Hồ Chí Minh - Nâng niu tất cả chỉ quên mình

19/05/2022 09:05

Theo dõi trên

Với dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh là sự kết tinh những gì tốt đẹp, ưu tú nhất của trí tuệ và tư tưởng, tình cảm và đạo đức, nhân cách và lối sống. Người tiêu biểu cho cốt cách, bản lĩnh, bản sắc văn hoá của nhân dân Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) là dịp để hậu thế nhớ ơn Người - vị Cha già dân tộc, bậc vĩ nhân mà mỗi khi nhắc đến, hàng triệu con dân đất Việt đều thổn thức.

20220518-2325443-1652897531.jpg
Làng Sen - quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Diệu

Từ làng Sen đã tỏa làn hương thơm ngát

Nẻo về Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) dịp này là nẻo về nguồn cội. Nơi ấy chứa đựng mạch nguồn của dân tộc, cất giữ trí tuệ và tư tưởng, tình cảm và đạo đức, nhân cách và lối sống của cậu bé Nguyễn Sinh Cung thuở nào (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh). 

"Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương
Người về đây thăm làng Chùa quê mẹ và làng Sen quê cha"

Đường về quê Bác mùa này rợp bóng sen. Những cánh sen chen chúc khoe sắc, cùng với đó là những dải bằng lăng tần ngần. Hương sen ngào ngạt. “Lần theo lối sỏi quen” tại quê cha, khẽ chạm vào hàng râm bụt nơi đây mới cảm hết được một làng quê Việt đã quy tụ, hun đúc nên con người, cuộc đời, sự nghiệp của bậc vĩ nhân - Hồ Chí Minh. 

Vào một sáng bình minh năm Canh Dần (1890), trong ngôi nhà tranh 3 gian nép mình dưới hàng cau; khi mặt trời tháng 5 bắt đầu hắt những tia nắng bình minh rực đỏ sau dãy núi Đại Huệ, người con thứ ba của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan là Nguyễn Sinh Cung (dân địa phương thường gọi là Nguyễn Sinh Côông - tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) cất tiếng khóc chào đời. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ sống tại quê ngoại từ lúc lọt lòng cho tới 5 tuổi, nhưng hình ảnh quê ngoại, đặc biệt là những kỷ vật gắn bó với tuổi thơ êm đẹp vẫn luôn vẹn nguyên trong tâm trí của Nguyễn Sinh Cung, ngay cả khi đã là Chủ tịch nước. 

Ngay từ bé, tại mảnh đất Hoàng Trù, Nguyễn Sinh Cung đã cảm nhận được sự dạy bảo ân cần của ông bà ngoại, tình cảm thương yêu của cha mẹ đối với mình. Làng Hoàng Trù còn được biết tới là cái nôi của văn hóa xứ Nghệ, bởi vậy mà lời ru, câu hát quê hương đã theo Nguyễn Sinh Cung từ thuở lọt lòng cho tới trước lúc đi xa: 

“À ơi, con ơi mẹ dặn câu này

Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm

Làm người đói sạch rách thơm

Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”

Một Hồ Chí Minh được kết tinh bởi sự giản dị, mộc mạc, từ những câu dân ca; có lẽ đây chính là mạch nguồn, cái nôi nuôi dưỡng Người bằng những phong vị từ văn hóa dân gian đến với văn hóa bác học.

“... Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương
Người về đây thăm làng Chùa quê mẹ và làng Sen quê cha
Xúc động bồi hồi Người rơi giọt lệ
Thương mái nhà tranh thương đất mẹ nghèo...”

20220519-0105104-1652897777.jpg
Từng dòng người về thăm Làng Sen nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Diệu

Năm 1957, khi lần đầu về Nam Đàn, Bác chỉ mới thăm quê nội vì đường sang quê ngoại chưa được sửa chữa. Năm 1961, Bác Hồ mới có dịp thăm lại ngôi nhà nơi Người cất tiếng khóc chào đời và sống những năm đầu ấu thơ. 

“Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”

Về thăm quê, dù đã cách xa mấy chục năm, Bác vẫn lần theo lối quen ngày trước và Người ngồi lặng đi trên chiếc chõng tre ngày xưa. Những khóm hoa râm bụt mộc mạc đơn sơ khoe sắc. Loài hoa mà cái tên thật thiện căn, bác ái đã gieo vào lòng Bác ngày thơ ấu, từ những cái vịn tay bước đi chập chững đầu tiên ở nơi này.

Bác dừng lại giây lát trước chiếc án thư để một đôi tràng kỷ nơi mà xưa kia cụ Hoàng Xuân Đường ngồi giảng sách. Bác bùi ngùi nhìn chiếc gường thấp, nơi người mẹ thân yêu thường ôm Bác vào lòng. Bác nhìn cái rương đựng lương thực có cái lỗ nhỏ mà ngày ấu thơ Bác và anh cả Khiêm thường thò ngón tay trỏ vào ngoáy ngoáy. Bồi hồi Bác nói: “Các cô, các chú thật khéo giữ, chiếc rương gỗ ngày xưa vẫn còn...”. 

Sau đó Bác ra ngồi xổm trước thềm nhà thân mật nói chuyện với bà con làng Chùa. Bất ngờ bác gặp lại ông Nguyễn Thuyên, người bạn câu cá ngày nhỏ. Bác nhắc lại kỷ niệm một lần đi câu, bạn giật lưỡi câu rách vành tai. Khi nghe bạn thưa Chủ tịch, Bác thân mật bảo: “Cứ gọi tôi là Cung như ngày trước”.

“Tôi xa quê hương đã năm mươi năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng, tủi tủi. Nhưng tôi không buồn, không tủi. Tôi rất vui. Vui vì khi tôi ra đi nhân dân còn là nô lệ, bọn đế quốc phong kiến đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do". (Trích từ sách: Vũ Kỳ - Thư ký Bác Hồ kể chuyện). 

20220518-2323502-1652897879.jpg
Hồ Chí Minh - Người là niềm tin tất thắng. Ảnh: Nguyễn Diệu

Dù làng Sen đã nhiều đổi khác, những con đường làng bằng đất đã được thay thế bằng bê tông, nhiều ngôi nhà san sát mọc lên ngói đỏ. Nhưng vẫn còn đó những ao sen, đầm sen tỏa hương thơm ngát. Từng nếp nhà tranh trong vườn của Người đã trải qua bao sương gió vẫn một màu mộc mạc, màu của đồng quê. Những liếp cửa bằng tre đã nhẵn bóng thời gian nhưng luôn mở ra đón lộng gió. Và cây vườn vẫn xanh tốt tươi theo năm tháng đã sống dậy, thức dậy trong ta bao ký ức của một thời, của một vành nôi đã sinh ra một vĩ nhân.

Hương đóa Sen thanh bạch - Hồ Chí Minh

Người làng Sen không thể nào quên được câu nói rưng rưng của Bác khi Người đứng trước bàn thờ của mẹ: “Xưa nhà Bác nghèo, bàn thờ chỉ làm bằng tre không có chân, mà chỉ dùng hai miếng gỗ đóng giá vào hai bên cột đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa trên trải bằng chiếc chiếu mộc”. 

Dân làng Chùa kể lại rằng: Khi về thăm nhà, Bác đi từ gian này đến gian kia.

Gian thứ nhất ông Nguyễn Sinh Sắc kê một bộ phản gỗ được ngã từ cây đa làng làm nơi tiếp khách. Khách của ông thường là những người bạn hữu khoa bảng, những chiến sỹ yêu nước đương thời như: Phan Bội Chau, Vương Thúc Quý, Đặng Nguyên Cẩn... Cậu bé nguyễn Sinh Cung thường tiếp nước, hầu trà cho các cụ.

