I. Đặt vấn đề
Trong điếu văn Lễ truy điệu Hồ Chủ Tịch vào ngày 9 tháng 9 năm 1969 của Ban chấp hành trung Đảng lao động Việt Nam nay là Đảng cộng sản Việt Nam, do đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày có đoạn viết: “ Hồ Chủ Tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam và Mặt trận Dân tộc thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta. Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Với những công lao, đóng góp to lớn cho Nhân dân ta, đất nước ta, cho phong trào cách mạng và giải phóng các dân tộc trên thế giới, năm 1987, Tổ chức Khoa học - Giáo dục - Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) tại cuộc họp Ðại hội đồng lần thứ 24 (tại Paris từ 20.10 đến 20.11.1987) đã ra Nghị quyết phong tặng Hồ Chí Minh danh hiệu kép: “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh văn hóa kiệt xuất ”. Đây là những đánh giá của UNESCO khẳng định tầm vóc văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa lớn trong thời đại mới.
Sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh được kết tinh từ bản lĩnh, trí tuệ của Người; từ hồn thiêng sông núi; từ truyền thống của quê hương; từ sự giáo dục của gia đình và tinh hoa văn hóa của nhân loại.. Trong đó, yếu tố gia đình đóng vai trò là nền tảng, bệ phóng có ảnh hưởng lớn tới chí hướng, nhân cách, tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Người.
II. Gia đình Hồ Chí Minh, một gia đình văn hóa
Gia đình là nơi hình thành, lưu giữ, bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống của dân tộc; là chiếc cầu nối giữa cá nhân với cộng đồng; là hạt nhân tế bào của xã hội. Gia đình truyền thống Việt Nam từ xưa tới nay rất chú trọng xây dựng gia đạo, gia phong và gia lễ. Trong đó gia đạo là sức mạnh của gia đình, là đạo đức của gia đình như đạo hiếu, đạo ông bà, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em, đạo làm người… đã đi vào những lời ru, câu ca, câu hò, điệu ví:
Con ơi mẹ dặn câu này.
Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm.
Làm người đói sạch rách thơm.
Công danh là nợ nước non phải đền.
Cũng như bao gia đình khác, các thành viên trong gia đình Bác Hồ luôn giữ được những đạo lý truyền thống của gia đình Việt Nam. Đó là sự chăm lo, yêu thương, quan tâm, chia sẻ với nhau; là sự tần tảo của người mẹ, sự cương trực của người cha, sự nhường nhịn của các anh chị em trong gia đình. Ông Nguyễn Sinh Sắc là một nhà nho, ông luôn nghiêm khắc trong việc dạy dỗ các con. Ông luôn đề cao tư tưởng “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” để giáo dục các con của mình. Bà Hoàng Thị Loan là con gái của nhà Nho - cụ tú Hoàng Xuân Đường, bà được học hành và được dạy dỗ Tứ đức Công, Dung, Ngôn Hạnh trong gia đình truyền thống nho học. Vì vậy, bà hiểu được đạo nghĩa của một người phụ nữ lúc đó, hết lòng hết sức lo sự nghiệp của chồng và con cái. Khi ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế học và thi cử lận đận. Bà cùng các con trai cũng vào, vừa dệt vải vừa chăm lo cho chồng cho con. Bà miệt mài làm việc để lo cho gia đình, vì vậy mà thân thể càng ngày càng yếu, năm 1901, bà lâm bệnh nặng và qua đời. Dù ở hoàn cảnh nào, kể cả lúc ốm đau, bệnh tật, bà vẫn chăm chỉ làm việc, để mong sao chồng học hành đỗ đạt, thỏa chí nam nhi; các con có cuộc sống ấm no. Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, bà vẫn không hề than vãn một lời nào. Bà là một hình mẫu về hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam.
