Đại Giác Cổ Tự, nơi lưu dấu mối tình bi thảm nhất trong thời phong kiến Việt Nam
Mối tình đặc biệt của công chúa và nhà sư
Một trong những câu chuyện tình nổi tiếng nhất cung đình Việt Nam phải kể đến mối tình đơn phương bi ai của công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Anh với nhà sư Liễu Đạt Thiệt Thành tại ngôi chùa Đại giác, hay còn gọi là Đại giác cổ tự (chùa Phật lớn hay chùa Tượng, xưa kia thuộc thôn Bình Hoành xã Hiệp Hòa, tổng Trấn Biên, nay là ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), là một trong 2 ngôi chùa cổ nhất của đất Đồng Nai và cả miền Nam. Thế nhưng ít ai biết rằng đó lại là nơi in dấu một mối tình bi thảm của một vị công chúa nhà nguyễn, em gái của vua gia long với một nhà sư lưu lạc ở đất này.
Chùa Đại Giác được dựng từ khoảng đầu thế kỷ XVII. Vào năm 1779, công chúa thứ ba của vua Gia Long là Nguyễn Thị Ngọc Anh, trên đường chạy trốn quân Tây Sơn đã có thời gian trú ngụ tại chùa này. Khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh nhớ ơn đã ban chiếu trùng tu và phụng cúng pho tượng A - di - đà lớn bằng gỗ cao 2,56m (hiện vẫn còn ở chùa). Vì vậy nhân dân địa phương còn gọi là chùa Phật Lớn. Đến thời Minh Mạng, chùa tiếp tục được tu sửa. Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã cúng một bức hoành phi lớn đề ba chữ “Đại Gíác Tự” treo trước chánh điện.
Theo sử sách chép lại, Ngọc Anh là công chúa thứ 3 của Hoàng đế Gia Long. Ngay từ nhỏ nàng đã tỏ ra uyên thâm Phật học, thích ăn chay và thường xuyên tụng kinh niệm Phật. Dù xinh đẹp nhưng chứng kiến cảnh thăng trầm, loạn lạc, nàng đã xác định sẽ không lấy chồng mà sẽ ở vậy, ăn chay niệm phật, vui cùng câu kinh tiếng kệ nơi phủ riêng của mình. Nhưng điều ít ai ngờ tới là khi vừa gặp và nghe vị thiền sư giảng dạy, công chúa Ngọc Anh đã đem lòng yêu say đắm và đề nghị thiền sư phá giới để kết duyên với mình.
Người mà Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh trót đem lòng tương tư ấy là Thiền sư Liễu Đạt - Thiệt Thành, hiệu Liên Hoa (? - 1823), ngài tên họ là gì? sinh năm nào và quê quán ở đâu thì không rõ. Thiền sư thuộc phái thiền Lâm Tế, đời thứ 35. Do tư chất thông minh và phẩm hạnh nghiêm mật nên được vua xuống sắc, triệu ra kinh đô Huế để giữ chức Tăng cang chùa Thiên Mụ (1813 - 1823) và được cử làm pháp sư giảng thuyết Phật pháp trong nội cung của vua Gia Long. Sử truyện kể lại rằng, thiền sư là người rất đẹp trai, oai nghiêm đĩnh đạc, thông minh, có tài hùng biện và thuyết giảng Phật pháp rất hay nên được đông đảo quần chúng và Phật tử mến mộ. Đặc biệt vị Thiền sư này có rất nhiều đệ tử trong hoàng cung, trong số đệ tử đó có một vị Hoàng cô (là cô của vua Minh Mạng) cũng quy y và thọ Bồ Tát giới, pháp danh Tế Minh, tự Thiên Nhựt. Do cảm mến và quá hâm mộ tài năng cũng như đức độ của Thiền sư nên đã có ý định ràng buộc duyên trần cùng với vị Thiền sư này.
Chuyện này đương nhiên là không thể, nên thiền sư đã chọn phương pháp “tránh duyên” trần với vị hoàng cô ấy bằng cách xin về trụ trì chùa Từ Ân ở Gia Định để tu thân và ẩn dật, lời khẩn cầu cả vị thiền sư được vua Gia Long chấp thuận, và vị thiền sư lặng lẽ rời bỏ hoàng cung để đi về phương Nam vào một đêm tối trời. Thế nhưng khi vị thiền sư đi rồi ở hoàng cung, hoàng cô Tế Minh Thiên Nhựt bỗng thấy vắng thiền sư thì đem lòng sinh nghi. Sau khi tìm khắp nơi, dò hỏi nhiều người thì được biết vị thiền sư đã bỏ đi, từ đó vị hoàng cô này nhung nhớ không nguôi, bà ốm tương tư nhiều ngày khiến hoàng đế Gia Long cũng phải sốt ruột. Dù đã gặng hỏi nhiều lần, dù nhiều vị y quan bắt mạch kê đơn nhưng bao nhiêu thuốc uống mà vẫn không vơi bệnh. Một lần tình cờ, vị hoàng cô này biết được tung tích của thiền sư đang tu tập tại Đại giác cổ tự, thế là vị hoàng cô này bỗng nảy ra một ý tìm cớ xin phép vua vào Gia Định, gọi là để cúng dường chùa Từ Ân, nhưng thật ra là để gặp thiền sư cho thỏa lòng nhung nhớ.
