Đền Trần Thương là một trong ba ngôi đền lớn của vùng châu thổ sông Hồng, nơi thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên- Mông thế kỷ XIII. Theo các già làng cho biết xã Nhân Đạo xưa gồm các thôn Đội Xuyên, Hoàng Xá, Khu Mật. Mảnh đất này ngày ấy lau sậy um tùm, xen kẽ là những gò cao, cư dân thưa thớt nhưng lại có vị trí giao thông hết sức thuận lợi, có thể vào sông Châu ra sông Hồng, ngược lên Thăng Long hoặc xuôi ra biển.
Trên đường đi đánh quân Nguyên, Trần Hưng Đạo thấy thế đất ở đây rất đẹp bèn đặt ở đây một kho lương lớn nhất, trong sáu kho lương thực để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên- Mông thế kỷ XIII. Bằng nhãn quan của nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc Trần Quốc Tuấn chọn nơi cất giữ lương thảo, khí giới với thế đất “hình nhân bát tướng” và thuận tiện cho việc chi viện từ tổng kho Thăng Long (do bà Nguyễn Thị Duyên ở làng Giảng Võ xưa coi giữ-được nhân dân tôn là Bà Chúa Kho).
Tam quan đền Trần Thương.
Sau khi chiến thắng trở về, người cắm sinh phần và lấy dân ở đây làm dân “tạo lệ” và từ đó xuất hiện thôn Trần Thương và các thôn khác như Đội Xuyên sau đó là thôn Hoàng Xá đến khu Mật. Từ lâu trong dân gian đã lưu truyền câu “sinh Kiếp Bạc- thác Trần Thương- quê hương Bảo Lộc”. Rõ ràng Hưng Đạo Đại Vương không mất ở đây, câu thác Trần Thương là nơi gửi gắm một phần mộ lúc còn sống tức “sinh phần”. nó giống với câu nói “sống gửi thác nhờ”.
Cùng với những ý nghĩa trên, đền Trần Thương đồng thời là nơi tưởng niệm tôn vinh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn- vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự, chính trị văn hóa lỗi lạc tiêu biểu của thế kỷ XIII.
Độc đáo kiến trúc văn hoá đền Trần Thương
Đền Trần Thương được xây dựng vào năm 1783, ngôi đền không chỉ mang trong mình những giá trị lịch sử lớn lao mà còn mang kiến trúc vô cùng độc đáo đậm nét cổ truyền dân tộc mà ít ngôi đền ở Hà Nam có được. Đền Trần Thương như tên đã ghi rõ (“Trần Thương”- kho lương của nhà Trần) được xây dựng trên một khu đất rộng nằm biệt lập ở phía đầu làng, trên nền cũ kho luong thực nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm luocj Nguyên Mông lần 2. Hẳn du khách sẽ thật ngạc nhiên và thú vị vì sự khác biệt của ngôi đền này so với những ngôi đền trong cả nước . Đó là đền Trần Thương có rất nhiều giếng và ao (năm cái giếng)- một ngôi đền gắn liền với sông nước. chính sự khác biệt ấy là nhân tố thu hút chí tò mò sự quan tâm của du khách thập phương về dự lễ hội.
Chính diện ngôi đền quay hướng Nam, trước mặt là dòng sông cổ người xưa vẫn gọi là sông Trần Thương. Sau lưng đền là một gò đất cao. Theo phong thủy đó là nơi hội tụ âm dương có tiền án, hậu chuẩn “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”. Ngôi đền thâm nghiêm cổ kính tọa lạc trên đất thiêng “hình nhân bát tướng” tức là hình người lạy, bái. Đền được thiết kế với lối kiến trúc bố cục chặt chẽ theo kiểu chữ Tam, gồm ba cung : đệ Nhất, đệ Nhị, đệ Tam.
Qua tam quan là con đường chính lát gạch đỏ rộng rãi đi vào đền. Hai bên đường trồng rất nhiều cây cổ thụ ngoài cùng là hai con kênh chạy dài theo đền. trước cột đồng trụ là hai cây giếng hai bên được kè đã xanh, qua hàng cột trụ bề thế là bức bình phong chính giữa là chữ Thọ, xung quanh là cảnh rồng chầu phượng múa.
Mặt bằng tổng thể đền Trần Thương.
Công trình chính của đền là tòa tiền đường 5 gian, tiếp đến là hai dãy nhà khách chạy dọc, giữa là cái giếng mà nhân dân gọi là hố khẩu, sau đó là tòa đệ nhị 5 gian và sau cùng là hậu cung 3 gian. Tòa tiền đường: phía trước gian giữa của tòa tiền đường có dựng một tòa cổ lâu 2 tầng giữa mái trên và mái dưới là bức đại tự “ phong vân trường hộ”, ở giữa đặt một đỉnh hương bằng đá có đôi nghê chầu. phía trên gian giữa có treo bức đại tự “văn đức võ công”. Nối với hai gian đầu hồi của tòa tiền đường lả hai dãy nhà khách chạy dọc nhìn ra giếng rùa, mỗi dãy 3 gian tạo thành hành lang nội từ tòa tiền đường vào tòa đệ nhị.
Tòa đệ nhị 5 gian xây bằng gạch cao hơn tòa tiền đường và nhà khách, lợp ngói ống cung đình đời Nguyễn, bờ nóc hai đầu hồi đắp hai con rồng lớn, phần giữa mái trên và mái dưới là các ô có đắp chữ Hán.
Tiếp theo là giếng nước ở giữa đền trước gian đệ nhị, đến gian đệ tam là hậu cung- nơi thờ tượng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Hai bên có tả vũ và hữu vũ nối đệ Tam và đệ Nhị trong tổng thể kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc, đậm nét kiến trúc thời Lý- Trần, như chùa Thầy (Hà Tây) được xây dựng thời Lý. Còn kết tụ văn hóa Lê- Nguyễn. trước cung đệ Tam có một cái giếng nuôi rùa.
Lễ hội đền Trần Thương thu hút đông đảo du khách.
Cuối cùng là phủ thờ Mẫu gồm 3 gian được nối từ đường của tòa đệ nhị xuôi về sau, lợp ngói ống bộ cửa bức bàn gồm 3 cửa được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. trên sàn thờ đặt ba cỗ long ngai, cỗ ngai giữa thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, hai cỗ ngai giữa hai bên thờ hai vị thị nữ là Quỳnh Anh và Quế Anh phu nhân.
Đền Trần Thương bề tế gồm ba cung với những hàng cột gỗ lim to, khoer, vững chắc, những bức chạm dầu xà, đầu bẩy thể hiện “cúc hoa long” tuyệt đẹp, biểu lộ tài hoa chạm khắc gỗ tuyệt vời của nghệ nhân xưa. Đồ thờ ở đây cũng thật phong phú, có nhiều hoành phi, câu đối, đại tự được treo bầy trang nghiêm. Trong cung đệ Tam có cỗ khảm lớn chạm khắc công phu nghệ nhân xưa đã dùng hết tài năng để thể hiện tượng chân dung Trần Hưng Đại. Pho tượng khá đẹp có tỷ lệ cân đối với vẻ mặt uy nghiêm của một đấng thần nhân “Đức Thánh TRần- Đức Thánh Cha” trầm tư vạch kế sách giữ nước.
Đó là toàn bộ không gian tổng quát của đền Trần Thương có sự kết hợp hài hòa giữa phong thủy hữu tình, trời mây sông nước.