Được nuôi dưỡng trong một gia đình nhà nho, sớm nhận được sự giáo dưỡng của cha, sự yêu thương của mẹ, nên các anh chị em trong gia đình Bác luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Bà Nguyễn Thị Thanh là người chị cả đã hết lòng quan tâm hai em khi mẹ mất sớm. Bà là người chị, nhưng cũng đóng vai người mẹ để nuôi hai em trưởng thành. Chuyện kể rằng, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, lần đầu tiên thấy ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà con, họ hàng bên nội, bên ngoại nửa tin nửa ngờ, “Phải chăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nguyễn Tất Thành, là Nguyễn Sinh Cung?”. Để hiểu rõ sự thật, vào một ngày cuối tháng 10/1945, bà Nguyễn Thị Thanh ra Hà Nội tìm hiểu. Bà mang theo hai con vịt và hai chục trứng gà để làm quà. Khi tới nơi đúng lúc Bác đang bận việc quan trọng nên bà đành ngồi đợi. Đến lúc gặp nhau, bà quan sát kỹ rồi ôm chầm lấy Bác, òa khóc vì biết rằng Hồ Chí Minh là em trai của mình. Xa cách nhau hơn 40 năm trời nhưng bà vẫn nhận ra em trai mình là bởi lúc bé, Bác từng đi câu và bị lưỡi câu móc vào tai, nên có vết sẹo. Khi gặp Bác, thấy vết sẹo ở tai nên bà Nguyễn Thị Thanh biết chắc đây là em trai mình. Chỉ có sự quan tâm, săn sóc cho nhau, mới có thể để ý được những chi tiết nhỏ như vậy, đây chính là tình thương bao la mà bà Thanh giành cho Bác.
Lần ông Nguyễn Sinh Khiêm ra thăm em vào tháng 11/1946 ở Bắc bộ Phủ cũng vậy. Sau gần 40 năm xa cách, khi gặp Bác Hồ, ông cả Khiêm gọi rất to: Chú Coong! Chú Coong! Chú có khỏe không? Chị Thanh về có nói chuyện bảo chú gầy lắm, công việc bận suốt ngày. Nói rồi ông cả Khiêm mở chiếc va-li đan bằng sợi mây cũ kỹ, lấy mấy quả cam Xã Đoài cho em. Bác Hồ đỡ lấy cam, cảm động rơm rớm nước mắt. Bôn ba khắp nơi, gặp biết bao khổ ải, Bác luôn vững vàng, vậy nhưng khi thấy anh Cả, khi đón nhận quà quê, Bác lại khóc. Bác khóc vì vui sướng, vì tình cảm anh em, tình cảm của quê hương giành cho mình.
Trong bối cảnh đen tối của đêm trường nô lệ, nhưng gia đình Bác đã vượt qua những hạn chế của thời cuộc để có những tư tưởng tiến bộ mà ít có gia đình nào có được. Điều này được bắt nguồn từ ông Hoàng Xuân Đường. Ông vừa là ân nhân, vừa là bố vợ, vừa là ông ngoại của gia đình Bác. Chính ông đã bỏ qua mọi định kiến để nuôi dưỡng và tạo điều kiện để giúp đỡ một nhân tài trưởng thành. Khi biết hoàn cảnh của cậu bé Nguyễn Sinh Sắc, ông đã không ngần ngại mà nhận về nuôi, ra sức dạy giỗ rồi gả con gái cho. Ngoài tình thương yêu của con người với nhau, chi tiết này còn cho thấy ông đã nhận thấy được tài trí của cậu bé Nguyễn Sinh Sắc và tìm cách để nuôi dưỡng nhân tài này cho đất nước.
Ông Nguyễn Sinh Sắc, là một người có tài năng, sống trong hoàn cảnh xã hội đen tối, nhưng đã vượt qua được những cám giỗ đời thường và có một tầm nhìn tiến bộ vượt xa các bậc sỹ phu yêu nước lúc bấy giờ. Điển hình là việc ông sớm định hình nhân cách cho các con cái của mình. Việc định hướng của người cha đầu tiên thể hiện ở quyết định cho các con đến học một thầy giáo có lòng yêu nước thương dân đó là thầy Vương Thúc Quý, đặc biệt đây là sĩ phu có tư tưởng cấp tiến. Hơn nữa, “nhà thầy Quý là nơi lui tới của các sĩ phu yêu nước trong vùng. Nhiều khi Nguyễn Tất Thành được thầy sai tiếp nước cho những vị khách đặc biệt, nhờ đó cậu thiếu niên Nguyễn Tất Thành dần dần hiểu được thời cuộc và sự day dứt của các bậc cha chú trước cảnh nước mất nhà tan”. Đồng thời, Nguyễn Sinh Sắc đã tạo điều kiện cho con ông được “tham gia” vào các cuộc tiếp xúc của mình với các văn thân sĩ phu ở khắp Bắc - Trung Kỳ. Sau đó, “Tất Thành còn được ông cho theo ra Thái Bình, Nam Định.. trong dịp ông đi tìm gặp một số sĩ phu ở đất Bắc”. Những chuyến đi đó là những cuộc trải nghiệm để Nguyễn Tất Thành định hình cho mình chí hướng và con đường đi.
