Khởi đăng thiên phóng sự đặc biệt: "Chị Năm Nghĩa và hành trình 13 năm lầm lụi đi tìm hơn 5.000 hài cốt liệt sỹ"

28/07/2015 11:20

Theo dõi trên

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng những di chứng của chiến tranh, những nỗi đau thời hậu chiến vẫn còn đó, dằng dai, âm ỉ cho đến tận bây giờ. Ngày ngày, vẫn còn hàng trăm, hàng ngàn những bà mẹ, người vợ đỏ măt mỏi món ngóng tìm hài cốt của chồng, con mình nơi chiến trận.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ lao động thương binh và xã hội, hiện còn khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy (con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều). Từ nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng thực hiện chính sách "đền ơn đáp nghĩa", trong đó, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được đặc biệt chú trọng. Hàng ngàn hài cốt liệt sĩ đã được các đơn vị bộ đội quy tập hài cốt tìm thấy hàng năm đã xoa dịu phần nào nỗi đau của những người còn sống, đáp ứng phần nào nỗi niềm, khát khao của những người mẹ, người vợ suốt mấy chục năm ròng thao thiết đi tìm hài cốt của chồng, con. Điều đặc biệt là trong hành trình dằng dặc tìm kiếm ấy, có sự đóng góp không nhỏ của các nhà ngoại cảm Việt Nam, những người có khả năng đặc biệt. Chi Năm Nghĩa (Nhà ngoại cảm Vũ Thị Minh Nghĩa) là một trong những nhà ngoại cảm đặc biệt ấy.
 
Em sinh ra sau chiến tranh nên chưa một lần biết đến mùi chết chóc của bom đạn tàn khốc. Sau này, qua sách báo, phim ảnh, đặc biệt là qua những chuyến đi ngược ngàn cùng các nhà ngoại cảm Việt Nam và các đơn vị bộ đội quy tập hài cốt liệt sĩ, em đã thấm thía tận cùng sự tàn khốc của cuộc chiến, cái giá phải trả cho hòa bình độc lập và cả những nỗi đau tột cùng dằng dai suốt mấy chục năm trời của những người mẹ, người vợ có chồng, con là liệt sĩ mà thân xác vẫn còn vùi sâu đâu đó trong lòng suối lạnh, dưới cỏ lau ngút ngàn. Đó là lý do giải thích tại sao suốt mười mấy năm qua, một người trẻ tuổi như em cứ lầm lụi khoác ba lô ngược rừng cùng các nhà ngoại cảm đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Đó cũng là lý do giải thích tại sao cứ vào ngày 27 tháng 7, mặc dầu gia đình em không có ai là liệt sĩ nhưng từ sâu thẳm, trong em cứ thấy xúc động, ngậm ngùi, hờn tủi khi nghĩ đến mấy trăm ngàn hài cốt liệt sĩ vẫn còn nằm lẩn khuất đâu đó, nghĩ đến những người mẹ già chết không thể nhắm được mắt khi chưa tìm thấy hài cốt của chồng con mình. Chao ôi cái sự tàn khốc của chiến tranh! Những nỗi đau thời hậu chiến còn dằng dai đến bao giờ?
 
Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày kỷ niệm thương binh liệt sĩ 27 tháng 7. Em quyết đinh khởi đăng thiên phóng sự đặc biệt: "Chị Năm Nghĩa và hành trình 13 năm lầm lụi tìm 5.000 hài cốt liệt sĩ". Đó cũng như một nén tâm nhang thành kính dâng lên những người cộng sản chân chính đã hy sinh giọt máu cuối cùng cho hòa bình, độc lập. Cúi đầu cầu xin Mẹ tâm linh vĩ đại, hồn thiêng sông núi hãy hóa giải mọi hờn oán, hận oán, nghiệp oán để hàng triệu triệu vong linh được thảnh thơi thong dong làm bạn với gió núi, mây ngàn, để cuộc đời này bớt đi những nỗi khổ, niềm đau!
 