Gian nhà thứ hai là gian buồng nơi nghỉ ngơi của bà Hoàng Thị Loan. Ở đây có kê một chiếc giường tre nhỏ đơn sơ và tấm vải màn nhuộm nâu do bà tự dệt lấy. Chính tại ngôi nhà nhỏ này, bà đã sinh ra ba người con: Năm 1884 là người gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh hiệu là Bạch Liên, năm 1888 sinh con trai thứ là Nguyễn Sinh Khiêm (Nguyễn Tất Đạt) và năm 1890 sinh Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành) sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

20220518-2326169-1652898477.jpg
Du khách được nghe kể chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Ảnh: Nguyễn Diệu

Qua những buổi lắng nghe các cụ xướng họa, bình văn, đàm đạo thời cuộc, Người nhận thức về truyền thống lịch sử văn hóa, về nỗi thống khổ nước mất nhà tan như một dòng chảy tự nhiên ngấm dần vào tâm hồn Nguyễn Sinh Cung, để từ đó Người sớm nung náu ý chí "đi tìm hình của Nước".

Nơi nghỉ của cô Nguyễn Thị Thanh, chị gái của Người là chiếc giường gỗ nhỏ, liếp nứa. Hai gian còn lại là nơi nghỉ của ông Nguyễn Sinh Sắc cùng hai cậu con trai. Vật dụng không có gì nhiều. Chiếc rương đựng thóc gạo, chiếc tủ bà con mừng thân sinh đỗ đạt. Tủ tre dưới bếp chỉ vài nồi niêu đơn giản. Một chiếc mâm gỗ dành tiếp khách, mâm tre dùng ăn cơm hàng ngày. Đó là tất cả “gia tài” nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đã theo Bác lớn lên cùng tuổi niên thiếu.

Dân làng Chùa còn nhớ kỳ thi Hương khoa Giáp Ngọ (1894). Lúc ấy, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đang cùng bạn câu cá bên hồ sen thì hay tin ông Nguyễn Sinh Sắc đậu cử nhân trường Nghệ lan nhanh về làng Chùa. Cậu hớn hở chạy ra đồng tìm mẹ báo tin, Bà Hoàng Thị Loan vẫn bình thản cấy hết đám ruộng. Bà vui vẻ nói với mọi người: “Ông Nghè, ông Cống cũng sống về ăn”. Nói vậy thôi nhưng bà thoăn thoắt làm xong rồi dắt tay cậu bé Cung về sớm lo nấu nước chè xanh, rang mẻ lạc thơm giòn để đãi bà con làng xóm đến chung vui.

20220519-012546p-1652898543.jpg
Cổng Tam quan tại Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Diệu

Chẳng ai nghĩ rằng, một vị lãnh tụ dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới lại sống một cuộc đời dung dị, lớn lên trong một ngôi nhà mộc mạc, khiêm nhường đến vậy. Nơi đây đã lưu giữ trọn vẹn và tỏa sáng nhân cách gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, phản ánh tâm hồn Việt Nam, cốt cách Việt Nam. Và giống như nhà văn Ni côlai (Rumani) nhận xét: “Ngôi nhà lá đơn sơ trong cái làng nhỏ bé là quê hương, tâm hồn của cả dân tộc Việt Nam”.

Hồ Chí Minh sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân Việt Nam bị đô hộ mà còn là một hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hi vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất. 

“...Hiểu sao hết “Người đi tìm hình của Nước”
Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người
Một góc quê hương nửa đời quen thuộc
       Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi...”
(Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên)

Nắng vẫn rợp cả con đường vào quê Người, bậc vĩ nhân đã dâng hiến cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam. Hậu thế chúng ta, khó có thể dùng một mỹ từ nào để nói hết về Người, chỉ biết rằng:

“Mẹ Việt Nam sinh một người con trung hiếu
Người anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh
Người làm rạng rỡ nước mình
Ngàn năm không thể phai được
Nghĩa tình của toàn dân”

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Hồ Chí Minh - Nâng niu tất cả chỉ quên mình" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.