Di tích lịch sử Quốc gia có nguy cơ trở thành phế tích!?

14/08/2014 23:41

Theo dõi trên

Sau gần 20 năm, di tích lịch sử lèn Hai Vai (thuộc địa phận xã Diễn Bình, Diễn Châu, Nghệ An) được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Thế nhưng hiện nay, lèn Hai Vai đang bị xâm hại nghiêm trọng; người dân thì vô tư đổ rác thải dưới chân lèn, chính quyền thì phó mặc di tích này cho tự nhiên…

Di tích lịch sử Quốc gia

Từ ngã ba thị trấn Diễn Châu (huyện Diễn Châu), ngược phía Tây theo QL7A đường đi lên huyện Đô Lương chúng ta bắt gặp hai ngọn núi nối liền nhau sừng sững giữa những cánh đồng lúa xanh tốt bạt ngàn. Ngày xưa dân gian thương gọi hai ngọn núi này là lèn Hai Vai – một Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. 

Theo tìm hiểu, lèn Hai Vai là một khối đá tự nhiên khổng lồ có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Lèn gồm nhiều đỉnh, trong đó có đỉnh chính, ngọn lớn có tên là lèn Hai Vai (Lưỡng Kiên Sơn, hay lèn Dặm) và ngọn nhỏ (Hổ Lĩnh Sơn) nổi hẳn lên giữa cánh đồng mênh mông thuộc địa phận 3 xã: Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng.

Theo sử sách ghi lại, lèn Hai Vai được tạo nên sau cuộc chấn động trong lòng đất cách đây hơn 50 triệu năm. Qua bao thời gian, lèn Hai Vai mới có diện mạo ổn định như ngày nay. Từ năm 1964 các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở lèn nhiều bộ xương người hóa thạch, một số công cụ bằng đá và 7 bình gốm. Phát hiện này chứng tỏ lèn Hai Vai từng là địa bàn có người nguyên thủy sinh sống.

Trước đây lèn có rừng cây rậm rạp với nhiều chim muông, thú rừng. Mùa xuân khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi, muôn hoa khoe sắc. Trong cuốn du lịch Đông Dương của một tác giả người Pháp đã xếp lèn Hai Vai là danh thắng đẹp của miền Trung đất Việt. 

Lèn Hai Vai có nhiều hang động, phía trong các hang động không khí mát lạnh. Trong quần thể di tích lèn Hai Vai có hang Thắt Cổ, hang này nằm ở độ cao 30m so với mặt đất. Trong hang có nhiều tảng đá với hình thù kỳ dị. Đặc biệt có khối thanh nhũ mang hình người tựa lưng vào vách đá, phía trên cổ có vân đá nổi lên, vì vậy hang có tên là hang thắt cổ. Ở độ cao 15m so với mặt đất có hang Đa. Dưới đáy hang có một mạch nước mát không bao giờ cạn. Ngoài ra còn có nhiều hang nữa như hang Khản, hang cô Tú, đặc biệt là hang Gươm sâu thăm thẳm.

Ngay từ ngày xưa, ngư dân vùng biễn vịnh Diễn Châu xem Lèn Hai Vai là ngọn Hải Đăng để trở về sau mỗi chuyến ra khơi, Lèn Hai Vai đã tạo nên một nét văn hóa đặc trưng của vùng quê nơi đây.

Sau khi kết thúc chiến tranh vào cuối thập niên 70 và thập niên 80, đời sống khó khăn vất vả người dân của ba xã giáp ranh đã ra lèn khai thác khai thác đá để về xây dựng công trình một cách trái phép tạo nên Hòn Lèn dần đã bị trơ trọi. Hiện nay “vai” phía Đông của Di tích này gần như bị lệch hẳn, hàng năm đã không ít những tai nạn thương tâm bỏ mạng nơi này tạo cho không ít những gia đình rơi vào cảnh đau thương.

Với những chứng tích lịch sử, sự hùng vĩ trong cấu tạo tự nhiên, ngày 12/2/1994 Lèn Hai Vai được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận lèn Hai Vai là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc Gia đưa vào di tích được bảo tồn, gìn giữ. 

Có nguy cơ trở thành phế tích!?

Ngay sau khi lèn Hai Vai được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, lèn đã được chính quyền cũng như ngành văn hóa Nghệ An bảo tồn và gìn giữ. Bước đầu, mọi hoạt động khai thác đá ở lèn bị nghiêm cấm. Nhưng năm đầu người dân địa phương và chính quyền huyện Diễn Châu cũng đã có những kế hoạch bảo tồn như: tuyên truyền qua loa phóng thanh các xã nhằm nâng cao nhận thức cho người dân cùng chung tay bảo vệ, trồng cây Tràm trên bến đá để phủ xanh lại vẻ nguyên sinh, thuê người bảo vệ đào hố ngăn chặn không cho các loại xe vào khai thác đất đá theo địa phận khu vực của từng xã.

Tuy nhiên, đã gần 20 năm trôi qua kể từ khi lèn Hai Vai được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc Gia việc bảo tồn di tích đang dần bị quên lãng. Thời gian gần đây phía thân lèn thuộc địa phận xã Diễn Bình người dân đã tự mở một con đường nối từ đường 7 đi sát chân lèn với chiều dài khoảng 200m đi sang xã Diễn Nguyên. Những khối đá còn dư âm ngày xưa còn sót lại nằm ở lưng chừng lèn sẻ là mối đe dọa người dân đi qua đường nhất là mùa mưa gió. 

Đặc biệt, khi chúng tôi quan sát dưới chân lèn Hai Vai, thấy cảnh tượng vô cùng ô nhiễm và nhếc nhác. Bởi xung quanh chân len là bãi chứa rác thải của người dân. “Lèn Hai Vai hiên nay ô nhiễm lắm các chú, có được chính quyền địa phương quan tâm nhắc nhở đâu, người dân cứ vô tư đến đây đổ rác thải làm cảnh quan khu di tích ngày một hoang tàn”, một người dân xã Diễn Bình chua xót cho biết.

Thật xót xa cho một Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia qua thời gian đã khiến cho người dân gần như quên lãng. Lối đi vào Lèn Hai Vai Không có một biển báo, hay biển cấm nào của cơ quan chức năng để có những thông báo hay những quy định cho người dân hiểu nơi đây là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia lèn Hai Vai.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng liên quan cần có trách nhiệm có biện pháp kết hợp với UBND xã Diễn Bình giải quyết sớm để Lèn Hai Vai đúng với tên gọi di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia.

Thế Thắng
Bạn đang đọc bài viết "Di tích lịch sử Quốc gia có nguy cơ trở thành phế tích!?" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.