Với tư tưởng tiến bộ và chán ghét chốn quan trường, năm 1905, cụ Sắc cho hai người con trai của mình - là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung xuống Vinh học trường Tiểu học Pháp - bản xứ. Đây là một quyết định khác người của cụ, bởi vào trường này là phải học chữ Pháp, sẽ chịu ảnh hưởng của văn minh phương Tây, trong khi cả cuộc đời của cụ lại theo đuổi nền giáo dục truyền thống theo lối nho học (cụ đỗ Phó bảng năm 1901). Trong khi các sĩ phu yêu nước thời đó, họ ghét Pháp thì ghét luôn cả thành tựu văn hoá của nó, không muốn cho con cái theo học chữ Tây, chữ Quốc ngữ. Nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc lại làm điều ngược lại với các sỹ phu đương thời, chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới tư tưởng của Bác Hồ. Chính tại ngôi trường này, Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc với văn hoá phương Tây và lần đầu tiên biết đến khẩu hiệu: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Sau này Người nhắc lại: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái… Và từ thủa ấy, tôi rất muốn quen vơi nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”.
Được thừa hưởng từ những điều tốt đẹp của hồn thiêng sông núi, của vùng địa linh nhân kiệt; nơi có mạch nguồn văn hóa dồi dào nên gia đình Bác không chỉ được thụ hưởng mà còn góp phần làm phong phú thêm các giá trị văn hóa cho quê hương. Đó là bài hát ru con của bà Hoàng Thị Loan; đó là các bài văn thơ yêu nước của cụ Nguyễn Sinh Sắc, của Nguyễn Sinh Khiêm, hay của cá nhân Bác Hồ. Tuy nhiên nét nổi bật nhất đó là việc bốc thuốc, chữa bệnh cứu người của các thành viên trong gia đình Bác. Ông Nguyễn Sinh Sắc sau khi không làm quan đã chuyển sang làm nghề bốc thuốc. Ông đã đi khắp nơi ở miền Nam để bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Nghề y đã theo ông đến hơi thở cuối cùng. Bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm cũng là những thầy thuốc giỏi. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh đã trở thành một người bốc thuốc có tiếng, từng sử dụng thuốc Nam để cứu mình, sau đó lại cứu chữa được nhiều người, kể cả những quan lại của triều đình Huế. Còn ông Nguyễn Sinh Khiêm cũng nổi danh từ bốc thuốc, được nhân dân ở Huế gọi là thầy thuốc Nghệ. Hiện nay các bài thuốc của ông vẫn còn được áp dụng ở các nhà thuốc tại Huế, nơi ông từng có thời gian vừa bốc thuốc, vừa hoạt động trong phong trào yêu nước ở đây.
Như vậy, ngoài tình thương yêu lẫn nhau của các thành viên trong gia đình như bao gia đình khác, gia đình Bác còn là một gia đình có nhiều tư tưởng tiến bộ, vượt qua những hạn chế của hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Đồng thời, cũng là gia đình để lại nhiều giá trị văn hóa cho quê hương, đất nước và nhân loại.
III. Gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, một gia đình yêu nước
Lịch sử Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung, hiếm có một gia đình nào như gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả mọi người trong gia đình từ cha, con anh, chị em đều sớm được giáo dưỡng và trưởng thành trong một gia đình có tư tưởng tiến bộ, nên hầu hết các các thành viên trong gia đình Bác đều tham gia các phong trào yêu nước.
Trước hết là ông Nguyễn Sinh Sắc, năm 1901 thi đậu Phó bảng, đến tháng 5/1906, ông vào Huế nhậm chức Thừa biện Bộ Lễ. Tháng 5/1909, ông được bổ làm Tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Tại đây, căm ghét bọn tham quan, ô lại, ông thường thăm thú, điền viên, hòa đồng cuộc sống dân chúng, rồi những người tù bị bắt do oan khuất, do đấu tranh chống sưu, thuế nặng nề được thả. Bọn cường hào, ác bá ở Bình Khê đã tìm cách kiện ông ra triều đình. Ông bị triệu về triều, bị Hội đồng Nhiếp chính xử 100 trượng, giáng 4 cấp và bị triệt hồi. Chính sự kiện này, đã cho ông nhìn thấy được bản chất của chế độ xã hội lúc đó, và cũng từ đó ông đã mong muốn thế hệ con mình phải có cách hành động khác. Vì vậy khi Bác vào thăm ông, ông Nguyễn Sinh Sắc đã nói câu bất hủ: Nước mất mà không lo đi tìm, tìm Cha để làm gì?. Câu nói này đã thôi thúc Bác ra đi tìm đường cứu nước.
