Khám phá về Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và Đền Quả Sơn

15/04/2022 10:11

Theo dõi trên

Lý Nhật Quang - một con người từ cõi sống đã đi vào cõi bất tử ngàn đời được nhân dân suy tôn, ngưỡng vọng. Một con người mà tài liệu chính sử xem như một nhân vật “kéo màn” trên “sân khấu lịch sử”, nhưng lại trở thành sinh động trong pho sử văn hóa, văn học và các truyền thuyết dân gian địa phương (Nghệ An).

20220414-221156-1649950394.jpg
Đền Quả Sơn (xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Diệu

Nếu như khi còn sống, tên tuổi, công lao và những đóng góp của Lý Nhật Quang được gắn với toàn châu Nghệ An và một số địa phương khác, đặc biệt là phủ lỵ Bạch Đường, được nhân dân biết đến và hết lòng ái mộ, thì khi ông mất, đền Quả Sơn lại là nơi để nhân dân thể hiện lòng thành kính, ngưỡng vọng và tri ân về công đức của ông.

Uy Minh Vương Lý Nhật Quang

Lý Nhật Quang, con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ - là nhân vật lịch sử đã có nhiều đóng góp lớn lao cho vùng đất Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. Một nhân vật lịch sử có nhiều công trạng như Lý Nhật Quang, đáng tiếc rằng chính sử lại ghi chép quá sơ lược so với dã sử, nguồn tài liệu văn hóa, văn học và các truyền thuyết dân gian. Điều này làm cho không ít người luôn băn khoăn và quan tâm về ông. Trong bài viết này, chúng tôi bàn đến vai trò, sự nghiệp, công lao của Lý Nhật Quang đã đóng góp cho đất nước lúc sinh thời, cũng như vị thế, tầm ảnh hưởng của Ngài với tư cách là một vị linh thần đền Quả Sơn trong tâm thức nhân dân Nghệ An và cả nước ngót gần một nghìn năm qua.

20220414-221455-1649950486.jpg
Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được thờ tại đền. Ảnh: Nguyễn Diệu

Là một người với tư chất mẫn tiệp, văn võ song toàn, thông minh và đức độ, lại xuất thân từ dõng dõi hoàng tộc - dòng dõi triều Lý, nên Lý Nhật Quang có đủ các điều kiện từ thiên bẩm đến môi trường giáo dục để trở thành một con người đảm đương sứ mệnh “cứu nước cứu dân”.

năm 1039 đến năm 1055, tên tuổi của Lý Nhật Quang đã đi vào lịch sử, tâm thức nhân dân châu Nghệ An, châu Bố Chính (Quảng Bình ngày nay), vùng Bình Định của nước Chiêm Thành… về hình ảnh một vị anh hùng, một vị dũng tướng đầy oanh liệt trên chiến trận và một vị Tri châu luôn quan tâm đến đời sống, cái ăn cái mặc của nhân dân. Sau khi mất (1055), tên tuổi của ông lại càng đi vào lịch sử, huyền sử đầy sắc màu thần thánh của những vùng đất này: là một vị thần, một vị thành hoàng, một đại phúc thần của cả châu. Ngôi đền Quả Sơn thuộc xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là nơi đặt ngai vị và di tượng thờ Ngài. Cuộc đời, sự nghiệp của Lý Nhật Quang trở thành một nhân vật bất tử “Sinh vi tướng, tử vi thần” hay “Sinh thời đỡ lệch cứu suy/Quy tiên hiển thánh giải nguy hộ đời”.

20220414-221210-1649950604.jpg
Đền Quả Sơn là nơi để nhân dân thể hiện lòng thành kính, ngưỡng vọng và tri ân về công đức của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Ảnh: Nguyễn Diệu

Năm 1039, sau khi được vua Lý Thái Tông (Lý Đức Chính - Phật Mã) cắt cử vào Nghệ An để giữ chức thu thuế, Lý Nhật Quang đã phát huy cao độ trách nhiệm của mình tại vùng đất này. Chính vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó, cộng với việc ông tiếp tế quân lương đầy đủ cho nhà vua trong lần chinh phạt Chiêm Thành, nên khi chiến thắng trở về, được vua Lý Thái Tông tin cẩn, ban cho tước “vương” và quyền “tiết việt”, được bổ nhiệm làm Tri châu Nghệ An (1041). Như vậy, chỉ trong vòng mấy năm ngắn ngủi, từ một vị quan giữ chức thu thuế của một châu, lại được phong lên làm một vị quan Tri châu - người đứng đầu của châu đó. Từ một tước “hầu” (Uy Minh hầu) rồi được ban quyền “tiết việt” lại tiếp tục được phong tước “vương” (Uy Minh vương). Tất cả, chứng tỏ rằng Lý Nhật Quang rất có tài, có năng lực đảm đương trọng trách được giao ở một vùng biên viễn, cơ mi (ki - mi - “ràng buộc lỏng lẻo”), phên dậu phía Nam của quốc gia Đại Việt lúc bấy giờ.

