Đền Tam Tòa và Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (Kỳ cuối): Đừng lãng quên di tích

02/09/2021 09:59

Theo dõi trên

Mùi hương phảng phất trong gió lành, man mác một không gian tĩnh mịch uy nghiêm nhưng cũng không kém phần yên bình, thơ mộng. Có những giá trị tạo nên lịch sử, và được lịch sử lưu giữ, cất giấu sau những tích, câu chuyện được truyền từ đời này qua đời khác.

20210719-165859-1630513166.jpg

Mang trên mình một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ nhiều giá trị với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, đền Tam Tòa là nơi chốn để những ai đem lòng hoải cổ “khai quật” những bí mật còn ẩn tàng đâu đó giữa lòng di tích.

Trầm tích và văn hóa

Đền Tam Tòa là một minh chứng lịch sử quan trọng, gắn với công tích xây dựng trại Nhà Bà và tổ chức khai phá chiêu dân và lập nên 7 làng của Lý Nhật Quang. Những công lao của Ngài xưa kia đã tạo nên nhưng huyền thoại lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay.

Đền được xây dựng từ đời Lý do nhân dân địa phương lập nên để thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Lúc đầu quy mô đền còn đơn sơ, đến các triều đại Trần, Lê, Nguyễn đều cho tu sửa, tôn tạo, cho đến những năm trước cách mạng tháng 8 năm 1945, toàn bộ cảnh quan đền Tam Toà còn rất to đẹp.

Công trình có 7 nhà bao gồm: Thượng điện, Trung điện, Hạ điện, hai bên có 2 nhà Tả Vu, Hữu Vu, ở giữa có lầu Ca Vũ, phía trước cổng có Tam Quan, toàn bộ sân và đường đi vào Đền đều được lát gạch Bát Tràng. 

20210719-165842-1630513234.jpg
Tại đền, một số hiện vật đang bị hư hại khá nghiêm trọng

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đền Tam Toà, bị xâm hại nghiêm trọng, các công trình bị đổ nát, chỉ còn lại 1 tòa được địa phương đưa về sử dụng làm Hội quán, trường học, còn các công trình khác và cảnh quan đều bị phá hoại. 

Thực hiện theo Công văn số 400/CV-VH ngày 20 tháng 07 năm 1998 của Sở Văn hóa - Thông tin về việc tôn tạo di tích đền Tam Toà và sự chỉ đạo của lãnh đạo  huyện Nghi Lộc. UBND xã Nghi Công ra Quyết định số 02/QĐ-UB ngày 18/02/1998 về việc khôi phục di tích lịch sử đền Tam Toà. Nhân dân xã Nghi Công đã góp công, góp của đưa tòa hậu cung (trước làm trường học) về phục dựng trên vị trí cũ.

Các hiện vật, đồ tế khí của đền do nhân dân cất giữ cũng được thu thập và trả về cho đền Tam Toà. Trong số đó, nhiều hiện vật rất có giá trị như sắc phong, lư hương, mũ, long bào…

Năm 2010, đền được phục hồi thêm tòa bái đường và tu bổ lại sân vườn. Các dấu tích của các công trình khác vẫn còn dấu vết nền móng, các chân tảng và gạch, vôi vữa của các công trình xưa kia vẫn dược giữ gìn, bảo vệ để khi có điều kiện sẽ phục dựng lại. Đến năm 2012, đền được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. 

20210825-210926-1630513339.jpg
Sở Văn hóa và Thể thao, UBND huyện Nghi Lộc cần bảo tồn, tôn tạo và xây dựng những “thiếu thốn” đang hiện hữu tại đền Tam Tòa

Đừng lãng quên di tích?

Tôi lần tìm về Đền Tam Tòa một buổi chiều cuối hạ. Nắng chưa kịp ẩn mình sau lũy tre làng, vẫn còn vương trên trên mái đền đượm vết rêu phong. 

Men theo con đường làng quanh co, chạm vào những thớ bùn chưa kịp khô bởi cơn mưa rào mùa hạ. Chỉ hết đoạn đường này là tới đền Tam Tòa, nhưng… tại sao lâu thế?

Những ổ gà lấm lem bùn đất, từng vũng nước chằng chịt nối tiếp, vắt vẻo ngồi trên xe, leo cho được qua những chướng ngại vật này thật khó nhằn. 

Qua một con dốc nhỏ, đền Tam Tòa ngay trước mặt. 

Đền không to, không đồ sộ, không sơn son thiếp vàng… và rất neo người. Lọt thỏm giữa núi rừng Nghi Công Bắc, đền Tam Tòa hiu quạnh. 

Đền đang bị lãng quên? Nếu không vậy tại sao lại đem lại cho người đến cảm giác cô quạnh, hắt hiu như vậy. Tại đền, một số hiện vật đang bị hư hại khá nghiêm trọng. Công trình Hậu cung tuy được người dân chăm sóc thường xuyên nhưng vì trải qua quá trình lịch sử lâu dài, lại ở một vùng khí hậu khắc nghiệt nên hiện nay một số bộ phận của phần khung đang bị mối mọt, xuống cấp và cần có phương pháp xử lý kịp thời.

Nói vậy để biết rằng, dù là di tích lịch sử cấp tỉnh, nhưng Đền Tam Tòa vẫn chưa được đầu tư, quan tâm đúng với những giá trị, chí ít về mặt lịch sử mà đền mang lại. 

Trùng tu, tôn tạo kiến trúc đền không thôi thì chưa đủ mà một phần quan trọng khác là cần quan tâm đến việc phục hồi không gian văn hóa đền, khai thác các lễ hội tiêu biểu trở thành di sản phi vật thể. Qua đó, tập trung quảng bá, tạo sự liên kết thành chuỗi hệ thống đền, di tích văn hóa trong vùng để có thể giới thiệu với du khách khắp nơi, góp phần phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Có như vậy, đền mới thực sự được “hòa nhập” với cuộc sống hiện đại.

Sở Văn hóa và Thể thao, UBND huyện Nghi Lộc cần kịp thời có kế hoạch để bảo tồn, tôn tạo, xây dựng đền Tam Tòa. Để những giá trị xưa cũ không bị bào mòn theo thời gian, để ngôi đền Tam Tòa là điểm đến, là sợi chỉ đỏ xuyên xuốt, nối dài quá khứ với hiện tại, và để đền phát huy hơn nữa những giá trị vốn dĩ đã trường tồn. 

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Đền Tam Tòa và Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (Kỳ cuối): Đừng lãng quên di tích" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.