Đình Hòa Ninh: Nơi hun đúc tinh hoa thợ Quảng Hòa

28/07/2017 17:24

Theo dõi trên

Nằm cách trung tâm thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình 4km phía Tây.Đình nằm trên một khu đất rộng, bằng phẳng ở trung tâm xã quảng Hòa với tổng diện tích là 1758 m2.

Đình Hòa Ninh được xây dựng vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Trải qua thời gian và chiến tranh, đình đã bị hư hỏng nhiều. Ngôi đình hiện nay, được nhân dân tu tạo lại năm 1976. Công trình kiến trúc này còn nguyên giữ nét thâm nghiêm, cổ kính, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ tinh hoa của người dân vùng đất Quảng Hòa.
 


Đôi trụ biểu với cặp nghê chầu phía trên tạo nét uy nghiêm cho ngôi đình

Theo dấu tích xưa…

Lần theo ghi chép của lịch sử, đình Hòa Ninh (thuộc làng Hòa Ninh xưa) được xây dựng từ năm 1936 với sự đóng góp không tiếc công sức của người dân địa phương. Thời phong kiến, đình vừa là "trạm giao liên của các binh đoàn phục vụ cho việc hành quân", vừa là nơi thờ cúng các vị anh hùng, các vị có công khai khẩn đất hoang lập nên làng mạc... Đình còn là biểu tượng cho truyền thống hiếu học, khoa bảng của ngôi làng trứ danh này.

Hiện nay, một trong những tài sản quý giá nhất của đình chính là 10 đạo sắc phong bằng chữ Hán do các triều vua phong tặng. Gắn bó với vùng đất Quảng Hòa ngót gần 100 năm, đình Hòa Ninh đã chứng kiến biết bao thăng trầm đổi thay của người dân nơi đây, đặc biệt trong giai đoạn kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, đình là nơi cất giấu vũ khí, tập trung lực lượng địa phương... 

Năm 1965, bom đạn giặc Mỹ khiến đình Hòa Ninh bị hư hỏng nặng. Nhưng, với sự quyết tâm của bà con, cùng sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền các cấp, năm 1976, Đình đã được tu sửa thành công và trở thành một "địa chỉ vàng" cho thế hệ đi sau nêu cao niềm tự hào, trách nhiệm đối với truyền thống vẻ vang của cha ông. Năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) đã xếp hạng đình Hòa Ninh là di tích lịch sử văn hóa.

Tinh hoa người thợ “làng”

Lần đầu đến với đình Hòa Ninh, khách thập phương hoàn toàn bị choáng ngợp bởi sự tài hoa của người thợ vùng quê Quảng Hòa. Trước hết, sự tinh tế thể hiện ở chính cổng đình. Cổng chính được xây bằng gạch, hai bên có hai cột trụ biểu cao với cấu tạo, thiết kế hài hòa về đường nét, tỉ mẩn về từng họa tiết và màu sắc. Bên cạnh các mảnh sành sứ được ốp thủ công là những đường cong được vẽ mềm mại, sắc sảo và thiêng nghiêm. Hai mặt Đông - Tây của thân trụ được kẻ vẽ, đắp nổi hình các con rồng bằng sành sứ rất tỉ mỉ và công phu với nhiều màu sắc, đường nét uốn lượn. Phần đỉnh trụ gây ấn tượng với thiết kế hình bậc thang bốn cấp, càng lên cao càng nhỏ dần, tựa như những bông hoa ghép lại với nhau thành một khối. Đặc biệt, trên cùng của đỉnh trụ là hai con nghê đứng quay đầu với tạo hình vừa cầu kỳ, hài hòa nhưng lại vừa rất uy nghiêm, vững chãi như "tượng trưng cho sức mạnh đoàn kết của người dân trên quê hương Hòa Ninh". Cùng với những phần khác như cổng phụ, dãy tường..., cổng đình Hòa Ninh là kiến trúc đặc trưng đậm nét của làng Việt cổ, không có sự lai tạp hay bị ảnh hưởng bởi văn hóa ngoại lai.

Đình gồm có 5 gian, 4 vài; có một cửa chính và 4 cửa phụ. Trước cửa chính có khắc chữ “Thọ” lồng trong mặt trăng và 3 chữ Hán đắp nổi: Phúc, Du, Đồng (muôn vàn tinh hoa của dân làng tụ họp ở đây). Đây là trung tâm thể hiện các họa tiết trang trí như: Long, Ly, Quy, Phượng, bát bửu, hoa lá... bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành, sứ. Đặc biệt ở cửa chính có khắc câu đối của ông Nguyễn Tiến Ích là cử nhân tặng:  

“Nhị khí lương năng phong vật dự tuỳ, sơn thủy hoán.
Bách niên hội điển họp tôn chung, dự trạch sơn hàm”.  
(Tài năng trời không cho mà có, phong cảnh tuỳ thuộc phối lại với nhau, sông núi hài hoà; trăm năm hội họp lại làm sao quên được).  
 


Chính điện đình Hòa Ninh

Mái đình Hòa Ninh được xây theo kiểu tứ giác, hai mái thượng trước và sau, hai mái hạ ở hai đầu hồi Đông và Tây. Ở giữa nóc đình là hình tượng lưỡng long chầu nguyệt. Nếu nhìn từ xa đình Hòa Ninh mang lại cảm giác choáng ngợp về sự bề thế kiến trúc, thì khi chiêm ngưỡng gần, du khách lại cảm nhận được sự tinh tế, hài hòa, gần gũi trong từng đường nét. Đặc biệt, theo tài liệu ghi chép lại, phần nội thất của đình chính là nơi thi thố của nhiều bậc nghệ nhân tài danh của làng. Riêng phần thực hiện bốn đầu vài phải qua sự tuyển chọn, cân nhắc rất kỹ càng. 

Ngoài thợ chính còn có sự tham gia của thợ cả, thợ chúng với năng lực, tay nghề cao và phải thực sự tài hoa để khắc được rồng bốn móng ở đầu cù và chạm bức sư tử để biểu hiện sự hùng cường của dân tộc Việt Nam. Đầu cù vài chính phải chạm được rồng mắt sâu, đen, cong lượn, mũi phồng, ria mép dài mềm mại. Nếu nhìn từ ngoài cù vài một, ta thấy mặt phải khắc chạm nhiều hình trúc, mặt trái hình sen hài hòa cân xứng; ở cù vài hai, mặt phải chạm các hình mai, mặt trái hình nai, cù vài ba, mặt phải hình hoa cúc, mặt trái hình sen; cù vài bốn, mặt phải hình trúc, mặt trái hình sen trúc. Đó là sự sắp xếp tài tình, linh hoạt với bố cục hợp lý, mang tính đăng đối truyền thống cao.

Với ngôi đình có tuổi đời gần trọn một thế kỷ này, vẻ đẹp kiến trúc và tinh hoa tài năng của người thợ hòa quyện với vai trò lịch sử nổi bật đã tạo nên một sức hấp dẫn khó cưỡng với những ai yêu, ham thích.

Trải qua biết bao thăng trầm, đình Hòa Ninh có lẽ vẫn cần được quan tâm nhiều hơn nữa để vẻ đẹp tiềm ẩn được quảng bá rộng rãi đến du khách gần xa, tránh lãng phí "một viên ngọc quý".

 
Phan Thu Hiền

Bạn đang đọc bài viết "Đình Hòa Ninh: Nơi hun đúc tinh hoa thợ Quảng Hòa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.