 


Chị Năm Nghĩa - Ảnh: Hoàng Anh Sướng

Chị Năm và hành trình 13 năm làm lầm lụi tìm hơn 5.000 hài cốt liệt sỹ

“Da đen sạm. Tóc pha sương. Khuôn mặt gầy guộc, khắc khổ in hằn bao nắng mưa, cực nhọc của gần trọn một đời ăn rừng, ngủ núi. Đôi mắt u hoài luôn ầng ậng nước và vỡ oà đắng chát mỗi khi nhắc đến liệt sĩ, nhắc đến những hầm mộ tập thể, nhắc đến những địa danh một thời khói lửa… Chị là của đời sống dương thế đang hiện hữu nhưng cũng là một cõi nhập nhoà ẩn hiện tâm linh giao cảm mà mắt thường không nhìn thấy được. Chị là một báu vật mà hồn thiêng của trời đất, của sông núi, của liệt tổ liệt tông trao tặng cho cõi nhân gian còn nhiều lắm nỗi thương đau thời hậu chiến, nỗi đau của hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ còn vùi xác thân đâu đó nơi rừng sâu, núi thẳm, nỗi đau của hàng ngàn người mẹ, người vợ, người con đau đáu, khắc khoải, để rồi bằng mọi cách đi tìm hài cốt của chồng, con mình…”.

Kỳ 1: Bước ngoặt cuộc đời sau cái chết lâm sàng 28 tiếng


Tên đầy đủ của chị là Vũ Thị Minh Nghĩa, quê tít tận xã Thái Sơn, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Nhưng người đời, vì cảm kích trước tấm tình tha thiết của chị dành cho các liệt sĩ mà trìu mến gọi chị bằng cái tên rặt “mùi” Nam Bộ: chị Năm Nghĩa. Cũng có người tếu táo, gọi chị một cách suồng sã: bà Năm khùng. “Thì gia đình đang êm ấm, bả đùng đùng bỏ nhà bỏ cửa, bỏ chồng bỏ con, vượt thác trèo non vào tít tận rừng sâu, nhịn đói nhịn khát để đi tìm hài cốt liệt sĩ. Biết bao hiểm nguy rình rập: thú dữ, bệnh tật, bom đạn còn sót lại phát nổ bất cứ lúc nào và cả miệng lưỡi thị phi của n¬ười đời. Kệ! Bả cứ đi. Mà có ai nhờ bả đâu. Tự bả đi tìm chớ. Đến lúc tìm thấy hài cốt rồi lại tự bỏ tiền túi, bắt xe giao tận tay đến từng nhà. Người ta cảm kích biếu chút tiền gọi là thì bả nguây nguẩy nhất quyết không lấy. Bả bảo: Lấy tiền ấy là nợ xương nợ máu các liệt sĩ. Các bác bảo thế có khùng, có điên không?”. Nghe mọi người tố vậy, chị Năm chỉ cười trừ, phô hàm răng trắng, đều tăm tắp. Nhưng cũng ngay sau đó, chị lại giơ bàn tay trai sần, đen sạm vì lam lũ, vì đào bới, cuốc xới đất quá nhiều lên lau hai dòng nước mắt chan chan. Chị nghèn nghẹn bảo: “Thấm tháp gì em. Chị có đi tìm suốt cả cuộc đời cũng chẳng thấm gì so với những hy sinh, mất mát của các anh hùng liệt sĩ”.
 
Chị Năm Nghĩa là vậy. Thoắt cười, thoắt khóc. Vui đấy rồi lại buồn ngay đấy. Hồi còn sống, mẹ chị bảo: “Con gái mà cứ ai hoài xúc động thế thì đời đa đoan lắm”. Chị giật mình. Cổ nhân đã thốt lên tự ngàn đời một cách đầy chua xót: “Trai Đinh, Nhâm, Quý, Giáp thì tài. Gái Đinh, Nhâm, Quý, Giáp phải hai lần đò”. Hình như¬ cái tuổi Quý Tỵ (sinh năm 1953) của chị nó phải thế. Song với riêng chị, cái sự cách trở đò giang, phong ba bão tố không chỉ vỗ oàm oạp vào chuyến đò tình ái mà nó còn vận vào cả chuyến đò đời của chị, chuyến đò trở đầy đau thương và nước mắt.
 
