Kim sách “Cầu không từ kí” - Báu vật vùng chiêm trũng

14/09/2021 15:01

Theo dõi trên

Thông thường, khi nói đến sách / sách vở, người ta thường nghĩ ngay / và cho rằng, nó chỉ được làm bằng giấy hoặc vải, da động vật. Nhưng, trên thực tế ở nhiều nước, có những cuốn sách được làm bằng kim loại quý, như vàng, bạc, đồng. Những cuốn sách đó được gọi là Kim Sách.

vn-6666464-1631606295.gif

Trong 3 loại Kim Sách thì, sách vàng, sách bạc là loại chỉ dành riêng cho vua chúa nên vô cùng hiếm, sách đồng là loại sách phổ biến hơn, mang tính dân gian.

Đến nay, trên đất nước ta, đã phát hiện được 12 cuốn sách đồng cổ, có niên đại hàng mấy trăm năm, trong đó có Một quyển nằm ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Cuốn sách này ra đời từ thời Vua Lê Thánh Tông (1470).Xưa kia, cuốn sách này vốn được cất giữ tại đền Cầu Không, tọa lạc ngay gian giữa của chiếc cầu gỗ 21 gian kiểu “Thượng gia hạ kiều”. Đến năm 1951, Cầu Không đổ nát, sách mới lưu lạc về nhà dân (hiện đang lưu giữ tại gia đình một người dân ở thôn Văn An, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân). 

Cuốn sách đó có tên là“Khâm ban đồng bài” hay còn gọi là “Cầu không từ kí”.Cuốn sách có 2 lá / tờ bằng chất liệu đồng đỏ, có kích thước bằng nhau dài 45cm, rộng 18,5cm, dày 5cm. Qua thời gian,2 lá / tờ đồng đã ngả màu rêu xám. Gáy sách đóng bằng bốn khuy tròn. Sách được hoàn thành vào ngày 6 tháng 3 thời Hồng Đức, năm 1472.  Trên cả 4 mặt của 2 lá / tờ đồng là những dòng chữ Hán khắc chìm, chữ đẹp và sắc nét, tổng cộng có 527 chữ. Sách nặng 6,5kg.

 Bản dịch nghĩa của cuốn “Cầu không từ kí”, như sau:

“Khâm đúc đồng đài (Bài ký đền Cầu Không).

Hoàng thượng ngự chế rằng: Từng nghe, trừ ác gây công nghiệp lớn, núi Vũ Ninh tích sáng còn kia; giúp nước góp nhiều công lao, sông Như Nguyệt dấu thiêng vẫn đó. Công thần hiển hách đầu mối rõ ràng.

Trẫm kính hưởng ơn trời, vào nối đại thống chỉ mong bên trong sửa sang nội trị, có muốn đâu hiếu chiến xâm lăng. Thế mà bọn Chiêm Thành ngu xuẩn lùa xâm lăng ngoài cõi, chúng nhòm sơ hở, dở trò cắn trộm. Đã nhiều lần thư ở biên thùy cấp báo, sao có thể trì hoãn đội quân tiến đánh.

Vào ngày 6 tháng 11 năm Canh Dần (1470) Trẫm thân xuất đại quân tiễu trừ Chiêm Thành. Đến ngày 8, thuyền rồng của Trẫm mới dừng lại ở Cửu Long Xuyên thuộc địa đầu của huyện Nam Xang. Đêm ấy Trẫm mộng  thấy một vị tướng, tay cầm cờ vàng, hai chân (thần) một chân đứng bên tả ngạn, một chân đứng bên hữu ngạn sông, xin được theo để hỗ trợ uy vũ, cho tới khi biển ô song lặng mới thôi. Nhân khi tỉnh mộng, mới biết sông này có vị dực vận linh thần. Bèn sai Lại bộ Thượng thư Nguyễn Như Đổ theo bờ sông này xem xét sự thực. Trong chốc lát trở về, tâu rằng đã qua địa đầu Cầu Không, thấy có chợ, có sông, trên sông có một chiếc cầu, giữa cầu có đền thiêng, treo thờ cờ giấy vàng. Bèn sai quân đến đó cầu đảo. Nhân đó, lấy chiếc cờ vàng này treo ở thuyền rồng, thuyền rẽ biển vào sông như đi trên đất liền.

Vào cửa Sa Kỳ, ra Tân Ấp.

Phất cờ này thì biển yên, gió lặng.

Phá đồn Thị Nại, đánh thành Đồ Bàn.

Trà Toàn bị bắt.

Xa giá vua trở về thắng lợi.

Quả là do ứng nghiệm của vị thần này, thực giúp nước công lao hạng nhất.

Một ngày tháng 8 năm Tân Mão (1471), ban phép được lấy gỗ lim  ở Hoan Châu làm cầu, đưa về dựng lên cầu, trên cầu trùng tu đền. Vàng ngọc huy hoàng cho lâu dài được hưởng thờ tự. Điển lệ rõ ràng. Bao phong thần là Thượng đẳng linh thần. Tế xuân hàng năm, chuẩn ban nghi thức, công lao tỏ rõ làm khuôn mẫu, đặc ban việc tế thờ thần, tạo lệ thờ cúng. Các điều đầy đủ sẽ ghi ở phía dưới truyền lâu dài ức vạn năm không mất.