Trong một hoàn cảnh éo le, mẹ mất sớm, cha và hai em vào Huế, ở lại quê hương chăm bà Ngoại, vậy nhưng bà Nguyễn Thị Thanh vẫn tham gia hoạt động yêu nước. Bà là cơ sở quan trọng cho phong trào của hội Duy Tân lúc đó ở Nghệ An. Khi bị bắt, kẻ thù khám thấy trong người và dưới vạt giường nằm của bà có giấu súng. Chúng còn biết bà là con gái của Nguyễn Sinh Sắc, chị gái của Nguyễn Ái Quốc – người vừa gây tiếng vang lớn trên diễn đàn các nguyên thủ quốc gia ở Vécsai nước Pháp nên rất tức tối. Mọi ngón đòn tra tấn, đánh đập, bà chỉ nhận về mình, không khai bất kỳ chi tiết nào liên quan đến đồng chí mình. Một hôm để khuất phục, bắt bà phải khai, chúng dùng một chiếc mâm đồng, đặt lên lò than nung đỏ rực, lột trần bà ra, rồi đẩy bà ngồi bệt vào chiếc mâm nóng đỏ đó. Thịt da cháy xèo xèo, đau đến tận xương tủy bà vẫn không khai. Sau đó nhiều tháng, nhờ sự thương cảm của các bạn tù, bà tự chữa bệnh bằng một số thứ thuốc nam kiếm được, vết thương lành, chúng phạt bà 100 trượng, tù khổ sai 9 năm, đày cách quê hương 3.000 dặm.
Ông Nguyễn Sinh Khiêm, từ năm 1908, đã tham gia phong trào chống thuế của nhân dân Trung Kỳ. Sau đó bị trường Quốc học Huế buộc thôi học. Ông về quê, cùng chị hoạt động trong phong trào yêu nước chống Pháp của đội Quyên, đội Võ. Năm 1914, ông bị giặc Pháp bắt, chúng xử 9 năm khổ sai, đày vào tận Nha Trang. Mãi đến năm 1920, giặc Pháp mới đưa ông về giam lỏng ở Huế. Tại đây ông gặp lại chị gái là bà Thanh, hai chị em lại tham gia các phong trào yêu nước cho đến ngày cách mạng thành công.
Từ làng sen Nam Đàn Xứ Nghệ, Nguyễn Sinh Cung; Nguyễn Tất Thành; Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh - Người đã vượt qua những hạn chế của tư tưởng, giáo lý Không, Mạnh, những quan điểm của chủ nghĩa yêu nước đã khá lỗi thời của các sỹ phu phong kiến và các nhà cách mạng có xu hướng dân chủ tư sản như Phan Chu Trinh; Phan Bội Châu..vươn ra biển lớn, trải qua hành trình khắp năm châu bốn biển, Người đã hòa mình vào thực tiễn đáu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động Á, Âu, Mỹ, Phi.. để tìm đường cứu nước. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với chủ nghĩa Mác - Lê Nin, chủ nghĩa cộng sản khoa học, chủ nghĩa quốc tế vô sản. Dù khó khăn gian khổ khi ở trời Tây giá lạnh, hay khi bị bắt giam cầm trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Người vẫn luôn hướng về Tổ quốc; vẫn đau đáu sự nghiệp giái phóng dân tộc, đem lại tự do cho nhân dân. Từ lúc bước chân ra đi tìm đường cứu nước đến lúc trút hơi thở cuối cùng (1911-1969), Bác luôn mang theo mình tình yêu quê hương, tình yêu đất nước cháy bỏng.
“Xa nhà chốc mấy mươi niên
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”.
Sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc đem lại độc lập tự do cho nhân dân của Người thật là vĩ đại. Tình yêu que hương đất nước nước của người thật là lớn lao.Sau bao nhiêu năm xa quê, ngày trở lại nơi chôn rau cắt rốn, Người bồi hồi xúc động:
“Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”
Tình yêu đất nước bao la của gia đình Bác đã lẫn hết tình yêu của cá nhân; vì hạnh phúc của nhân dân mà hy sinh hạnh phúc của bản thân mình. Chính vì vậy mà 3 anh em của Bác không có ai lập gia đình. Vì nỗi lo của đất nước mà phải quên đi nỗi lo của gia đình, của cá nhân. Khi bà Nguyễn Thị Thanh ra thăm Bác, dù biết là chị gái ra thăm nhưng vì công việc hệ trọng mà phải bắt chị đợi mình. Khi biết Bác bận vì việc nước, bà Thanh cũng nguôn giận. Ngày 9/11/1950, vừa đi chiến dịch về nhận được tin ông cả Khiêm mất, Bác Hồ chỉ gửi điện về nhà: “Gửi họ Nguyễn Sinh: Nghe tin Anh cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc Anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc Anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi xin chịu tội bất lễ trước linh hồn Anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước ”.
