Theo đó, Trung tâm GreenViet đã tổ chức 1 đợt điều tra thu thập thông tin thực tế về phân bố của loài Chà vá chân xám và đặc điểm sinh cảnh rừng tự nhiên tại các khu vực rừng có tiềm năng cao về phân bố của loài từ ngày 17/6/2022 đến ngày 23/6/2022.
Đoàn nghiên cứu đã khảo sát thực địa tại các tiểu khu 451, 456, 460, 461 - xã Ba Nam, tiểu khu 455 - xã Ba Xa, tiểu khu 452 - xã Ba Lế đã ghi nhận trực tiếp được 3 đàn Voọc Chà vá chân xám riêng biệt và ghi nhận gián tiếp 2 điểm có Voọc phân bố qua dấu vết thức ăn mới; đánh giá cao về sinh cảnh rừng tại khu vực này rất phù hợp với sinh cảnh sống đặc trưng của loài Vọoc Chà vá chân xám.
Đoàn nghiên cứu cũng đưa ra kiến nghị một số nguy cơ tác động đến sinh cảnh sống của loài Vọoc Chà vá chân xám trên địa bàn, làm ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học trong tự nhiên. Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Kiểm lâm) đã kịp thời chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với Trạm Quản lý bảo vệ rừng huyện Ba Tơ và chính quyền địa phương các xã trong vùng tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng, thường xuyên tuần tra, truy quét bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh trên địa bàn.
Từ thông tin người dân địa phương, các cán bộ làm công tác bảo vệ rừng và đặc biệt là sinh cảnh rừng Ba Tơ, Đoàn nghiên cứu nhận định còn nhiều khu vực khác có tiềm năng phân bố của Vọoc Chà vá chân xám nên đề xuất tiếp tục khảo sát thêm thực địa (dự kiến tháng 8/2022 và tháng 3/2023) thu thập đầy đủ thông tin hiện trạng và phân bố của quần thể loài Chà vá chân xám để có những chia sẻ khách quan trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương.
Chà Vá chân xám có tên khoa học là Pygathrix cinerea. Đây là loài đặc hữu của Việt Nam được xếp hạng bảo vệ ở mức cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới. Đặc biệt, trên thế giới Voọc Chà vá chân xám chỉ còn xuất hiện tại các khu rừng tự nhiên ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định của Việt Nam.
Với số lượng cá thể Voọc Chà vá chân xám trong tự nhiên còn khá ít, trong khi môi trường sinh sống thu hẹp và bị giết hại, Voọc Chà vá chân xám đang đứng trước nguy cơ xóa sổ nếu không được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản khẩn cấp về việc bảo tồn các loài linh trưởng nói chung và Voọc Chà vá chân xám nói riêng nhằm ngăn chặn những nguy cơ xâm hại đến loài linh trưởng này. Trong đó, Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 là một nỗ lực tích cực của Chính phủ nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao của các loài linh trưởng tại Việt Nam.
Tại Quảng Ngãi, với số lượng ít ỏi cá thể Voọc Chà vá chân xám còn lại tại các khu rừng tự nhiên thuộc huyện Ba Tơ, Trà Bồng và đang đúng trước nguy cơ bị săn bắn, bẫy, bắt rất cao.
Điển hình nhất vào tháng 10/2021, tại xã Ba Trang phát hiện 2 đối tượng dùng súng bắn chết 5 cá thể Voọc Chà vá chân xám được dư luận rất quan tâm và sau đó Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo tại Công văn số 7630/VPCP-NN ngày 20/10/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã có Công văn số 5616/UBND-NNTN ngày 22/10/2021 giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Mặc dù, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn Voọc Chà vá chân xám nói riêng. Tuy nhiên, sinh cảnh sống của loài này vẫn đang ngày càng bị thu hẹp do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là chúng ta chưa có khu rừng đặc dụng để bảo tồn các nguồn gen quý hiếm này trong khi mức độ đe dọa xâm hại ngày càng cao. Vì vậy, để bảo tồn, phát triển bền vững tính đa dạng sinh học và các nguồn gen quý hiếm hiện có tại địa phương thì cần phải thiết lập được một hành lang đa dạng sinh học đảm bảo các loài động thực vật, nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ, bảo tồn tối ưu nhất.