Chùa Vĩnh Hưng được xây dựng vào năm 1912, thí chủ Đinh Thị Định sáng lập. Chùa đã trải qua 4 đời trụ trì và nhiều lần trùng tu. Đợt trùng tu cuối cùng được cố thượng tọa Thích Thanh Chương khởi công vào năm 2009 và kéo dài cho đến nay. Chùa được xây dựng lại theo kiến trúc Nhật Bản pha trộn với kiến trúc Phật giáo Việt Nam bằng nguyên liệu đá, gạch, ngói, tổng kinh phí thực hiện gần 13 tỉ đồng.
Xưa kia gọi là chùa Cây Điệp, còn bây giờ được gọi là chùa Đá bởi vì chùa được xây dựng bằng đá nguyên khối, mỗi khối có kích thước 30 x 20 x 20 cm. Ngôi chánh điện có không gian rộng lớn được bao bọc bởi những tảng đá nguyên khối xếp chồng lên nhau, giữ nguyên màu sắc tự nhiên, phía trên mỗi góc mái được trang trí hình hổ phù đặc trưng theo họa tiết hoa văn của Nhật Bản.
Tổng thể kiến trúc của ngôi chùa gồm có: cổng tam quan, chánh điện, nhà thờ tổ, tháp, hòn non bộ… Qua Tam quan đề hàng chữ Chùa Vĩnh Hưng, phía dưới đề tên dòng chữ Hán là đến sân chùa. Phía bên tay trái thờ Quan thế âm Bồ tát, bên phải là cổng phụ đi thẳng vào là nhà chay đường. Khuôn viên chùa bày trí rất nhiều cây xanh, hoa kiểng làm tăng thêm cảnh sắc thiên nhiên cho ngôi chùa.
Nằm giữa lòng TP Sóc Trăng, chùa Vĩnh Hưng mang vẻ đẹp kiến trúc rất riêng, bố cục hài hòa giữa kiến trúc Nhật Bản và Việt Nam, gần gũi với môi trường thiên nhiên. Chùa luôn là địa điểm tâm linh tín ngưỡng cho các phật tử và du khách gần xa trong tỉnh Sóc Trăng đến chiêm bái và cầu quốc thái dân an.
Từ nét độc đáo của ngôi chùa Vĩnh Hưng, phần nào thấy được sự đặc sắc trong văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc ở Sóc Trăng. Chúng hòa nhập và đan cài vào nhau tạo nên những nét riêng, đặc sắc khiến du khách thập phương không sao cưỡng lại được.