Đền Tam Tòa và Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (Kỳ II): “Công ở trong nước, đức ở trong dân”

29/08/2021 23:06

Theo dõi trên

Đền Tam Tòa đẹp bởi những nét chạm khắc đơn sơ, giản dị giữa núi rừng Nghi Công Bắc (Nghi Lộc). Nơi đây thanh tịnh, êm ái và sâu lắng. Không tự nhiên Đền Tam Tòa được xem là: “Một trong mười tám ngôi đền linh thiêng nhất ở Hoan Diễn/Triều Lý bốn trăm năm đến nay vẫn lừng danh ngôi đế”.

20210719-165712-1630247091.jpg
“Một trong mười tám ngôi đền linh thiêng nhất ở Hoan Diễn / Triều Lý bốn trăm năm đến nay vẫn lừng danh ngôi đế”.

“Công ở trong nước, đức ở trong dân”

Đâu nhất thiết phải liệt vào miệt u linh hay đất thần kinh mới đậm mạch nguồn văn vật; dẫu hôm nay đời sống người dân còn nặng sinh kế nơi thôn dã thuần hậu thì vẫn hiển hiện nếp sinh hoạt, ý thức gìn giữ những di sản văn hóa - tinh thần tiền nhân để lại.

Đền Tam Tòa sừng sững nơi chốn ấy, vững như bàn thạch và là điểm tựa tinh thần cho những ai đem lòng hoài cổ.

Thời bấy giờ vùng đất thuộc Nghi Công Bắc và Nghi Công Nam ngày nay còn rất rậm rạp, được bao bọc bởi dãy núi Đại Huệ, có rất nhiều lợi thế về mặt quân sự, nên đã được Uy Minh Vương Lý Nhật Quang chọn làm nơi xây dựng căn cứ đóng quân trại Nhà Bà để bảo vệ phía Đông Nam lỵ sở Bạch Đường qua đường Gia An và Truông Sỏi để bảo vệ Nghệ An. Từ căn cứ trại Nhà Bà có thể đưa quân ứng cứu nhanh cho vùng Cửa Lò, Cửa Hội, Cửa Vạn và bến cảng Xuân Giang, kho trại Vĩnh Phong (Vinh ngày nay). 

Để bảo vệ căn cứ thêm vững chắc, đồng thời cung cấp nhu cầu quân lương cho quân đội, Lý Nhật Quang đã chiêu dân, tổ chức khai hoang mở đất, lập ra 7 làng (gồm: Nguyệt Tỉnh, Đa Phúc, Lô Tường, Phương Lại, Kiều Mộc, Xuân Hòa, Truyền Thôn), Ngài không ngừng vỗ về nhân dân, dạy dân phát triển kinh tế để an cư lập nghiệp.

Theo thần tích ở đền Tam Toà và các câu chuyện có tính chất huyền thoại còn luu lại trong dân gian ở Nghi Công ngày nay kể rằng: Sau một lần ra trận, chống giặc Lao Qua, Ngài bị thương nặng, quan quân kéo về khu căn cứ núi Quả Sơn - tức Bạch Ngọc Đường, các ngả đường đang bị giặc chiếm giữ. Trên đường rút về Ngài đi qua căn cứ đóng quân Trại Nhà Bà rồi qua Truông Sỏi để về căn cứ Bạch Ngọc Đường. 

20210720-113056-1630247295.jpg
Đền Tam Tòa sừng sững nơi chốn ấy, vững như bàn thạch và là điểm tựa tinh thần cho những ai đem lòng hoài cổ

Trong lúc đang định hướng tìm đường rút quân thì Ngài trông thấy một Bà Lão bán nước một mình giữa núi rừng, trông rất hiền từ, đôn hậu như Bà Tiên. Nên Ngài liền dừng ngựa hỏi Bà Tiên đường về Bạch Đường có quân địch bao vây, phục kích không? Nếu không về Bạch Đường không thuận thì ở lại đây có được không? 

