Gia Lai: Phát hiện dấu tích người tiền sử cách đây 80 vạn năm

07/09/2021 10:36

Theo dõi trên

Gần đây, những phát hiện về khảo cổ tại Thị xã An Khê đã gắn tên tuổi vùng đất này lên bản đồ khảo cổ thế giới về sự tiến hóa của loài người.

Những phát hiện ấy cũng đã biến An Khê nói riêng, Gia Lai nói chung thành nguồn tài nguyên du lịch. Hiện các cấp chính quyền tỉnh và thị xã An Khê đang triển khai nhiều biện pháp phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn các di tích khảo cổ.

anh-an-khe-1630984318.jpg

Những công cụ bằng đá thời kỳ đồ đá sơ kỳ. Ảnh: Viện khảo cổ học

PGS.TS Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam cho biết: kết quả khảo cổ ở thị xã An Khê (Gia Lai) đã gây "chấn động" trong giới khảo cổ Việt Nam. Theo đó, năm 2014, Viện khảo cổ học tổ chức một chương trình nghiên cứu về thời đại đá ở khu vực thượng du sông Ba, tỉnh Gia Lai. Kết quả phát hiện được 30 di tích có niên đại từ đồ đá cũ đến đá mới. Đặc biệt, trong số này có 1 nhóm di tích được xác định ở thời đồ đá cũ sơ kỳ.

Các di vật liên tục được tìm thấy đã dần thể hiện rõ về sự tồn tại của cộng đồng người giai đoạn tối cổ của nhân loại trên đất nước Việt Nam, cách đây khoảng gần 1 triệu năm, nơi dòng sông Ba cắt ngang qua thung lũng An Khê. Theo PGS-TS. Nguyễn Giang Hải (Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam), phát hiện khảo cổ tại An Khê không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi một quốc gia, mà đó còn là niềm tự hào của cả Đông Nam Á. Phát hiện chấn động này là tiền đề để chứng minh gần 1 triệu năm về trước, loài người đã có mặt ở vùng Đông Nam Á, trên lãnh thổ Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để bác bỏ một số quan niệm của học giả phương Tây trước đây cho rằng phương Tây mới có rìu tay, còn phương Đông chỉ có rìu đá thô.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê, từ năm 2014 đến nay, các đoàn chuyên gia khảo cổ của 2 nước Việt-Nga đã phát hiện trên 20 di chỉ sơ kỳ Đá cũ trong vùng đồi gò thung lũng An Khê; đặc biệt tại khu vực Gò Đá, phường An Bình và Rộc Tưng, xã Xuân An đã khai quật tổ hợp công cụ đá với hàng nghìn hiện vật của người tiền sử, như công cụ chặt, mũi nhọn tam diện, gè đẽo 1 mặt, 2 mặt, rìu tay bằng đá. Trong các tầng văn hóa của di chỉ, các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều mảnh thiên thạch nằm lẫn trong các công cụ đồ đá này, bước đầu đã xác định niên đại khoảng 80 vạn năm cách ngày nay. Đây là nguồn sử liệu xác nhận mốc khởi đầu của lịch sử Việt Nam. Những phát hiện phức hợp công cụ ghè hai mặt và rìu tay ở An Khê đã bổ sung thung lũng An Khê, Việt Nam vào bản đồ xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới.

anh-an-khe-1630984435.jpg

Nhiều hiện vật quý thu được trong quá trình khảo cổ tại An Khê

Những tư liệu khai quật trong năm 2018 bước đầu xác nhận thung lũng An Khê tồn tại loại hình di tích cư trú ở Rộc Tưng 1; gia công và chế tác công cụ ở Rộc Tưng 4, Rộc Tưng 7. “Có thể ở Rộc Tưng 1, người nguyên thủy đã biết cải tạo ít nhiều mặt bằng nơi dựng lều trại, sử dụng đá tự nhiên tôn nền, chống lầy lội mùa mưa. Theo kế hoạch, đến tháng 3-2019, các đoàn khảo cổ Việt-Nga sẽ quay lại An Khê để tiếp tục khai quật các di tích.

Việc phát hiện các di tích ở thị xã An Khê có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn về lịch sử, văn hóa của nhân loại, không chỉ đối với riêng thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai mà còn với cả nước và trên thế giới, được đánh giá là một trong 10 sự kiện khoa học nổi bật năm 2016. Ngày 15/01/2018, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 15/QĐ-UBND xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với “Di tích thời đại Đá cũ Rộc Tưng, Gò Đá tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai”. Viện Khảo cổ học Việt Nam kiến nghị Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đặc cách công nhận nhóm di tích sơ kỳ Đá cũ ở An Khê là di tích quốc gia đặc biệt.

anh-an-khe-2-1630984558.jpg

Hố khai quật Rộc Tưng 4. (xã Xuân An, thị xã An Khê) được các nhà khoa học khai quật phát lộ hàng trăm di vật

"Niên đại của các di tích ở An Khê đã dần khẳng định những chứng cứ về địa tầng, loại hình di vật và kết quả phân tích đã cho chúng ta xác định được cơ tầng văn hóa thời đồ đá khu vực này".  Và có ý nghĩa rất quan trọng, đã cung cấp, bổ sung nguồn tư liệu quý báu vào kho tàng lịch sử, văn hóa của thị xã An Khê nói riêng, khu vực phía Đông tỉnh nói chung. Đây là một trong những cứ liệu quan trọng để Gia Lai hướng tới mục tiêu được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Những phát hiện, nghiên cứu khảo cổ học ở An Khê bước đầu mở ra triển vọng lớn cho các chương trình hợp tác quốc tế tiếp theo, nghiên cứu lâu dài của nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau; làm cơ sở xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói chung và khu vực đông Gia Lai nói riêng./.

Gia Hân
Bạn đang đọc bài viết "Gia Lai: Phát hiện dấu tích người tiền sử cách đây 80 vạn năm" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.