20220414-221225-1649950768.jpg
Ngày 12 tháng 2 năm 1998, đền Quả Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Ảnh: Nguyễn Diệu

Trong vòng 16 năm ở châu Nghệ An (từ 1039 đến 1055) Lý Nhật Quang từng giữ hai chức vụ chính: chức thu thuế và chức tri châu. Hành trình 16 năm nhậm chức trên đất Nghệ An, với ông là một hành trình không mệt mỏi, không ngưng nghỉ cho lý tưởng giúp nước giúp dân. Nghệ An thời đó, từ một châu nghèo nàn biến loạn, sau 16 năm được Uy Minh vương Lý Nhật Quang ra sức xây dựng, dìu dắt nhân dân trở thành một châu phồn thịnh về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, làm chỗ dựa cho Thăng Long, cho triều Lý và các triều đại về sau.

Có được những thành quả ngoạn mục đó là chính bởi xuất phát từ tài năng và nghị lực của mình mà Lý Nhật Quang đã làm nên những công trạng lớn như: Khi trở thành một vị tri châu, Lý Nhật Quang đã bắt tay ngay vào việc: lập lại trật tự kỉ cương xã hội; giữ nghiêm phép nước; đề cao quản lý xã hội bằng bộ máy hành chính có hiệu lực (dựa vào bộ luật Hình Thư); góp công vào thắng lợi trong lần vua Thái Tông chinh phạt Chiêm Thành (1044).

20220414-221246-1649950345.jpg
Đền Quả Sơn sau khi được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Nguyễn Diệu

Lý Nhật Quang rất quan tâm đến đời sống của nhân dân và chăm lo phát triển kinh tế cho họ. Là một vị Tri châu vừa có tài mà lại vừa có tâm. Bằng đường lối chính trị vương đạo, thân dân, biết khoan thư sức dân, đề ra nhiều chính sách thiết thực, có lợi cho dân, biết quan tâm vỗ về họ, đó là cội rễ để Lý Nhật Quang sớm đi vào lòng dân xứ Nghệ.

Minh chứng cho năng lực về quân sự, chính trị kể trên của Lý Nhật Quang đó là việc: ông đã có tầm nhìn rộng mang tính chiến lược khi quyết định mở các cảng biển dọc biển Thanh - Nghệ, mở các tuyến đường thượng đạo để vừa phát triển kinh tế, vừa củng cố quốc phòng. Hai con đường quan trọng được Lý Nhật Quang cho nhân dân mở dưới thời ông trị nhậm đó là: Đường thứ nhất: bắt đầu “từ Đô Lương qua Nghĩa Hành, Nghĩa Phúc, lên nông trường Sông Con, qua Thái Hòa (Nghĩa Đàn) rồi theo đường lên Bãi Chành để nối liền với con đường thượng đạo của Thanh Hóa ra Hoa Lư, Thăng Long”. Đường thứ hai: bắt đầu “từ Đô Lương qua Anh Sơn lên Cự Đồn thuộc phủ Trà Lân cũ tức thành Trà Long hay Thành Nam ở huyện Con Cuông hiện tại rồi qua Hội Nguyên lên Mường Mật ở Tương Dương và Kỳ Sơn đến giáp nước Lào”. Ông còn cho dân mở thêm tuyến đường từ Đô Lương vào tới Đèo Ngang.

20220324-151016-1649951003.jpg
Đền thờ chính của  Quả Sơn được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Ảnh: Nguyễn Diệu

Lúc bấy giờ giặc Lão Qua (Lào) thường quẫy nhiễu ở biên giới phía Tây, Lý Nhật Quang phải thân chinh cầm quân dẹp giặc và thu về thắng lợi. Đồng thời, ông còn trực tiếp thống lĩnh thủy quân vào Bình Định dẹp loạn theo cầu viện của chúa Chiêm Thành.

Uy lực của Lý Nhật Quang còn ảnh hưởng ra tận vùng Thanh Hóa. Ở đây, ông đã cho xây trại Bà Hòa với “thành cao, lũy sâu… chứa được ba, bốn vạn quân, kho tàng tiền lương đủ dùng ba năm. Ngoài ra ông còn đốc thúc nhân dân xây dựng thêm 50 kho thóc để sẵn sàng cung ứng cho nhu cầu quốc phòng”. Ông cho xây dựng đội quân Nghiêm Thắng thường trực bảo vệ phủ lỵ Bạch Đường (nơi ông làm việc). Dưới thời Lý Nhật Quang trị nhậm, đã có được một lực lượng quân sự mạnh nhờ áp dụng thực hiện tuyển binh theo luật vương triều và thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”. Ngoài ra, ông còn thiết lập nên các đội tuần binh, dân binh để canh phòng, giữ an ninh trong châu.