Thủ bút của vị Hoàng cô
Tấm bia vị Hoàng cô gửi tại chùa
Chuyện tình bi thảm
Tháng mười, năm Quý Mùi (1823), khi vị thiền sư đang uống trà đàm đạo ở chùa Sắc Tứ Từ Ân, bỗng có tin báo rằng vị Hoàng cô vâng lệnh vua đến cúng dường chùa. Nhận được tin, thiền sư lo âu trong dạ, không biết vì sao vị hoàng cô tìm được mình, nếu gặp gỡ thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thế nên ngài tìm cách lánh mặt. sau khi dặn đệ tử tiếp đón vị hoàng cô chu đáo, vị Thiền sư đã lên chùa Đại giác ở Cù lao Phố, tỉnh Biên Hòa để nhập thất hai năm.
Lúc ấy, vị Hoàng cô ở chùa cứ chờ mãi mà không thấy thiền sư đến tiếp kiến. Hỏi Tăng chúng thì mọi người đều nói là không biết thiền sư Liên Hoa ở đâu. Do tâm bịnh nên sức khỏe Hoàng cô ngày một sa sút trầm trọng. Sợ nguy hại cho bổn tự nên cuối cùng mọi người đành tiết lộ sự thật. Được tin này, Hoàng cô thông báo với quan trấn Gia Định là mình lên chùa Đại Giác để cúng dường. Quan tổng trấn cử phái đoàn hộ tống Hoàng cô lên chùa Đại Giác. Sau khi đến chùa dâng lễ cúng dường và nhờ đưa đến tịnh thất của thiền sư Liên Hoa. Hoàng cô với tâm thành kính đảnh lễ trước tịnh thất và xin gặp mặt thiền sư lần cuối trước khi hồi kinh. Thiền sư không trả lời. Hoàng cô suy nghĩ kế khác, sau đó quỳ trước cửa thất thưa rằng: “Nếu Hoà thượng không tiện ra tiếp, xin Hoà thượng cho tôi nhìn thấy bàn tay của Hòa thượng, có như thế tôi cũng hân hoan mà ra về!”. Nghe vị hoàng cô nói như thế, vị thiền sư im lặng vài phút rồi đưa bàn tay ra cửa nhỏ nơi đưa thức ăn vào thất, Hoàng cô vội ôm bàn tay hôn một cách trìu mến, rồi sụp lạy xuống và khóc sướt mướt.
Tưởng rằng khi ôm hôn được bàn tay của Thiền sư thì mọi chuyện sẽ lắng xuống. Nhưng không ngờ, ngay đêm hôm ấy, vào khoảng canh ba, trong khi mọi người đang yên giấc, bỗng thấy tịnh thất của Thiền sư phát hỏa, mọi người chạy ra dập lửa thì tịnh thất đã cháy rụi. Nhục thân của thiền sư cũng cũng cháy đen giữa đống đổ nát hoang tàn ấy. Mọi người đang bàn tán, xôn xao rằng không biết vì nguyên nhân gì mà tịnh thất lại bốc cháy được. Và khi tịnh thất bốc cháy, tại sao vị thiền sư này lại không chạy ra ngoài để đến nỗi chết cháy như thế. Khi mọi người còn đang đi tìm nguyên do, thì có người phát hiện bài kệ của thiền sư viết bằng mực đen trên vách chánh điện: “Thiệt đức rèn kinh vẹn kiếp trần/Thành không vẩn đục vẫn trong ngần/Liễu tri mộng huyễn chơn như huyễn/Đạt đạo mình vui đạo mấy lần”.
Thiền sư Liên Hoa biết cuộc đời này là mộng huyễn ảo ảnh. Người đã dùng ngọn lửa để thức tỉnh và giáo hóa Hoàng cô. Nhưng có lẽ do duyên nghiệp nhiều đời nhiều kiếp giữa hai người, nên ngọn lửa ấy đã không đạt được kết quả như mong muốn. Sau khi làm lễ nhập thất Hòa thượng Liên Hoa xong, Hoàng cô rất buồn bã và cho biết rằng bà sẽ ở lại chùa Đại giác cho đến ngày khai mộ của thiền sư thì mới hồi kinh. Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành thấy cuộc đời quá nhiều mộng ảo hão huyền, đã dùng ngọn lửa tự thiêu để thức tỉnh và giáo dục công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh. Nhưng ngài không ngờ rằng, chỉ 3 ngày sau đó, hoàng nữ vua Gia Long đã uống thuốc độc tự tử ngay tại hậu viên chùa Đại Giác, kết thúc mối tình đơn phương bi ai ngay tại hậu liêu chùa Đại giác nhằm ngày mồng 2 tháng 11 năm Quý Mùi (1823), để lại một câu chuyện tình nơi cửa Phật, một trong những chuyện tình có thật ly kỳ nhất Việt Nam.
Hoàng cô công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh chết theo Thiền sư để lại sự cảm động cho triều đình và nhân dân khắp vùng. Từ đó, ngôi chùa trở nên nổi tiếng và được các đời vua nhà Nguyễn chăm sóc đặc biệt. Ngày nay, dấu tích của mối tình có một không hai trong cung đình này vẫn còn lại dấu ấn là di tích chùa Đại Giác, nó còn gắn với câu chuyện tình cảm giữa một Thiền sư và Công chúa nhà Nguyễn mà dân trong vùng ai cũng được nghe kể, thậm chí là truyền tụng với nhiều tình tiết bí ẩn huyền hoặc. Nơi này cho đến bây giờ vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, và nhiều người khi có dịp đến thăm Biên Hòa đều muốn đến Đại giác cổ tự, nơi xảy ra thiên tình sử này, để cùng thăm một ngôi chùa cổ, để trầm ngâm về tình yêu, phật pháp, và về sự phù du của kiếp người.
Còn tiếp...