Mồ côi cha từ nhỏ, 7 tuổi đầu, cô bé Vũ Thị Minh Nghĩa đã bị cái đói, cái nghèo ghì sát đất. Cái cảm giác đói đến vàng mắt, run người ngày ấy vẫn ám ảnh chị cho đến tận bây giờ. Lên 9 tuổi, người choắt như con cá mắm, bé Nghĩa đã phải oằn lưng gánh vác công việc đồng áng, đỡ đôi vai gầy guộc của mẹ oằn lên nuôi 6 miệng ăn. Năm 1970, Nghĩa vừa tròn 17 tuổi. Chiến trường Miền Nam nổ ra ác liệt, Nghĩa cùng bao chàng trai cô gái quê lúa Thái Bình khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Bụi trường chinh nhòa trong khói lửa, Nghĩa làm y tá cho Đoàn 251, quân khu 3 rồi vào Nam chiến đấu ở chiến trường Đức Huệ, Long An, ven sông Vàm Cỏ Đông. Đến năm 1978, chị chuyển ngành về công tác tại trường Đại học y Thái Bình. Năm 1980, chị bước lên xe hoa. Chồng chị cũng từng là bộ đội lái xe Trường Sơn, sau chuyển ngành về Công ty vận tải hàng hoá Thái Bình.
 
Chuyện xảy ra vào một đêm cuối đông năm 1995, trời rét cóng. Mới chập tối mà sương mù đã giăng mờ mịt cánh đồng trư¬ớc nhà. Ngâm xong mấy vại đậu chuẩn bị cho mẻ đậu phụ sáng sớm mai mà những ngón tay chị buốt cóng như¬ ai tiện từng đốt. Bỗng dư¬ng chị thấy nhức đầu, chóng mặt. Mắt nhìn hoa cà hoa cải. Càng ngày, cơn đau đầu càng dữ dội nh¬ư có một bàn tay lực điền choàng sợi dây thép lên não bộ rồi nghiến răng xiết chặt. Bỏ cả bữa cơm tối, chị leo lên chiếc giư¬ờng che chùm chăn rên hừ hừ. Ngoài trời, gió mùa đông bắc rít qua khe cửa liếp từng chặp.
 
Sáng sớm hôm sau, không thấy mẹ dậy làm đậu như mọi ngày, thằng Cương con chị đứng ngoài cửa buồng cất tiếng gọi: “Mẹ ơi! Sáng bửng rồi. Mẹ không dậy à?”. Không một tiếng động. Chỉ thấy tiếng gà nheo nhóc gáy khi gần, khi xa. Lần này, Cương gọi to hơn, giọng nghe chiều bừng bực. Vẫn chỉ có tiếng gà nheo nhóc gáy. Cương hậm hực chạy thẳng vào giường mẹ lay gọi. Nó bỗng đứng sựng người rồi kêu thất thanh: “Bố ơi! Mẹ con bị làm sao thế này?”. Cả nhà tá hoả đưa chị lên bệnh viện tỉnh cấp cứu. Bác sĩ ca trực đo nhịp tim, vạch mắt chị xem đồng tử rồi thở dài, lắc đầu bảo: “Cô ấy chết rồi”.
 
Những nghi thức tâm linh cần thiết được gia đình, họ hàng, làng xóm thực hiện mau chóng. Có điều, ngày ấy, quan tài người ta không đóng sẵn, bày bán nhan nhản như bây giờ nên gia đình đi lùng mua gỗ suốt cả buổi chiều khắp xã, khắp huyện mà vẫn không mua được. Nhìn cảnh người đàn bà chết trẻ nằm hơn một ngày giời trên giường trong tiếng kêu khóc thảm thiết của đám con thơ dại thật buốt lòng. Người mẹ già ngồi ngay đầu giường, cạnh bát hương quả trứng khói hương nghi ngút, vừa khóc lóc, vừa kể lể ai oán: “Sao số con tôi khổ thế con ơi. Lúc sống đã tận khổ. Chết cũng chẳng có lấy mảnh gỗ mà chôn”. Bỗng dưng, tiếng khóc ngưng bặt. Mẹ già ngã ngửa người, miệng há hốc, mắt thất thần, ú ớ. Lũ trẻ thì dạt vào nhau, mặt bệch bạc như mất máu, người run bần bật. Một cảnh tượng hãi hùng chưa từng thấy đang đập vào mắt mọi người. Trong làn khói hương vấn vít, mờ ảo, chiếc giấy phủ mặt tử thi bỗng dưng lay động, lay động như có bàn tay vô hình ve vuốt rồi từ từ nhấc khỏi mặt chị Năm, rơi xuống đất. Hai bàn tay chị đang đặt ngay ngắn trước bụng bỗng cọ quậy, cọ quậy rồi rơi bịch xuống chiếu. Thân chị bỗng rùng rùng như sắp dở mình. Bà mẹ già khóc thét lên: “Ôí giời ôi! Có ai để mèo nhảy qua xác con tôi để con tôi trở thành ma xó thế này?”. Nói đoạn, bà lồm cồm ngồi dậy, chạy ra bàn thờ gia tiên, lạy như tế sao. Nhưng tiếng kêu ú ớ của chị khiến cả nhà chấn tĩnh lại. Kiểm tra, mới biết chị đã sống lại.
 
