Đảm bảo mục tiêu văn hóa ngang hàng kinh tế
Bộ VHTTDL đang tích cực xây dựng "Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của ngành Văn hóa, thực hiện theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Theo đó, dự kiến tổng vốn của Chương trình cho giai đoạn 2025-2035 sẽ được sử dụng để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng; đảm bảo đầu tư phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực hoạt động văn hóa; đảm bảo mục tiêu văn hóa ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội theo quan điểm xuyên suốt trong các Nghị quyết của Đảng.
Một số mục tiêu cụ thể của Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045" như sau: Đến năm 2030, việc sử dụng nguồn kinh phí từ Chương trình sẽ hướng đến mục tiêu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế chế văn hóa, cấp huyện, cấp xã có Trung tâm văn hóa - thể thao; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa; hằng năm có khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước; tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa; các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP; đầu tư cho văn hóa hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm.
Đến năm 2035, đạt các mục tiêu cụ thể: 100% thư viện bảo đảm điều kiện hoạt động; 100% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; 100% các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật được trang bị đầy đủ, đồng bộ cơ sở vật chất; có 5 trường đại học trọng điểm và 2 Viện nghiên cứu được tập trung đầu tư trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực: Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu - Điện ảnh và Văn hóa, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Ưu tiên bảo tồn văn hóa phi vật thể
Góp ý thêm về Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, chúng tôi đã ghi nhận những ý kiến tâm huyết, thiết thực của một số lãnh đạo ngành Văn hóa ở địa phương.
Ông Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương cho biết, thời gian qua, Hải Dương cũng như các tỉnh khác đều lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc phát triển một số thiết chế văn hóa cũng như bảo tồn di sản có nhiều khó khăn. Đây là hai nội dung được Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chú trọng. Khi triển khai hai nội dung này sẽ góp phần bảo tồn, chấn hưng văn hóa ở các địa phương.
Chương trình cần quan tâm tạo điều kiện ưu tiên về chính sách xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa, phát triển, quản lý hệ thống hạ tầng thiết chế không gian văn hóa đồng bộ, có hiệu quả, nhất là ở thôn, khu dân cư, xã, phường; Triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao tại cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân; Quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa.
Ở Hải Dương có 3.199 di tích, trải qua thời gian, nhiều di tích xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ. Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, bộ, ngành, Hải Dương đã dành nhiều kinh phí, đặc biệt là nguồn xã hội hóa từ nhân dân đóng góp để xây dựng, tu bổ, tôn tạo các di tích. Tuy nhiên, cần có nguồn vốn để địa phương có điều kiện bảo tồn và phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa.
"Việc ưu tiên bảo tồn văn hóa phi vật thể là hết sức cần thiết. Hải Dương có 11 di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận. Hiện nay, địa phương tiếp tục quan tâm truyền dạy, giữ gìn các di sản này. Ngoài ra, số hóa thư viện và số hóa bảo tàng cũng cần được quan tâm, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa"- Ông Nguyễn Thành Trung nêu.
Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong giai đoạn hiện nay rất cần thiết
Còn theo TS. Phan Thanh Hải, Uỷ viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, vì đầu tư cho văn hóa của chúng ta còn quá thấp (phấn đấu đến năm 2030 mới đạt 2% GDP).
"Trong khi chúng ta xem văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển. Đầu tư không tương xứng thì không thể có kết quả tương xứng, không thể đưa văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội…", TS. Phan Thanh Hải nhận định.
TS Phan Thanh Hải cũng cho hay, hiện nay nhu cầu thực tiễn rất cần nguồn ngân sách từ Chương trình này cho trùng tu hệ thống di tích đồ sộ với hơn 10.000 di tích đã được công nhận. Trong đó, có rất nhiều di tích rất khó huy động từ nguồn lực xã hội hóa. Lấy dẫn chứng như tỉnh Thừa Thiên Huế là một địa phương hiện có kho tàng di sản văn hóa vô cùng đồ sộ, nên càng hy vọng sẽ sớm có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
"Vấn đề đặt ra là cần phải cải cách thủ tục để vận hành Chương trình này. Hiện nay quy trình thủ tục cho các dự án đầu tư công hết sức rườm rà, chưa phù hợp. Phần lớn các dự án khi xong thủ tục thì giá cả nhân công vật liệu đã thay đổi, và di tích đã xuống cấp thêm rất nhiều", TS Phan Thanh Hải góp ý.