Lối vào ngôi chùa vừa được Phật tử địa phương xây dựng đầu năm nay. Theo người dân địa phương thì ngôi chùa này đã có từ ít nhất 400 năm và hoàn toàn do thiên nhiên tạo dựng. Trước chiến tranh, chùa Thiên Tạo là danh thắng của vùng và cũng nổi tiếng linh thiêng.
Chiến tranh chống Mỹ nổ ra, do có địa thế hiểm trở và kín đáo nên chùa trở thành kho chứa lương thực và vũ khí của các đơn vị quân đội trong vùng. Các cổ vật, đồ tế khí và nhiều thắng tích thiên nhiên cũng bị phá hủy và thất lạc trong thời gian này.
Ẩn sau những phiến đá khổng lồ là quần thể hang động cao hơn 20m rộng chừng 15m với nhiều ngõ ngách và các hốc đá tự nhiên. Không khí trong hang vừa thanh u tĩnh mịch lại rất ôn hòa (mùa hè thì mát mùa đông thì ấm), chính là nơi lý tưởng để tĩnh tâm tu học.
Các ban thờ đều tạo thành từ những hốc đá được thiên nhiên khéo léo tạo hình như những búp sen tuyệt đẹp, xung quanh trang trí bởi các vân đá, nhũ đá vô cùng kỳ thú, bởi thế mà chẳng cần đến bàn tay con người phải vẽ vời thêm.
Ngoài ra các ban thờ này cũng được “khéo sắp đặt” theo các trục Đông Tây - Nam Bắc, ban thờ chủ nằm đối diện cửa hang ở hướng chính Tây là hướng tốt nhất để tụng kinh, niệm Phật.
Lịch sử ngôi chùa cũng rất bí ẩn, ngay cả những người chịu trách nhiệm trông coi cũng không rõ chùa có tự bao giờ, chỉ biết rằng thời điểm trước chiến tranh, trong chùa vẫn còn tượng Phật và nhiều đồ tế khí cổ, được dân làng truyền đời hương khói, trông nom.
Rồi chiến tranh và mấy mươi năm “cải cách” diễn ra, ngôi chùa trở thành hoang phế hoặc được dùng vào những mục đích khác, dấu tích xưa gần như bị phá hủy hoàn toàn. Khoảng mươi năm trở lại đây, người dân địa phương mới có điều kiện để “tái sinh” thắng tích truyền đời của họ.
Chùa Thiên Tạo hồi sinh đã nhanh chóng lấy lại danh tiếng của mình. Phật tử trong vùng cứ mỗi ngày rằm và mồng một hàng tháng lại đều đặn lên chùa để tụng kinh niệm Phật. Họ cũng đã cử ra một Ban quản sự để trông coi và quản lý công việc của chùa.
Đây là “hang tiên” với huyền thoại về nàng tiên xinh đẹp thường dạo chơi trên núi, vì có người bắt gặp nên cô bước vào trong hang để ẩn tránh rồi từ đó không bao giờ trở ra nữa. Những người lớn tuổi trong làng cho biết hang này trước đây dẫn xuống một hệ thống hang động khổng lồ trong lòng núi, không hiểu vì lý do gì mà cửa hang đã sập xuống bít kín hoàn toàn.
Trần hang cao chót vót, rất sạch sẽ khô ráo với nhiều nhũ đá, vân đá tuyệt đẹp mặc dù cũng đã bị hủy hoại đi nhiều. Các cụ trong làng cho biết xưa kia còn có “hang Tiền”, “hang Bạc”, “hang Bông Lúa”… vô cùng kỳ thú.
Đây là “trống đá” tạo thành từ thạch nhũ, theo dân làng thì chỉ cần lấy viên sỏi nhỏ ném vào là “trống” sẽ phát ra tiếng kêu rất to. Nghe nói ngày xưa còn có “đá Rồng”, “đá Phượng”, “đá quy”, “đá Hổ”…
Cổ vật duy nhất còn sót lại là cái bát hương bằng đá mà theo ông Tống Hữu Thuyên - người trông coi - thì đã có từ 400 năm trước, một người dân trong làng mang về nhà cất giữ và mới được trả lại gần đây.
Giếng Thuồng Luồng trước cửa hang chảy ra từ lòng núi, quanh năm trong vắt và chưa bao giờ cạn kiệt. Trước đây trong lèn có cả một bầy khỉ sinh sống, sau chiến tranh còn mỗi một con khỉ độc nhưng từ khi người ta nổ mìn khai thác đá thì nó cũng mất dạng luôn, chẳng biết đã chết hay đang trốn góc nào.
Đối lập với cảnh quan hùng vĩ phía trước chùa, ngay sau lưng lèn đá là khung cảnh tiêu điều, sườn núi bị đào phá nham nhở làm vật liệu xây dựng. Lèn Vũ Kỳ đã và đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi sự tham lam của con người. Khu vực chùa Thiên Tạo tuy không bị đụng vào nhưng cùng với sự biến mất của dãy núi, thắng tích này đã mất đi phần lớn vẻ đẹp vốn có của mình.