Dòng họ Đặng ở Kẻ Lại!

14/10/2021 14:09

Theo dõi trên

Gia phả họ Đặng ở Xuân Phúc cho biết: Họ Đặng là hậu duệ của tướng quân Đặng Tất và Đặng Dung sinh sống ở Can Lộc sau đó mới di cư sang vùng đất tổng Nam Hoa, sau đổi thành tổng Nam Kim, thuộc huyện Thanh Chương (nay thuộc huyện Nam Đàn).

artworks-000236619129-bkq3u9-t500x500-1634195163.jpg
Ảnh minh họa Internet

Kẻ Lại xưa

Làng Xuân Phúc, trước đây thuộc xã Nam Phúc, nay là xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Từ thế kỷ XVII, làng Xuân Phúc có tên gọi là Kẻ Lại, sau đó đổi thành làng Ngũ Hoa. Đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 gọi là xã Xuân Phúc, thuộc tổng Nam Kim.

Trước đây, làng Xuân Phúc có 3 giáp là Đông, Nam và Bắc; sau này gọi là 3 xóm Sau, Trửa và Dòi. Từ khi thành lập Hợp tác xã quy mô toàn xã (năm 1973) được lấy tên là xóm 1 xã Nam Phúc.

Gọi là Kẻ Lại, bởi xưa kia, Xuân Phúc phải qua nhiều lần di chuyển mới được làng ổn định. Lần đầu tiên làng đóng ở vùng Dơi, đây là nơi cao ráo gần đường lớn nhưng xa dòng nước, không tiện cho sinh hoạt nên nhân dân dời về phía Tây Nam cách vùng Dơi khoảng 1km gọi là xứ Bụp Bụp.

Xứ Bụp Bụp ở trên dải đất cao, phía Nam là Hói Nậy, phía Bắc là Trọt Năng, phía Tây là cánh đồng Trũng. Ở đây được một thời gian, nhân dân lại di chuyển làng lùi về phía Đông ở vùng Nền Nhà. Nhưng cũng được một thời gian, nhân dân lại chuyển đến địa điểm mới như làng Xuân Phúc ngày nay. Do di chuyển đi lại nhiều nơi nên nhân dân trong vùng gọi làng Xuân Phúc xưa là Kẻ Lại.

Ở vùng đất mới rất trù phú, có đồng phù sa, thủy sản phong phú. Nên trong nhân dân có câu “Đàng (đường) cày tay ló; Bụi cỏ giỏ Dam (cua)”, hay câu “Ai về Xuân Phúc mà coi; Hai nồi úp một hẳn hoi vô cùng”.

Trước kia làng ngoảnh mặt về hướng dãy núi Thiên Nhẫn - nơi được ví như hàng ngàn con ngựa đang chạy, có phong cảnh hữu tình. Các dòng họ có công khai khẩn nên vùng đất này là họ Đặng, họ Lê, họ Nguyễn, họ Trần…

Dòng dõi họ Đặng Hồng Lam

Theo Đặng tộc đại tông phả, cho biết tổ tiên xưa là người huyện Thiên Lộc, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Cụ thượng tổ khởi đầu từ triều Trần là Đặng Tảo. Cụ Đặng Tảo từng đỗ Thái học sinh (sau này gọi là Tiến sỹ), làm quan Thừa hiến, sau thăng Phó Đô Đốc thập nhị nội các tu soạn kinh điển, kiêm Đông các Đại học sỹ. Từ ông Đặng Tảo truyền đến ông Đặng Tất là đời thứ 8, ông Đặng Dung là đời thứ 9.

