Đình làng Thế Lại hài hòa với thiên nhiên
Đình Thế Lại tọa lạc trên được Bạch Đằng, thuộc phường Phú Hiệp (thành phố Huế). Theo các bậc cao niên trong làng thì Thế Lại là từ viết tắt của “Vạn Thế Vĩnh Lại” ý nói “muôn đời được nhờ cậy mãi mãi”.
Đình Thế Lại được xây dựng khá sớm trên vùng đất Thuận Hóa cách đây khoảng 500 năm. Người có công xây dựng nên làng Thế Lại xưa là một vị tướng họ Hồ nhưng gốc tích của vị tướng quân đến nay vẫn chưa được biết đến rõ ràng. Để tưởng nhớ công ơn của ông, người dân thôn Thế Lại tôn ông làm Thành Hoàng làng.
Đình làng Thế Lại có vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa với dòng sông Đông Ba xanh biếc được xem như “minh đường thủy tụ”, thời trước có ngọn núi Xước Dũ được quy hoạch làm tiền án, đối hậu là cồn Hến trên sông Hương, xung quanh ngôi đền là nhà dân nằm san sát. Những yếu tố trên tạo nên một vẻ đẹp hoàn mỹ. Đình làng nằm quay mặt theo hướng Tây - Tây Nam, đình Thế Lại có khuôn viên rộng khoảng 1200 m2, có la thành bao bọc tứ phía và cửa thành được xây dựng bằng những trụ gạch vuông vức, vững chãi.
Nhiều nét chạm trổ độc đáo
Đình Thế Lại được xây dựng theo kiểu nhà rường ba gian hai chái, chiều dài 12m, chiều rộng 9m, có 48 cột nâng đỡ các kèo, mái. Ngôi đình mang đậm nét cổ xưa qua hình dáng mái ngang, lợp ngói âm dương và bộ cửa bàn khoan “thượng song hạ sản”.
Bên ngoài sân đình có khoảng không gian rộng, lối đi thoáng đãng ở giữa dẫn vào tòa đại hình, hai bên xây dựng hai dãy trường học. Hai bức tả hữu hai bên tường được trang trí một hình hổ (bên tả) và hình rồng (bên hữu).
Hiện tại, ngôi đình bị bỏ không, trống trải, không có ai thờ phụng hay nhang khói vì tất cả bài vị và liễn đối đều được chuyển về miếu Thành Hoàng từ khi làng Thế Lại được tách ra làm hai làng Thế Lại Thượng và Thế Lại Hạ.
Nhìn tổng thể, đình Thế Lại được trang trí chủ đạo bằng các ô về hình thức. Các bức tranh, hình trang trí được đóng khung trong các bản gỗ hình chữ nhật, hình vuông và hình tam giác. Điểm nhấn đặc biệt là những con Lân với nhiệm vụ đỡ bộ phận kèo bằng đuôi, đầu lân lao xuống theo thân cột để ôm lấy quả cầu.
Đình làng Lại Thế cầu kỳ trong kết cấu
Đình làng Lại Thế thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (TT Huế). Đây là ngôi đình cổ xưa, được xây dựng vào năm 1741. Dưới chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông, làng Lại Thế được thành lập nhằm trấn giữ đất đai sau khi vua đánh tan quân Chiêm Thành. Các bậc khai hoang, định cư ở làng Lại Thế xưa chính là những người lính trong đoàn quân của vua Lê Thánh Tông. Hiện tại, làng có ba họ chính, đó là Châu, Trần và Nguyễn. Ba dòng họ này đều thờ tự các vị khai quốc tại đình làng.
Đình làng Lại Thế có khuôn viên rộng, trước cổng đình có 4 trụ biểu, trên đỉnh trụ là hoa sen hàm tiếu. Sau những 4 cột trụ sắc cạnh là bức bình phong được trang trí tỉ mỉ, sắc nét với các họa tiết quen thuộc như hình long mã ở phía trước và hình đầu rồng ngậm chữ Phúc ở phía sau… Tạo nên vẻ hài hòa nhưng cũng đem lại sự kín đáo cho ngôi đình.
Mặt trước đình được kết cấu vững chãi
Toàn bộ đình có 54 cột, chia thành 8 hàng ngang và 7 hàng dọc (đúng ra là 6 hàng dọc, bởi vì có 6 cột, nhưng do kèo mái đưa ra phía trước làm hiên cho ba gian giữa và hai gian chái trong nên có thêm 4 cột hàng thứ tư). Kết cấu bên trong đại đình chính là bộ khung gỗ mộng mẹo rất sít. Từng “vài” trong ba gian chính đều có những chiếc kèo chồng lên nhau, chiếc kèo cuối cùng có thân uốn cong lên đỡ mái được gọi là “kẽ”. Các cột cái, cột quân và cột hiên trong cùng một vài được nối với nhau từng đôi một ở đầu cột bằng những chiếc kèo.
Trần Thanh