Nông nghiệp xanh mang lại “làn gió mới” cho người dân nông thôn
Việc phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, hiện đại, phát triển bền vững, có giá trị gia tăng cao mà còn là một sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội hiện đại trong việc tham quan, học tập, trải nghiệm, hưởng thụ các sản phẩm nông nghiệp xanh, đã và đang mang lại “làn gió mới”, sức sống mới cho người dân nông thôn ở các huyện ngoại thành của TP.
Theo đồng chí Lê Minh Dũng, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, mang lại sắc thái, sức sống mới ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp với những cách làm sáng tạo, phát huy những lợi thế, giá trị khác biệt đã được hình thành và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Hiện nay, TPHCM có nhiều mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp đã được hình thành, như: mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau của các Hợp tác xã như “Tuấn Ngọc”, “Phước An”, “Phước Lộc”, “Rau sạch nên ăn”…; Mô hình du lịch nông thôn gắn với các làng nghề truyền thống Bánh tráng xã Phú Hòa Đông - huyện Củ Chi, làng nghề xe nhang xã Lê Minh Xuân-– huyện Bình Chánh và làng nghề mai vàng Bình Lợi huyện Bình Chánh; Mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái của xã Trung An, An Nhơn Tây, Bình Mỹ, huyện Củ Chi, xã Nhị Bình, Hóc Môn; Mô hình du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện Hóc Môn (Pro-Farm), Củ Chi (Nông trang xanh, Về quê..), Bình Chánh (Happy farm), Quận 12 (Trang trại Tam Nông), Thủ Đức (Dragon farm…).
Bên cạnh đó là Mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng, du lịch lịch sử rừng Sác, huyện Cần Giờ, Địa đạo Củ Chi, huyện Củ Chi, Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng, huyện Hóc Môn, Khu di tích lịch sử các dân công hỏa tuyến, Khu di tích lịch sử Tết Mậu Thân, Khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò, huyện Bình Chánh… Đây là những địa chỉ thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh hỗ trợ các cộng đồng nông thôn làm du lịch
Thực tế cho thấy du lịch nông nghiệp còn đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều nông dân vẫn đang gặp khó trong quá trình “lấn sân” sang làm du lịch. Tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đã ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu của khách du lịch; cơ sở hạ tầng tiếp cận các điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện; cơ sở vật chất tại nhiều điểm du lịch chưa đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch do hạn chế về nguồn vốn đầu tư, trình độ quản lý, quy định về xây dựng…; chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của du khách; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu…
Đề xuất giải pháp, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi Võ Văn Thuận cho rằng TP cần mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn đào tạo về sản phẩm du lịch lưu trú cho người nông dân; nâng cao kỹ năng chuyên môn và nhận thức về du lịch, đặc biệt là xây dựng cơ chế cho làng du lịch, giải quyết bài toán cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp đăng ký kinh doanh, vay vốn ngân hàng lãi suất thấp, những ưu đãi về thuế cho những hộ dân, doanh nghiệp tham gia loại hình du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa hình thức quảng bá, đặc biệt ứng dụng công nghệ số trong việc kích thích mọi giác quan của du khách khi tiếp cận với sản phẩm du lịch được quảng bá bằng công nghệ thông tin.
Để phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả, góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng chí Lê Minh Dũng, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, cho rằng, TP cần đưa quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn dựa trên tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công, văn hóa các dân tộc…
Đồng thời, đẩy mạnh đa dạng hóa, phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao; Tạo không gian đổi mới, sáng tạo, hình thành sản phẩm mới, xanh và bền, gắn với xu hướng tìm về thiên nhiên, tăng tính trải nghiệm, trách nhiệm cho du khách. Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn.
Bên cạnh đó, tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách, để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, đặc biệt là chính sách đất đai, thu hút đầu tư vào du lịch. Đẩy mạnh hỗ trợ các cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn, thông qua các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.
Một trong những giải pháp nữa là tăng cường hợp tác với các địa phương lân cận để cùng phát triển bền vững hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên thành lập Tổ hợp tác, hợp tác xã, trong đó có các tổ dịch vụ chuyên về phục vụ du lịch; Đẩy mạnh đa dạng hóa, phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao. Đồng thời, xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương…