Cần Thơ: Tổ chức Hội thảo tham vấn các giải pháp vì sông Mê Kông không rác

09/09/2022 15:25

Theo dõi trên

Ngày 8/9, tại thành phố Cần Thơ, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (GreenHub) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và phát triển nông thôn (RECERD) tổ chức Hội thảo tham vấn các giải pháp vì sông Mê Kông không rác.

cantho2-1662711811.jpg
Đại biểu xem các sản phẩm tái chế từ nhựa, vải, chai lọ đã qua sử dụng trưng bày tại hội thảo. Ảnh: Thanh Liêm – TTXVN

Hội thảo là một trong những hoạt động thuộc Dự án “Vì sông Mê Kông không rác - Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở thành phố Cần Thơ”. Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ kết quả đánh giá sơ bộ về chuỗi rác thải nhựa tại khu vực thực hiện dự án; thông tin tổng quan hiện trạng quản lý chất thải rắn trên địa bàn Chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng) và cồn Sơn (quận Bình Thủy). Đồng thời, đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả hơn cùng các giải pháp tăng cường hiệu quả thu gom, vận chuyển rác tại thành phố Cần Thơ cũng như tại khu vực Chợ nổi Cái Răng và cồn Sơn.

Theo bà Cao Thị Minh Thảo - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Xã hội thành phố Cần Thơ, công tác thu gom, xử lý rác thải tại Chợ nổi Cái Răng, cồn Sơn được thực hiện nhiều năm nay. Tại khu vực Chợ nổi Cái Răng, hiện có trên 40 hộ sinh sống cùng 250 - 300 ghe, tàu mua bán giao dịch tại 8 điểm thu mua nông sản trên bờ.

Mỗi ngày, lượng rác phát sinh từ các hoạt động buôn bán, du lịch ở khu vực Chợ nổi Cái Răng khoảng 1 tấn. Các hộ dân sinh sống, buôn bán ở chợ trang bị khoảng 100 thùng chứa rác loại 60 lít. Chính quyền địa phương cũng bố trí các thùng rác loại từ 120 - 260 lít ở trên bờ để tập trung rác thải ở khu vực chợ nổi kết hợp vớt rác trên sông hàng ngày, hỗ trợ các hộ dân tại chợ thu gom và giao rác cho đơn vị vận chuyển, xử lý nhưng không thu phí.

Cồn Sơn hiện có 76 hộ sinh sống, là điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Cần Thơ. Tại đây, các hộ dân tự trang bị các thùng chứa rác thải sinh hoạt. Chính quyền địa phương trang bị thùng chứa rác công cộng ven đường, tổ chức thu gom rác và đưa vào đất liền xử lý. Người dân có ý thức bảo vệ môi trường, nhiều mô hình được thực hiện như hạn chế sử dụng túi ni - lông, gói thức ăn bằng lá chuối...

cantho3-1662711851.jpg
Mỗi ngày, khu vực chợ nổi Cái Răng phát sinh khoảng 1 tấn rác thải sinh hoạt từ hoạt động buôn bán, du lịch. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Tuy nhiên, tại các địa điểm trên vẫn còn một số bất cập trong xử lý rác thải. Đó là ý thức vệ sinh, bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng chỗ của người dân chưa cao, chỉ thực hiện theo các phong trào mà chưa thành thói quen. Nhiều chủ ghe, tàu vận chuyển khách du lịch chưa thật sự quyết tâm trong công tác bảo vệ môi trường. Một số khách du lịch khi đến Chợ nổi Cái Răng còn xả rác bừa bãi... Quá trình vận chuyển rác thải từ cồn Sơn vào bờ còn rơi vãi xuống sông, chưa kịp thời và đều đặn. Kinh phí địa phương không đủ để duy trì việc hỗ trợ dụng cụ đựng rác, thuê thu gom rác và vớt rác trên sông…

Hội thảo đưa ra các giải pháp cần quan tâm thực hiện thời gian tới như: chính quyền địa phương, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho từng đối tượng, từng khu vực về bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó tập trung tuyên truyền bỏ rác đúng chỗ, không vứt rác bừa bãi; thực hiện các mô hình phân loại rác tại nguồn, hướng dẫn ủ rác thành phân hữu cơ; tuyên truyền hạn chế sử dụng túi ni - lông trong sinh hoạt; trang bị thêm thùng đựng rác, tàu thuyền thu gom rác trên sông phù hợp với thực tế từng địa phương; xây dựng lò đốt rác công suất nhỏ tại cồn Sơn; cải tạo cơ sở hạ tầng đường nội bộ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên cồn; tập huấn, hướng dẫn người dân tái chế sản phẩm từ nhựa, chai lọ đã qua sử dụng.

cantho1-1-1662711883.jpg
Sà lan thu gom rác tự động trên sông Cần Thơ có thể thu gom 10 rác thải mỗi tháng. Ảnh: Thanh Liêm – TTXVN

Hiện mỗi ngày thành phố Cần Thơ có khoảng 630 - 650 tấn rác thải được thu gom xử lý, đạt 85-90% lượng rác thải ra. Các kênh rạch trên địa bàn có rất nhiều chai nhựa, túi ni - lông... Vào tháng 4/2022, Tổ chức Làm sạch biển của Hà Lan (The Ocean Cleanup) đã bàn giao cho thành phố Cần Thơ sà lan thu gom rác tự động trên sông do tổ chức này sáng chế. Sà lan dài gần 25m, bề ngang hơn 8m, cao trên 4m, vận hành bằng năng lượng mặt trời, tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng, trong đó phía Hà Lan tài trợ 14,6 tỷ đồng còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Mỗi tháng, sà lan tự động gom hơn 10 tấn rác nổi trên sông Cần Thơ. Hệ thống gom rác tự động sẽ góp phần cải thiện môi trường, mỹ quan sông Cần Thơ, quảng bá du lịch sông nước của thành phố, góp phần giữ vững danh hiệu "Thành phố bền vững môi trường ASEAN lần thứ 5" mà Cần Thơ nhận được vào năm 2021.

Tại cồn Sơn, đầu tháng 6 vừa qua, Hợp tác xã du lịch nông nghiệp cồn Sơn cùng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức lễ ký kết ra mắt mô hình "Người dân cồn Sơn nói không với rác thải nhựa". Mô hình sẽ được triển khai lâu dài với các hoạt động nổi bật như: tổ chức hội thảo, tuyên truyền pháp luật liên quan đến vấn đề môi trường; hướng dẫn người dân quản lý, phân loại, tái chế rác thải nhựa; vận động khách du lịch giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa một lần và túi ni - lông khó phân hủy... Điểm nhấn của mô hình là ý tưởng nhặt chai nhựa lắp ráp thành các mô hình nổi độc đáo trên sông Hậu để tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho người dân và du khách đồng thời quảng bá du lịch địa phương.

Theo TTXVN
Bạn đang đọc bài viết "Cần Thơ: Tổ chức Hội thảo tham vấn các giải pháp vì sông Mê Kông không rác" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.