Bèn nêu sự tích khắc vào đồng để ghi nhớ mãi trên đời vậy.

Một điều: Tế Xuân hàng năm, chuẩn ban quan tiền 20 quan giao phủ, nha lĩnh phát. Dân tạo lệ biện lễ. Ngày tế, quan phủ, huyện khâm phụng làm lễ.

Một điều: Chuẩn cho thôn Quan Đoài xã Vân Xá, thôn Cửu Ngòi xã Tế Xuyên, thôn Kiều Không xã An Triều của huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân hợp vào đình Cầu Không, ba thôn cùng tế thờ. Cho 30 xuất tạo lệ Sái phu.

Một điều: Chuẩn cho ba thôn trên cùng được tiền hương của thương khách bày hàng trên các tòa chợ Cầu Không để dùng vào tế thờ.

Ngày 6 tháng 3 năm Hồng Đức 3 (1472)” (Theo Hà Nam di tích và danh thắng – Sở VHTT Hà Nam xuất bản năm 2004, tr 109 – 110).

Qua nội dung trên cho thấy, “Cầu không từ kí”, đúng nghĩa là Kim sách, không chỉ mởi sáng tạo độc đáo lấy kim loại quý làm “giấy” để viết sách, mà còn ở nội dung của sách chứa một nguồn sử liệu vô cùng quí giá, cung cấp thêm tư liệu về sự kiện của Lê Thánh Tông đích thân cầm quân đi chinh phạt Chiêm Thành, mở mang bờ cõi về phía Nam. Cũng như những lần trừng phạt Chăm Pa từ thời Tiền Lê (do Hoàng đế Lê Hoàn trực tiếp chỉ huy), sau đó là thời Lý (nhiều lần đích thân do vua Lý và tướng Lý Thường Kiệt chỉ huy) đều đi bằng đường biển, vua Lê Thánh Tông cũng chỉ huy đại quân đi bằng đường biển vào đánh Chiêm Thành. Điều đó cho thấy, người Việt có truyền thống thủy chiến, hải quân mạnh (thiết nghĩ, đó là một lời cảnh báo với những thế lực đang âm mưu độc chiếm biển Đông hiện nay, hãy coi chừng Hải quân Việt Nam). Trong sách này cũng cho ta biết, cũng như các lần xuất chinh đánh Chiêm khác, vua Lê Thánh Tông cũng được thần nhân ủng hộ, phù trợ chiến thắng. Điều đó cũng nói lên một điều rằng, người Việt luôn luôn biết tận dụng / tập trung mọi nguồn lực, mọi sức mạnh của đất nước, kết hợp Vương quyền với Thần quyền, Âm phù cộng với Dương trợ để đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Cuốn sách cũng cung cấp nhiều chi tiết về một cây cầu bắc qua sông Long Xuyên, gọi là Cầu Không, làm bằng gỗ, kiểu “Thượng gia hạ kiều” độc đáo. Trên cầu có đền thờ thần rất linh thiêng, đã từng tồn tại vào thế kỷ XV. Qua mô tả trên, ta có thể liên hệ đến Chùa Cầu (Nhật Bản) ở Hội An – xây chùa trên cầu. Rất tiếc là, trong kháng chiến chống Pháp, Cầu Không đã bị đại bác giặc bắn sập một nửa. Đến năm 1950, giặc Pháp đóng bốt ở Phú Khê đã dỡ phần cầu còn lại để xây bốt, từ đó cầu chỉ được bắc tạm bợ. Sau năm 1954, Cầu Không được xây dựng lại bằng bê tông cốt thép, nhưng chỉ có “hạ kiều” mà không có “thượng gia”.

Hiện, tên địa danh Cầu Không vẫn còn. Cầu Không cách không xa lắm cổng Trường Phổ thông Trung học Bắc Lý – Đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động và Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới.

Nằm trên tuyến đường từ thị trấn Vĩnh Trụ (huyện lỵ huyện Lý Nhân)  vào Đền Trần Thương (Di tích lịch sử Quốc gia, hàng năm tổ chức Lễ phát lương độc đáo), Trường PTTH Bắc Lý – Đơn vị hai lần được tặng Danh hiệu Anh hùng LĐền Bà Vũ/ Đền Vũ Điện thờ Nữ thần giải oan Vũ Thị Thiết rất thiêng, thu hút khách thập phương về lễ bái rất đông, nếu huyện Lý Nhân phục hồi được cây Cầu Không giống như mô tả trong cuốn sách đồng kia, sau đó trưng bày Kim sách “Cầu không từ kí” - báu vật vùng chiêm trũng trên cây cầu ấy thì hay biết bao.

Chắc chắn, Tuyến Du lịch Văn hóa – Tâm linh ấy sẽ rất hấp dẫn du khách./.

TS. Nguyễn Minh San
Bạn đang đọc bài viết "Kim sách “Cầu không từ kí” - Báu vật vùng chiêm trũng" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.