Đình Đỉnh Lữ: Di tích lịch sử cách mạng xuống cấp trầm trọng

28/07/2017 14:56

Theo dõi trên

Đình Đỉnh Lữ, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh là một di tích lịch sử cách mạng, nhưng thời gian qua cùng với bão lũ từ thiên nhiên gây ra, một số hạng mục của di tích này đang xuống cấp trầm trọng.



Đình Đỉnh Lữ nhìn từ ngoài...

Đình Đỉnh Lữ được xây dựng vào đầu thế kỷ 18 để thờ Nguyễn Xí - một vị tướng giỏi của Lê Lợi. Từ khi hoàn thành đến nay, Đình Đỉnh Lữ trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân. Các bậc cao niên trong làng cho biết, hằng năm cứ vào trung tuần tháng giêng và ngày 20/5 (âm lịch) nhân dân lại tổ chức tế lễ và các hoạt động văn hóa như đốt pháo, chơi cờ, hội vật…

Ngôi Đình gồm 12 công trình lớn nhỏ, phía trước Đình là một hồ Sen, có hai tượng voi nằm ở cửa, tiếp đến là cửa Tam Quan, trước cửa Tam Quan là tắc môn hình bán nguyệt có đề niên hiệu, ở giữa là ngôi Đình chính. Phía Tây là giếng nước và nhà kho dùng nấu cỗ, hai nhà vọng nằm hai bên đối diện hai trục Đình. Hai tượng quan văn và quan võ đứng hai bên được xây bằng đá. Giữa hai bức tượng theo hướng trục chính là nhà lồng luyện, cuối cùng là nhà thượng Điện và nhà dong.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Đình làng Đỉnh Lữ đã trở thành biểu tượng của truyền thống cách mạng oanh liệt, là niềm tự hào to lớn của nhân dân Can Lộc (Lộc Hà bây giờ). Ngày nay Đình trở thành nhà văn hóa của xã với những giá trị to lớn về lịch sử văn hóa năm 1988 Đình Đỉnh Lữ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cách mạng quốc gia.
 


Trong đền...





Rách nát và có nguy cơ đổ sập bất cứ một lúc nào

Tuy Đình được chứng nhận là di tích lịch sử cách mạng quốc gia nhưng gần đây, một số hạng mục của Đình đã bị xuống cấp trầm trọng do đã lâu không được tu sửa cùng với sự tàn phá của thiên nhiên, con người.

Phóng viên phuongnamplus.vn đến tại Đình Đỉnh Lữ, đây là một ngôi Đình có kiến trúc xưa, cổ kính nhưng với một số hạng mục đã bị xuống cấp, cảnh vật hoang tàn. Hiện tại, phần mái ngói của ngôi Đình chính đã xuống cấp nghiêm trọng, ngói thủng lỗ chỗ, mục nát, những chiếc cột Đình mối ăn mục nát, nhiều chiếc kèo mục có thể gãy bất cứ lúc nào. Các bức tường trong Đình rêu mọc phủ xanh từng khoảng trông khá nhếch nhác. Bên cạnh đó, phía trong sân Đình cỏ mọc um tùm, không ai dọn dẹp. Đi ra phía cổng, bức tường bao bọc Đình đã bị đổ sập do cơn bão số 2 vừa qua.

Người dân địa phương cho biết, mùa hè thì nắng chiếu vào các khe ngói thủng, ngày mưa bão nước dột vào bên trong Đình khiến cho đồ vật bên trong ẩm mốc và dần phai nét. Đặc biệt là tấm bằng di tích lịch sử đã bị mốc và tấm bia khắc bằng đá ngoài sân đã bị mờ nét.

Được biết, Đình Đỉnh Lữ từng được tôn tạo lại từ lâu, và chỉ mới trùng tu nhà Thượng Điện. Để ngôi Đình không bị mất đi bề dày lịch sử và kiến trúc cổ độc đáo, xứng tầm di tích lịch sử cấp quốc gia, chính quyền địa phương, các cơ qua chức năng cần sớm qua tâm kịp thời trùng tu, tôn tạo lại ngôi Đình.

Diệp Thuần

Bạn đang đọc bài viết "Đình Đỉnh Lữ: Di tích lịch sử cách mạng xuống cấp trầm trọng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.