20220414-221822-1649951121.jpg
Công trình Đền thờ chính gồm có: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện, được đầu tư với tổng mức gần 10,4 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Diệu

Thời đó, biên giới phía Nam nước Đại Việt mới chỉ đến Đèo Ngang. Để mở mang bờ cõi quốc gia, ông đã dùng ấn tín phủ dụ các tù trưởng, thu hút họ về phía mình, mở mang được “5 châu, 22 trại, 56 sách” làm cho bờ cõi phía Nam được yên ổn.

Việc chọn Bạch Đường làm phủ lỵ cho cả châu Nghệ An thời đó được các nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà địa lý đánh giá rất cao tầm nhìn “xuyên cả thời gian không gian”, sự hiểu biết uyên thâm của Lý Nhật Quang. Đây là vùng đất có nhiều ưu thế: vừa là nơi phong cảnh hữu tình hài hòa núi sông (núi Quả và sông Lam), mang giá trị về danh thắng; vừa là nơi trung tâm về địa lý, kinh tế, chính trị, quân sự; lại phù hợp về phong thủy, long mạch. Phủ lỵ Bạch Đường có tính ổn định cho nhiều thời đại về sau.

20220324-141423-1649951228.jpg
Diện mạo đền Quả Sơn hôm nay là sự cố gắng của người dân, chính quyền huyện Đô Lương. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đền Quả Sơn

Bốn ngôi đền lớn nổi tiếng linh thiêng của xứ Nghệ - Tĩnh kể trên, được Nhà nước xây dựng và tổ chức tế tự, được coi là: “Anh châu đệ nhất từ”, “Anh linh đệ nhất từ”, “Chung cổ tối linh từ” (Đền linh thiêng vào bậc nhất) thì duy chỉ có Đức thánh Đền Quả được mệnh danh là: “Đại phúc thần của cả châu”.

Điều đó chứng tỏ rằng đền Quả Sơn có một vị trí đặc biệt, xứng tầm với tên tuổi, công trạng mà Lý Nhật Quang đã đóng góp cho vùng đất Nghệ An cũng như sự hiển ứng linh thiêng của Ngài đối với đất nước, nhân dân ngót gần một nghìn năm lịch sử. Có lẽ xuất phát từ những bình diện đó nên ngày 12 tháng 2 năm 1998, đền Quả Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

20220414-225002-1649951452.jpg
Đền Quả Sơn có một vị trí đặc biệt, xứng tầm với tên tuổi, công trạng mà Lý Nhật Quang đã đóng góp cho vùng đất Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Diệu

Việc thờ cúng tại đền Quả Sơn là một hiện tượng đáng chú ý và “trong các bậc đế vương hay trong hàng các danh tướng lương thần của triều đình (xưa tới nay) cũng đã mấy ai được như thế?” Điều đó chứng tỏ Uy Minh vương Lý Nhật Quang có một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh của người xứ Nghệ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. 

Đền Quả Sơn được xây dựng từ đầu thế kỷ XI, được liệt vào hàng “quốc tế, quốc tạo”, sau đó được trùng tu và nâng cấp nhiều lần vào thời Hậu Lê, Nguyễn. Đến đầu thế kỷ thứ 20, ngôi đền có quy mô 7 toà 42 gian mang phong cách kiến trúc thời Lý - Trần đã được xếp vào hạng Quốc tế và Quốc tạo, tức là nhà nước đứng ra tế lễ và xây dựng, là một trong “tứ đại thắng tích” (Đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng), “đệ nhất danh thiêng” của xứ Nghệ. Trải qua chiến tranh, hầu hết các công trình kiến trúc gốc của đền đều bị phá hủy. 