Những hoạt động yêu nước của các thành viên trong gia đình Bác nói chung và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, không chỉ góp phần to lớn trong việc giải phóng dân tộc, đem lại độc lập tự do cho đất nước mà còn là di sản văn hóa vô giá của dân tộc Việt Nam, là “ Bó đuốc soi đường..” cho thế hệ mai sau.
IV. Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình và giáo dục trong gia đình
Văn hóa gia đình và lòng yêu nước có mỗi quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Trong đó, văn hóa gia đình là nền tảng, là xuất phát điểm, cũng là bệ phóng để tạo ra tinh thần và lòng yêu nước. Nhưng chính lòng yêu nước lại là biểu hiện cao nhất của văn hóa. Nói về mỗi quan hệ giữa gia đình và xã hội Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Hồ Chủ Tịch cho rằng: Trong giáo dục, nếu thiếu sự giáo dưỡng của gia đình, hoặc sự giáo dục của gia đình không phù hợp với yêu cầu của xã hội thì sẽ hạn chế nhiều nhân cách và kết quả giáo dục. Hồ Chủ Tịch nhấn mạnh rằng: gia đình là nơi tiếp thu, giữ gìn và trao, truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.Thông qua các câu chuyện cổ tích, ca dao, tục ngữ.. mà các thế hệ ông bà cha mẹ.. chính là những người “thầy,cô” đầu tiên, dạy đỗ, nuôi dưỡng bồi đắp tâm hồn.. để từng bước hình thành nên nhân cách cho các thế hệ… Trong Thư gửi giáo viên học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng ngày 31/10/1955, Bác Hồ đã viết: “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp đỡ nhà trường giáo dục và khuyến khích các em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”. Từ những giá trị văn hóa và yêu nước của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh và thấm nhuần tư tưởng và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò tầm quan trong của gia đình và giáo dục trong gia đình, ngày 28/6/2000 Ban Bí thư trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 56- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của của các cấp ủy Đảng, đối với công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.Tiếp đó Thủ tương Chính phủ đã ban hành Quyết đínhố 72/201/QĐ-TTg, chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày gia đình. Ngày gia đình Việt Nam là một mốc quan trọng, là biểu hiện sinh động chúng ta thực hiện học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh - Gia đình Hồ Chí Minh- Một gia đình văn hóa và yêu nước. Ngày gia đình việt Nam là một dịp để mỗi con ngườiViệt Nam hướng về cội nguồn, gia đình, về những người thân yêu về những giá trị văn hóa truyền thống cao quý của dân tộc.Cho dù có đi đâu ?, ở đâu ? làm gì? thì gia đình vẫn là nơi để gửi gắm tâm tư tình cảm, là niềm thương nỗi nhớ,là nơi chốn quay về.
Nhân kỷ niệm lần thứ 60 năm Bác về thăm quê (1961-2021) là một dịp chúng ta cùng nhau tôn vinh sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Hồ Chủ Tịch,cũng là dịp để chúng ta hiểu hơn về gia đình của Bác – Một gia đình văn hóa và yêu nước./.
Tài liệu tham khảo:
- Hồ Chí Minh Toàn tập (15 tập) - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, năm 2011.
- Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch- Trần Dân Tiên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhà xuất bản Công an Nhân dân - 1997.
- Nghiên cứu học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Võ Nguyên Gíap - Nhà xuất bản Công an Nhân dân.
- Búp sen xanh, Sơn Tùng - Nhà xuất bản văn học - 2009.
- Hoa dâm bụt, Sơn Tùng Nhà xuất bản Thông tấn - 2007
- Những người thân trong gia đình Bác Hồ - Trần Minh Siêu, nhà xuất bản Nghệ An-2002.
- Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử - Nhà xuất bản Chịnh trị Quốc gia - Sự thật.
Nhà xuất bản Công an Nhân dân.
- Điếu văn Hồ Chủ Tịch - Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1969.