Kiên Giang: Tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế

16/10/2021 08:50

Theo dõi trên

Duy trì và thực hiện “mục tiêu kép” từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để tạo nguồn thu, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân tiến tới thích nghi với điều kiện và trạng thái bình thường mới, tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

1-kien-giang-thao-go-kho-khan-1634225000-1634348968.jpg
Nuôi cá lồng bè tại An Thới - TP. Phú Quốc. (Ảnh: Trương Anh Sáng)

Tỉnh uỷ Kiên Giang đánh giá, trong phát triển kinh tế, một số chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch và giảm so cùng kỳ. Hoạt động thu mua nông sản diễn ra chậm do không có thương lái, giá nông sản giảm, trong khi đó giá vật tư nông nghiệp tăng từ 20-50% làm cho nông dân sản xuất không có lãi, đời sống khó khăn.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 4,94%; khách du lịch giảm 45,62%. Hầu hết các hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ tạm dừng hoạt động.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm 39,39% so với cùng kỳ. Đầu tư xây dựng cơ bản tính đến ngày 24-9-2021 mới giải ngân đạt 28,47% kế hoạch và một số dự án đã cho chủ trương nhưng chậm triển khai.

Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 7% so cùng kỳ; 138 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. Giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Thu ngân sách giảm 18,67%. Ngân sách gặp khó khăn, dự kiến đến cuối năm hụt thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng, do đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sâu.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của năm 2021, Tỉnh uỷ Kiên Giang yêu cầu các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai có hiệu quả Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định các ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động tương ứng từng cấp độ giãn cách xã hội và phân vùng nguy cơ, thực hiện tốt các biện pháp duy trì các hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đồng thời tập trung rà soát các chỉ tiêu đạt thấp so kế hoạch, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế và đề ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển nhanh hơn, phấn đấu đạt ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết năm 2021 đề ra.

Cùng với đó triển khai thực hiện “Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh” nhằm nâng cao hiệu quả khai thác biển, nuôi biển; tạo điều kiện và đẩy mạnh các dự án nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn các doanh nghiệp và người dân áp dụng các biện pháp bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản. Tăng cường chống khai thác hải sản bất hợp pháp, trong đó tập trung triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài đi đôi với tăng cường quản lý, tuần tra, kiểm soát ngư trường.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phát triển các Tổ hợp tác, Hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện tốt việc liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức kinh tế hợp tác, doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, tăng thu nhập cho nông dân; hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phấn đấu đến cuối năm huyện Vĩnh Thuận, Kiên Lương đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Hà Tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng và sớm hoàn thành các dự án đã triển khai trong các khu, cụm công nghiệp; tiếp tục thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa nông-thủy sản. Thực hiện thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc gắn với đẩy mạnh công tác quảng bá, thu hút khách du lịch. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh; chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tập trung triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, phấn đấu đạt ở mức cao nhất vốn đầu tư công theo kế hoạch đề ra; đẩy nhanh tiến độ xây dựng giao thông nông thôn, phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch.

Thực hiện tốt công tác thu ngân sách, khai thác hiệu quả các nguồn thu, thực hiện tốt chính sách giảm, giãn, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất.Tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng ngân sách, mua sắm tài sản công.

Chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2022 và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại, bán buôn bán lẻ được khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Mở rộng kết nối, liên kết vùng xanh - vùng xanh trong tỉnh, với các tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đảm bảo an toàn tạo tiền đề nối lại các hoạt động mua bán, chuỗi cung ứng sản phẩm, phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa từ bằng đến cao hơn so với cùng kỳ.

Bảo đảm hệ thống giao thông vận tải thông suốt trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khấu nông sản, không để ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản.

Tỉnh uỷ cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa nông, thủy sản; triển khai nhanh chóng và có hiệu quả các chính sách về tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đồng thời đơn giản hóa thủ tục vay vốn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng kịp thời để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Trong một diễn biến liên quan, chiều ngày 13/10/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo trực tuyến về định hướng chiến lược phát triển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội thảo, đơn vị tư vấn đã đưa ra 3 tầm nhìn làm cơ sở đề xuất Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh xem xét, lựa chọn. 

Tầm nhìn thứ nhất, đến năm 2050 Kiên Giang trở thành nơi cung cấp chất lượng sống hàng đầu khu vực Tây Nam Bộ, là địa phương tiên phong cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao cho khu vực Tây Nam Bộ; điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ và là trung tâm du lịch biển, dịch vụ hàng đầu, kết nối vùng biển Đông Nam Á. 

Tầm nhìn thứ hai, đến năm 2050 Kiên Giang trở thành trung tâm thương mại dịch vụ biển hàng đầu ở khu vực Tây Nam Bộ, là điểm đến hấp cho doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực dịch vụ và hậu cần hàng hóa, trong đó có Phú Quốc cực tăng trưởng chính của tỉnh, kết nối vùng biển Đông Nam Á. 

Tầm nhìn thứ ba, đến năm 2050 Kiên Giang trở thành nơi cung cấp chất lượng sống hàng đầu khu vực Tây Nam Bộ, là địa phương tiên phong cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao cho khu vực Tây Nam Bộ; điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ, là trung tâm du lịch biển và dịch vụ hàng đầu. Riêng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, thương mại và hậu cần hàng hóa quốc tế, kết nối vùng biển Đông Nam Á./.

Anh Sáng
Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế" tại chuyên mục Địa phương. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.