20220414-225345-1649951672.jpg
Chỉ có Đức thánh Đền Quả được mệnh danh là: “Đại phúc thần của cả châu”. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đến thời hậu Lê thì diện mạo của đền có quy mô lớn gồm ba toà chính điện (thượng, trung, hạ điện), tả vu, hữu vu, lầu ca vũ, nhà hoả, nhà canh, tam quan. Trong đền có di tượng Lý Nhật Quang làm bằng gỗ quý, sơn son thiếp vàng, mặc áo bào bằng lụa vàng, có nhiều đồ tế khí chạm khắc tinh vi, đạt trình độ điêu khắc cao, do vua chúa nhiều triều đại ban tặng hoặc nhân dân tiến cúng. Phần mộ đức thánh Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, có nhà bia, có nhà ngựa và ông ngựa, có cổng Tam quan và hàng nghìn cổ vật, bằng bạc, đồng và gỗ, đặc biệt có di tượng cổ độc bản về Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, các long ngai, tế khí thời Lý…

Tại Nghệ An, lễ hội đền Quả Sơn là lễ hội lớn vào loại bậc nhất. Từ năm 2019, Lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, diễn ra trong 3 ngày 18 đến 20 tháng giêng Âm lịch hàng năm để tưởng nhớ tới công đức của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - vị danh tướng, danh thần của vương triều Lý đã có công lớn trong việc bảo quốc an dân, củng cố nền độc lập, thông nhất đất nước ở thế kỷ XI (1039 - 1055). 

20220414-221311-1649951856.jpgMộc bản Triều Nguyễn tại đền Quả Sơn. Ảnh: Nguyễn Diệu

Tương truyền, xưa kia, trước khi Ngài đi đánh giặc thì thường lên Tiên Tích Tự (Chùa Bà Bụt) để khẩn cầu. Và sau khi đánh giặc về đều lên Tiên Tích Tự để báo công. Chính vì thế, trong lễ rước bao giờ cũng rước từ đền Thánh lên chùa Bà Bụt là vậy. Lễ rước tại đền Quả rất đặc biệt, rước đường sông và rước đường bộ (phỏng theo ngày xưa Ngài đi đánh giặc). Đây là hoạt động nhằm tái diễn lại ngày xưa Ngài luyện quân thủy, tạo hào khí chiến đấu. Lễ chính của Ngài được tổ chức vào ngày 17/12 (âm lịch). 

Đây là lễ hội dân gian đặc sắc, hấp dẫn và mang nhiều ý nghĩa nhân văn, thể hiện tinh thần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, làm sống động tinh thần thượng võ cùng những thuần phong mỹ tục của nền văn hoá dân gian.

20220324-141257-1649951955.jpg

Ngày nay, ngoài các trò chơi dân gian và nghệ thuật dân tộc như đánh đu tiên, chọi gà, cờ thẻ, cờ người, đấu vật, múa võ, đặc sắc nhất là đua thuyền bơi chải xuôi ngược dòng Lam, hát chầu văn, ca trù, diễn các tích chèo, tuồng cổ… Lễ hội còn tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao như: Biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, cắm trại, triển lãm, trưng bày bán các loại ấn phẩm văn hoá, tổ chức thi đấu bóng đá, bóng chuyền, đi tham quan các di tích danh thắng trong vùng. 

Sáng 10/1/2020 (16/12 năm Kỷ Hợi), Huyện ủy, UBND huyện Đô Lương tổ chức khởi công công trình Đền thờ chính tại Di tích lịch sử văn hóa đền Quả Sơn. Công trình Đền thờ chính gồm có: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện, được đầu tư với tổng mức gần 10,4 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong 12 tháng kể từ ngày khởi công.

20220414-221411-1649952073.jpg
Vua Lý Thái Tông trao tiết việt và gia phong tước Vương cho Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang, năm Giáp Thân (1044). Ảnh: Nguyễn Diệu

Đây là hợp phần quan trọng thuộc Dự án Bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền Quả Sơn, huyện Đô Lương được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 3771/QĐ-UBND ngày 25/9/2019 với tổng mức đầu tư hơn 77,6 tỷ đồng. 

Trước đó, các hạng mục gồm Khu mộ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và Nghi môn ngoại đã hoàn thành tôn tạo. Tất cả kinh phí thực hiện dự án cơ bản đều được xã hội hóa.

Diện mạo đền Quả Sơn hôm nay là sự cố gắng của người dân, chính quyền huyện Đô Lương. Chính vì sự vào cuộc mạnh mẽ, sự đồng lòng của người dân trong quá trình tôn tạo lại đền, để một đền Quả đẹp hơn trong lòng du khách thập phương, người dân trong ngoài huyện và bày tỏ sự ngưỡng vọng với Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. 

Có dịp, chúng ta nên một lần về với Đền Quả Sơn, để nghe dân chúng nơi đây thủ thỉ những giai thoại về Ngài - Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, để hòa mình vào phần lễ hội, để thả mình vào những trò chơi dân gian được tổ chức. Hơn cả, để mắt thấy tai nghe một trong tứ đại thắng tích, và đệ nhất danh thiêng - Đền Quả Sơn. 

“Hiển hách thần linh hương khói miếu đền lưu vạn đại/ Lừng danh tông tộc núi sông ghi nhớ mãi ngàn năm”. 

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Khám phá về Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và Đền Quả Sơn" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.