PGS.TS Bùi Văn Liêm, Viện Khảo cổ học, trong tham luận văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực đầm An Khê trong quá trình nghiên cứu và nhận thức về văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam, tại Hội nghị về vấn đề “Vai trò của đầm An Khê gắn với không gian văn hóa-sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ và đánh giá tác động dự án Nhà máy Điện mặt trời trên đầm An Khê, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi” diễn ra tại Quảng Ngãi vào ngày 1-7, đã chỉ ra vai trò đầm An khê.
Theo các nghiên cứu, những thông tin đầu tiên về phát hiện các mộ chum Sa Huỳnh được biết đến vào năm 1909 được công bố trong Tập Tin Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Đến năm 1934, M.Colani, nhà khảo cổ học người Pháp được Viễn Đông Bác Cổ phái đến Sa Huỳnh và bà đã khai quật các địa điểm Sa Huỳnh và Phú Khương, tại địa điểm Sa Huỳnh, bà đã miêu tả giống như địa điểm Long Thạnh hiện nay, đã phát hiện được 55 mộ chum và tại Phú Khương là 187 mộ chum.
Năm 1936, M. Colani cũng thông báo về những phát hiện dấu tích mộ chum, khuyên tai thủy tinh ba mấu, trong bài viết “Ghi chú về tiền sơ sử Quảng Bình” đăng trên tạp chí “Những người bạn Huế xưa”, bà lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “văn hóa Sa Huỳnh”.
Đầm An Khê có vai trò quan trọng, trước hết là đối với văn hóa Sa Huỳnh, bởi là nơi đã phát hiện các di tích Sa Huỳnh đầu tiên, quy mô lớn với hàng trăm chum mộ, số lượng chum được phát hiện trong cụm di tích này là lớn nhất trong văn hóa Sa Huỳnh.
Vai trò nổi bật của đầm An Khê là nguồn lợi thủy sản, đảm bảo thực phẩm cho người dân sống quanh đầm, là sinh kế của hơn 200 hộ dân thôn Phú Long, Diên Trường (Phổ Khánh) và Long Thạnh 1, Long Thạnh 2 (Phổ Thạnh) với các hoạt động như khai thác, nuôi trồng và thu mua thủy sản từ đầm. Đầm An Khê không chỉ có giá trị đối với cộng đồng cư dân hiện nay mà chắc cắn vào giai đoạn Kim khí, đầm An Khê cũng có vai trò quan trọng đối với cộng đồng dân cư thời đó và thu hút được các lớp cư dân đến sinh sống xung quanh lâu dài.
Di tích Long Thạnh, kết quả nghiên cứu năm 1978 đã phát hiện được những bằng chứng của nghề đánh bắt thủy sản được trong lớp cư trú và cả trong mộ táng, đó là một số chì lưới bằng đất có nung lỗ xỏ dây ngang thân hoặc buộc dây, các lưỡi câu được chế tác từ xương động vật, mũi lao (Chữ Văn Tần, Ngô Sỹ Hồng 1978).
Nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Hội Khảo cổ học Việt Nam trong tham luận “Đầm An Khê với không gian văn hóa Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi, những giá trị lịch sử văn hóa, hướng bảo tồn, phát huy”, còn cho thấy, ngoài các di tích văn hóa Sa Huỳnh, xung quanh đầm An Khê còn có dấu tích văn hóa Chămpa như bia Chăm ở thôn Thạnh Đức 1, các kiến trúc đường lát đá cổ bằng qua núi Bồ và trong Vũng Bàng, trên 10 giếng Chăm cổ xếp đá ong hình vuông, cùng phế tích đền miếu Chăm ở cửa biển Sa Huỳnh có niên đại từ thế kỷ I-II sCN và nảy sinh Nhà nước Chămpa vào khoảng thế kỷ VI sCN. Sau thế kỷ IV, vùng này xuất hiện thêm yếu tố Hán hay Nam Á và yếu tố biển của cư dân Đông Nam Á hải đảo.
Nơi đây còn có dấu tích văn hóa Đại Việt như cầu đá, giếng nước kè đá miệng tròn, đáy vuông và đền tháp thờ Mẫu của người Việt, trên cơ sở kiến trúc đền tháp của người Chăm trước đó. Những tư liệu này cần được khai quật, nghiên cứu và làm rõ dấu tích các quốc gia cổ đại Sa Huỳnh, Lâm Ấp, Chămpa trên đất Quảng Ngãi.
Các di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh tiêu biểu nhất của Việt Nam hiện nay là hệ thống các di tích Sa Huỳnh, Thạnh Đức, Phú Khương, Long Thạnh I và Long Thạnh II (Gò Ma Vương), phân bố xung quanh đầm nước ngọt An Khê và đầm nước mặn phía Nam đầm này với tổng diện tích 1.615ha, trong đó đầm An Khê là 347ha và đầm nước biển Sa Huỳnh gần 120ha. Đây chính là vùng lõi, vùng bảo vệ đặc biệt của di sản văn hóa Sa Huỳnh.
Với những giá trị và ý nghĩa văn hóa Sa Huỳnh, di tích Sa Huỳnh đã được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1977. Việc đặt các di tích văn hóa Sa Huỳnh trong một cảnh quan văn hóa rộng hơn, có sự gắn kết với đầm An Khê không chỉ giúp bảo tồn không gian văn hóa gắn liền với các cộng đồng cư dân từ thời tiền sơ sử đến nay mà còn tăng giá trị của di sản của văn hóa Sa Huỳnh trong việc nâng cao nhận thức của con người và mang lại lợi ích về kinh tế cho cộng đồng địa phương.