Huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa): Kỷ niệm 623 năm ngày mất Đức thánh Trần Khát Chân

24/05/2022 15:21

Theo dõi trên

Ngày 24/5 (tức ngày 24/4 âm lịch), tại Di tích lịch sử Quốc gia Đền thờ Trần Khát Chân, UBND thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 623 năm ngày mất của Đức thánh Trần Khát Chân - nhà quân sự lớn của Nhân dân ta ở thế kỷ XIV.

tran-khat-chan-1653380048.jpg
Phần lễ được tổ chức trang nghiêm

Năm nay, bên cạnh tổ chức phần lễ ôn lại thân thế, sự nghiệp của Đức Thánh Trần Khát Chân, UBND thị trấn Vĩnh Lộc còn tổ chức phần hội với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như bơi chèo chải trên cạn, hát chầu văn, tế nữ quan, biễu diễn nghệ thuật với màn múa trống hội linh thiêng cội nguồn...

Theo ghi chép, Thượng tướng Trần Khát Chân sinh năm 1366, là người làng Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh, nay là huyện Vĩnh Lộc. Ông là người có công dẹp giặc Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi và được phong Thượng Tướng quân. Năm 1399, trước việc tước quyền của Hồ Quý Ly, ông tổ chức kế hoạch giết Hồ Quý Ly nhưng không thành. Ông cùng 370 người khác đã bị giết ở chính quê hương mình vào ngày 24/4 năm Kỷ Mão 1399. Ông được mai táng dưới chân núi Đốn (Đún), thị trấn Vĩnh Lộc.

Ngưỡng mộ tài đức của ông, nhiều nơi trên địa bàn Thanh Hóa đã lập đền thờ, trong đó huyện Vĩnh Lộc có 3 nơi thờ. Đền thờ tại núi Đún Sơn là nơi an táng ông.

Đền Trần Khát Chân là ngôi đền cổ, có nhiều mảng chạm khắc tinh xảo, đã tồn tại hơn 6 thế kỷ dưới chân núi Đún, thị trấn Vĩnh Lộc. Đền đã được trùng tu, tôn tạo nhưng nhiều hiện vật, nội thất, sắc phong vẫn được giữ nguyên. Đặc biệt, trong đền có 7 cây cổ thụ có niên đại hơn 600 năm đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Hồng Hạnh
Bạn đang đọc bài viết "Huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa): Kỷ niệm 623 năm ngày mất Đức thánh Trần Khát Chân" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.