Ông Đặng Dung sinh được 4 người con trai là Đặng Nghi, Đặng Địch Quả, Đặng Di và Đặng Công Thiệp. Từ đây chia ra thành 4 chi, lập ra họ Đặng ở các vùng. Trong đó, ông Đặng Địch Quả sau khi cha là Đặng Dung lâm nạn, ông đã về huyện Thiên Lộc ở. Ông trở thành người khai sinh ra dòng họ Đặng ở đất Hồng Lam (Hà Tĩnh và Nghệ An) ngày nay. Ông Đặng Địch Quả sinh được hai người con là Đặng Đôn Phục và Đặng Ngụ Khánh. Ông Đặng Đôn Phục di cư về huyện Thanh Hà lập nghiệp, đậu Tiến sỹ khoa Canh Thìn, làm đến chức Hiến sát xứ Thanh Hóa. Còn ông Đặng Ngụ Khánh ở lại xã Tả Thiên Lộc lập nghiệp, thi đậu tam trường, làm quan đến chức Tổng binh sứ đồng tri đô tổng binh trấn quốc Đại tướng quân, đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, tước Thọ Lương Tử. Ông sinh được 7 người con trai là Đặng Ngụ Vinh, Đặng Ngụ Tịnh, Đặng Ngụ Thanh, Đặng Ngụ Chưởng, Đặng Ngụ Chủng, Đặng Văn Trung, Đặng Văn Cẩn và 2 người con gái. Các con trai của ông đều đỗ đạt và làm quan dưới các triều vua Lê và trở thành ông tổ của các chi phái họ Đặng ở vùng Hà Tĩnh và Nghệ An sau này, trong đó có dòng họ Đặng ở Xuân Phúc.

Gia phả họ Đặng ở Xuân Phúc cho biết: Họ Đặng là hậu duệ của tướng quân Đặng Tất và Đặng Dung sinh sống ở Can Lộc sau đó mới di cư sang vùng đất tổng Nam Hoa, sau đổi thành tổng Nam Kim, thuộc huyện Thanh Chương (nay thuộc huyện Nam Đàn).

Vị tổ đầu tiên của dòng họ Đặng ở Xuân Phúc là ông Đặng Danh Thao, truyền đến nay đã trải qua 17 đời. Là dòng họ có nhiều người học hành đỗ đạt mà tiêu biểu nhất đó là ông Đặng Ngọc Thiệu.

Quận công Đặng Ngọc Thiệu - Một nhân thần

Ông Đặng Ngọc Thiệu là đời thứ IV của dòng họ Đặng ở Xuân Phúc, là con của ông Đặng Văn Hóa, cháu của ông Đặng Văn Tín, chắt của ông Thập lý hầu Đặng Danh Thao.

Ông Đặng Ngọc Thiệu sinh vào thời Lê Trung Hưng, thuở nhỏ đã tỏ ra tư chất thông minh, được cha mẹ mời thầy về nhà dạy học, lớn lên thi đỗ làm quan. Ông là vị tướng có nhiều công lao trong việc đánh giặc bảo vệ đất nước nên được phong đến chức Tả Hiệu Điểm, tước Quận công. Theo quan chế thời Lê Trung Hưng, Tả Hiệu Điểm là chức quan võ, tòng chánh nhị phẩm.

Ông có 2 bà vợ là Hà Thị Lậm và Võ Thị Chúc nhưng chỉ sinh được một người con trai là Đặng Ông Dân. Ông mất ngày 23 tháng 7 (chưa rõ năm), mộ táng tại Đồng Cựa, đến nay lăng mộ ông vẫn còn.

Với công lao to lớn trong việc đánh giặc bảo vệ đất nước nên khi mất, ông được nhân dân lập đền thờ, các triều đại phong sắc là Thần. Hiện nay trong nhà thờ họ Đặng ở Xuân Phúc còn lữu giữ được 2 đạo sắc phong của nhà Nguyễn ban cho ông.

e50281929e70572e0e61-1634183525-1634195275.jpg
Sắc phong do vua Khải Định ban cho ông Đặng Ngọc Thiệu (bản phô tô, ảnh do ông Đặng Xuân Khánh cung cấp) 

Sắc phong thứ nhất ban vào năm Khải Định thứ 2, nguyên âm:

