. 

Qua lớp các lớp tập huấn, cán bộ văn hóa xã, trưởng thôn, già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cung cấp, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản, nâng cao nhận thức về pháp luật cũng như về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. 

Từ đó, thấy được vai trò, nhận thức và ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu và chấp hành pháp luật của đồng bào. Là đội ngũ cốt cán để sau khi kết thúc tập huấn sẽ triển khai đồng bộ, sâu rộng hơn tới bà con tại địa bàn mình sinh sống.

Tại các địa phương, nhất là những địa bàn vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, nhiều Sở đã đặt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù là trọng tâm của của các hoạt động văn hóa: biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, truyên truyền trực quan... về các quy định pháp luật phù hợp với đối tượng qua dịch sang tiếng dân tộc, phát huy vai trò của người có uy tín và kết hợp với lực lượng biên phòng và cán bộ cơ sở.

Qua 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn chặt với công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số phù hợp với từng vùng, miền, địa bàn trên cả nước, cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, đồng bào các dân tộc thiểu số và góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là tinh thần tự hào và ý thức đoàn kết dân tộc.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được đổi mới bằng nhiều hình thức, bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, có thể thấy rằng hầu hết các quy định pháp luật về lĩnh vực văn hóa cơ sở đã và đang được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng xã hội; ý thức thực hiện pháp luật được nâng cao, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động văn hóa cơ sở ở địa phương.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật là trách nhiệm của toàn xã hội

Về việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ VHTTDL nhấn mạnh, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ VHTTDL quan tâm, chỉ đạo sát sao, quán triệt thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tư pháp (cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương) trong công tác chỉ đạo, điều hành, quán triệt, triển khai các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong triển khai các đề án, cuộc thi về phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan; chỉ đạo các Sở địa phương trong việc triển khai tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn. 

Ngoài ra, các cơ quan truyền thông, báo chí thuộc Bộ (Báo Điện tử Tổ quốc, Báo Văn hóa, Tạp chí Du lịch,..) và các cơ quan báo chí ngoài Bộ cũng đã tham gia tích cực trong việc tăng cường thời lượng, chất lượng chuyên mục, tin bài trên báo chí, phát huy triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bộ VHTTDL khẳng định, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và mọi công dân về vị trí, vai trò của pháp luật và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, nhân dân trong thi hành và chấp hành pháp luật.

Đối với ngành văn hóa, thể thao và du lịch, việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật thông qua các loại hình văn hóa, văn nghệ, các hoạt động văn hóa ở cơ sở giúp đưa các chính sách, quy định pháp luật vào đời sống xã hội hiệu quả, tiếp cận được người dân một cách phù hợp, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số./.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Phổ biến pháp luật gắn chặt với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu" tại chuyên mục Thời cuộc. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.