Bà Lão hiền từ nói: "Từ đây qua Bạch Đường không còn bao xa nữa, Ngài vẫn còn đủ sức để về đến núi Quả Sơn. Khi Ngài qua bãi Gia An tới chân Truông Sỏi (khu vực Tam Toà ngày nay) ở đó đất cũng tốt và rất đẹp. Song nếu Ngài còn đủ sức thì gắng vượt qua Truông Sỏi, Ngài sẽ về đến Quả Sơn là nơi linh địa, huyết thực muôn đời, có thể hoá thân ở xứ ấy" 

Theo lời Bà Lão, Ngài tiếp tục đi đến chân Truông Sỏi, Ngài quần ngựa 3 vòng, có 3 giọt máu rơi xuống đất. Ngài nói "Đây cũng là đất linh địa, nhưng tầm vóc không rộng lớn". Thấy sức còn đi được Ngài tiếp tục vượt Truông, khi về đến Quả Sơn thì băng hà và hiển thánh ở đó.

Từ đó, để tưởng nhớ công lao của Uy Minh Vương nhân dân đã lập đền thờ Ngài ngay trên vùng đất gắn với những công tích của Ngài và đồng thời lập miếu thờ Bà Lão bán nước gọi là miếu Nhà Bà (tuy nhiên ngôi miếu này qua thời gian đã bị mất, chỉ còn lại phế tích là bãi đất hoang, gần tràn Xá Lũ, đập Nghi Công). 

“Giọt máu Anh hùng sống mãi trong trời đất”

Đã có nhiều đạo sắc của các triều đại phong kiến đã ghi nhận công lao của Uy Minh Vương Tam Tòa và phong tặng Ngài đến bậc Thần cao nhất “Thượng đẳng Thần và Đại Vương”, để Thần bảo quốc, hộ dân, và giao cho hàng Tổng 7 làng thuộc 2 xã Hải Đô và Nguyệt Tỉnh cứ theo như trước cùng phụng thờ. Hiện, đền vẫn giữ được 1 tòa kiến trúc gốc, 3 long ngai hiệu bụt gốc và 4 đạo sắc của vua Tự Đức, vua Đồng Khánh, vua Thành Thái, vua Duy Tân phong thần cho Ngài. 

Đền Tam Tòa được xây dựng để thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, tuy nhiên nhân dân địa phương còn phối thờ 2 nhân vật Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương.

Đông Chinh Vương (có tên là Lực), Dực Thánh Vương đều là các hoàng tử con vua Lý Thái Tổ, là anh em ruột với Lý Nhật Quang. 

Vào năm Mậu Thìn (1028) vua Lý Thái Tổ băng hà, thái tử Phật Mã lên ngôi lấy hiệu là Lý Thái Tông. Không phục người lên kế vị ngai vàng, 2 vương đã cùng với Vũ Đúc Vương tổ chức làm loạn nhưng đã bị thất bại, cuộc nổi dậy của các vương vào năm 1028 được lịch sử ghi là “loạn ba vương”. 

Tuy nhiên, sau các vương đã nhận thấy việc làm của mình là trái với đạo trời nên đã quay về xin chịu tội. Thấy sự thành khẩn của các vương, vua Lý Thái Tông đã “tha tội cho Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương, lại cho khôi phục vương tước”. Sau khi Lý Nhật Quang vào làm tri châu Nghệ An, nhà vua đã sai 2 vương vào giúp việc dưới quyền của Lý Nhât Quang.

Trong quá trình vào Nghệ An, được làm việc dưới trướng của một người uy đức, Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương đã một lòng phò tá Lý Nhật Quang, những thành công của Uy Minh Vương trên các lĩnh vực tại vùng biên viễn đều có sự đóng góp công sức của 2 vương, hai vương vừa là 2 người anh vừa là hai hộ giá tin cẩn luôn sát cánh bên Lý Nhật Quang trong các cuộc chinh phạt phiến loạn, trong những lần mở đất, cùng Lý Nhật Quang đưa ra được những kế sách để ổn định, xây dựng, phát triển vùng đất phên dậu đầy khó khăn của Đại Việt thời bây giờ. 

Chính vì vậy, tuy lịch sử không nhắc đến nhiều nhưng công trạng của 2 vương đã thể hiện ở việc ở đâu có đền thờ Lý Nhật Quang thì ở đó phần nhiều có thờ 2 vương. 

Còn tiếp…

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Đền Tam Tòa và Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (Kỳ II): “Công ở trong nước, đức ở trong dân”" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.