Sau cuộc hoàn sinh kỳ lạ ấy, chị như con cua bấy, sức tàn lực kiệt, nằm bệt trên giường suốt ngày. Mỗi bữa, chỉ húp được vài thìa cháo loãng. Đúng ba tháng mười ngày chị mới nhóc nhách ngồi dậy, lần thành giường tập đi. Cho đến một buổi chiều. Một nhà sư già bộ hành ghé qua nhà chị xin hớp nước. Nhìn tướng mạo chị một lúc lâu, nhà sư bảo: “Con căn cao số nặng, nên năng lên chùa khấn Phật. Con đã đi chùa Hương bao giờ chưa?”. Chị Năm trả lời: “Con chưa. Bữa trước, trong cơn bạo bệnh, con thấy hồn con phiêu diêu trên một cây cầu chòng chành bắc qua sông. Con cứ bay, bay mãi mà không hết cây cầu. Chợt con nghe thấy tiếng trẻ con khóc gọi mẹ. Quay đầu lại, thấy những đứa con thơ của con đang đứng bên bờ sông gào khóc. Chưa hết bàng hoàng lại thấy tiếng trống giong cờ mở. Nhìn sang bờ bên kia, thấy một đám đông đang giơ tay vẫy gọi. Nhìn kỹ, hoá ra là ông bà nội con, bố con và rất đông cô gì, chú, bác… Con sướng quá, định nhoài người bay nhanh sang bờ bên đó. Bỗng một cụ già râu tóc trắng như mây từ đâu xuất hiện, đến bên con, nắm tay con bay vút lên không trung. Con bay, bay mãi. Bay qua điệp trùng đồi núi, bay qua những cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm, bay đến một ngôi chùa cổ trên đỉnh núi bồng bềnh mây. Sau khi dắt còn vào chùa thắp hương lễ Phật, cụ già đẹp như một tiên ông hồn hậu bảo: “Con chưa chết được đâu. Về đi. Mẹ con, các con của con đang chờ. Về mà nhận sứ mệnh cao cả, thiêng liêng”. Nói đoạn, tiên ông dắt tay con bay trên những đám mây ngũ sắc. Bay mãi, bay mãi. Đến một căn nhà gianh, vách đất, tiên ông bảo: “Nhà con đó. Về đi”. Con chưa kịp nói lời cảm ơn thì tiên ông đã biến mất. Giật mình khi nghe thấy tiếng kêu hốt hoảng của mẹ già và đám con thơ. Mở mắt ra, con mới biết là mình đang nằm ở nhà, trên đầu là bát cơm, quả trứng nghi ngút khói hương. Hai ngón tay cái bị trói chặt”. Nghe xong chuyện, nhà sư già bảo: “Vậy con có muốn đi chùa Hương không? Nếu đi, hai ngày nữa ta sẽ quay lại đây đón con”.
 
Đúng hẹn, hai ngày sau, chị khăn gói quả mướp, cơm nắm cơm đùm theo chân nhà sư lên chùa Hương. Điều kỳ lạ là vừa đến chân núi phảng phất hương trầm và văng vẳng tiếng kinh, mắt chị sáng lên. Chị phăm phăm leo dốc. Chị bước như bay trên mười đầu ngón chân. Ai nhìn thấy cũng há hốc mồm kinh ngạc như chị chưa hề trải qua trận ốm thập tử nhất sinh, như chuyện chị đang lần giư¬ờng tập đi cách đó vài hôm chỉ là một giấc chiêm bao. Có điều, sau chuyến viếng thăm chùa Hương như là “duyên tiền định” ấy, trong chị có những chuyển biến vô cùng vi diệu để rồi một ngày, chị hoảng hốt nhận ra rằng: mình không còn là người bình thường nữa.
 
Kỳ 2: Rừng ơi ta đã về đây!
 
Hoàng Anh Sướng

Bạn đang đọc bài viết "Khởi đăng thiên phóng sự đặc biệt: "Chị Năm Nghĩa và hành trình 13 năm lầm lụi đi tìm hơn 5.000 hài cốt liệt sỹ"" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.