Sắc Nghệ An tỉnh, Nam Đàn huyện, Xuân Phúc thôn, Bắc giáp, phụng sự Chính thống Tả Hiệu Điểm, Phó Giang hầu, Quận công linh ứng chi Thần, nẫm trứ linh ứng, tứ lệnh phi thừa cảnh mệnh, miễn niệm thần hưu trước phong vi Dực Bảo Trung Hưng linh phù chi Thần. Chuẩn kỳ phụng sự, thứ cơ thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai. Khải Định nhị niên tam nguyệt thập bát nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc cho giáp Bắc, thôn Xuân Phúc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đang phụng thờ ngài Chính thống Tả Hiệu Điểm, Phó Giang hầu, Quận công là vị thần linh ứng, nhiều lần giúp nước giúp dân. Nay Trẫm nhận mệnh lớn của trời phong Dực Bảo Trung Hưng chi Thần. Cho phép được phụng thờ như cũ, ngõ hầu Thần phù hộ dân ta. Kính vậy. Khải Định năm thứ 2, tháng 3 ngày 18 (tức ngày 18/3/1917).

Sắc phong thứ hai, phiên âm:

Sắc Nghệ An tỉnh, Nam Đàn huyện, Xuân Phúc thôn, Bắc giáp. Tiền tòng phụng sự nguyên tặng Dực Bảo Trung Hưng linh phù Chính thống Tả Hiệu Điểm Phó Giang hầu, Quận công linh ứng tôn Thần, hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự. Tứ lệnh chính trị, Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật, trước gia tặng Đoan Túc tôn Thần, đặc chuẩn phụng sự, dũng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai. Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc cho giáp Bắc, thôn Xuân Phúc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An thờ phụng vị thần là Chính thống Tả Hiệu Điểm từng có công giúp nước, giúp dân đã được ban tặng là Dực Bảo Trung Hưng tôn Thần cho phụng thờ như cũ. Nay Trẫm nhận mệnh lớn của trời, nhân dịp tròn 40 tuổi đã ban bảo chiếu mở rộng ân trạch, lễ long trọng, tăng phẩm hàm, gia tặng Đoan Túc tôn Thần. Đặc chuẩn cho tiếp tục phụng sự, để ghi nhớ ngày lễ mừng của nước và tỏ rõ phép tắc thờ tự. Kính vậy. Khải Định năm thứ 9, tháng 7 ngày 25 (tức ngày 25/7/1924).

Ngoài hai sắc phong này, trong nhà thờ của dòng họ Đặng còn có 2 sắc phong khác, ban cho một vị là Việt Trạch hầu. Các sắc phong được bảo quản tốt nên còn nguyên vẹn.

Nhà thờ họ Đặng ở Xuân Phúc được xây dựng từ sớm, là nơi thờ tự các vị tiên tổ của dòng họ. Nhưng đây cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động cách mạng trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ.

Theo ông Đặng Quốc Khánh, thành viên của Hội đồng gia tộc họ Đặng ở Xuân Phúc cho biết: Trong thời kỳ 1930 - 1931, nhà thờ của dòng họ là nơi hội họp bí mật của các đảng viên trong Chi bộ Phố Tứ. Là nơi các cán bộ nông hội đỏ hội họp bàn công việc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhà thờ là nơi diễn ra các lớp bình dân học vụ.

Thiết nghĩ, với công lao của các vị tiên tổ họ Đặng ở Kẻ Lại xưa, Xuân Phúc nay, đặc biệt là của Quận công Đặng Ngọc Thiệu, khi sống là một vị quan thanh liêm, có công với nước, với dân, khi chết là một vị phúc thần linh ứng. Nhà thờ lại là nơi diễn ra nhiều hoạt động cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nên chăng các cơ quan chức năng cần xem xét, điều tra, nghiên cứu và xếp hạng di tích này./.

Hoàng Kiểm
Bạn đang đọc bài viết "Dòng họ Đặng ở Kẻ Lại!" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.