Theo sử sách, đền Yên Lương được xây dựng từ thời hậu Lê (1630. Đây là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thờ những vị thần có công với nước. Tương truyền, năm Chính Hòa thứ ba (1682), cuộc sống của người dân Yên Lương không yên ổn, ngư dân đi biển gặp sóng to, gió lớn; mùa màng thất bát, đói kém, bệnh tật triền miên. Làng đã cử người ra đền Cờn (Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu) rước chân hương về thờ Tứ vị thánh nương, bốn vị thần thường giúp dân thuận buồm, xuôi gió, phù hộ cho ngư dân ra khơi, vào lộng bình yên, làm ăn thuận lợi.
Hiện nay, ngoài thờ Tứ vị thánh nương, đền còn thờ các vị thần: Tam Thế Phật; Cao Sơn Cao Các; cá Ông; Đức Thánh Sơn thần đảo Lan Châu. Trong những năm kháng chiến, đền Yên Lương là nơi hội họp bí mật của các tổ chức cứu quốc; là nơi tập trung nhân dân trong làng đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, là địa điểm phát động phong trào “Bình dân, học vụ”…
Hằng năm, đền Yên Lương có 2 kỳ lễ trọng: Lễ Kỳ Yên vào Rằm tháng Hai (âm lịch) và Lễ Lục Ngoạt vào các ngày trung tuần tháng Sáu (âm lịch). Trong các kỳ lễ này, người dân tổ chức nhiều hoạt động thể hiện tín ngưỡng và bản sắc văn hóa của ngư dân vùng biển như: rước kiệu nghinh thần, tế thần và các hoạt động lễ hội: chọi gà, đánh đu…
Đặc biệt, Lễ Lục Ngoạt đã trở thành lễ hội truyền thống của ngư dân làng Yên Lương. Lễ diễn ra vào 3 ngày (14, 15, 16) tháng Sáu âm lịch với lễ yết cáo trời đất, lễ rước kiệu, lễ đại tế. Ngày này, người dân trong vùng tập trung dâng hương, hoa, trà, quả; làm cỗ mặn tam sinh tế thần và vật không thể thiếu là oản nếp.
Lục ngoạt có nghĩa là: Lục là số 6, tháng 6 và 6 lễ tổng hợp gồm lễ báo cáo thiên địa, lễ thỉnh, lễ rước vong nghênh, lễ cầu ngư, lễ tế, lễ tạ. Cũng là 6 tuần thượng, trung hạ tuần; ngoạt là định kỳ của ngày lễ, là nghi thức không thể thay đổi.
Lễ được tổ chức 3 năm một lần vào những năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu và 3 ngày 14, 15, 16 tháng 6 (âm lịch). Vật phẩm cúng tế ở đền ngoài hương, đăng, trà, quả còn có cỗ mặn tam sinh do làng cử các giáp, các gia đình thay nhau luân phiên làm và tế thần vào ngày 16 tháng 6 và trong kỳ lễ này một vật phẩm nhất thiết phải có đó là “oản nếp”.
Trong 3 ngày lễ thì lễ cúng cá ông (tục thờ cá ông) là lễ to nhất – Đây là lễ cúng được chú trọng trong sinh hoạt văn hóa của ngư dân sống bằng nghề chài lưới. Ngày cúng ông bao giờ cũng được chia làm ba thời điểm: Lễ cúng nghinh ông, lễ cúng tiền hiền, hậu hiền và lễ cúng chánh tế.
Lễ hội Phúc Lục Ngoạt đền Yên Lương năm nay diễn ra với các nghi lễ truyền thống: lễ Khai quang, lễ Yết cáo, lễ Võng thỉnh, lễ rước, lễ Đại tế, lễ tạ và các hoạt động thể dục - thể thao, giao lưu văn hóa - văn nghệ, trò chơi dân gian…
Đền Yên Lương từ bao đời đã trở thành địa điểm văn hóa tâm linh, nơi gửi gắm niềm tin, ước muốn được thần linh che chở, bảo hộ của người dân Nghi Thủy. Hoạt động lễ hội được tổ chức hàng năm tại đền thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người dân, góp phần bảo lưu các giá trị truyền thống, giáo dục lòng yêu nước và tinh thần thượng võ, đoàn kết cộng đồng cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, đền còn có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo, giá trị lịch sử và giá trị văn hóa du lịch./.