Thưa các đồng chí và các bạn!
Tôi rất vui mừng được trở về Bình Định tham dự hội thảo “Báo chí với di sản văn hóa dân tộc”. Tôi hoan nghênh tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc VNN tổ chức cuộc hội thảo quan trọng và đúng lúc này. Tôi cũng rất hoan nghênh sự ủng hộ, hưởng ứng đầy trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nám, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, của nhiều cơ quan văn hóa và báo chí trong nước đối với Hội thảo. Tôi xin chúc các vị đại biểu sức khỏe, đóng góp tốt nhất cho hội thảo và chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.
Sau đây, tôi xin đóng góp một số ý kiến xung quang chủ đề Hội thảo.
Trước hết, tôi xin được bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với quê hương Bình Định, mảnh đất địa linh nhân kiệt, thượng võ tôn văn, nơi sản sinh, quy tụ nhân tài mọi thời, một cái nôi lớn của văn hóa dân tộc.
Nói đến Bình Định là chúng ta tự hào nói đến vị vua áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn ở nửa cuối thế kỷ 18, phong trào đã tạo nên một trong những thời đại vẻ vang nhất lịch sử dân tộc với chiến công vĩ đại quét sạch 29 vạn quân Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi, chấm dứt cuồng vọng xâm lược nước ta của phong kiến Trung Quốc, tạo tiền đề hình thành một nước Việt Nam độc lập, thống nhất từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau. Những năm 1909-1910 đầu thế kỷ 20, Bình Định lại là nơi lưu dấu một biến cố lớn lao thời tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh kinh yêu. Đó là khi cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc về đây giữ chức tri huyện Bình Khê và Nguyễn Tất Thành quyết định rời bỏ trường Quốc học Huế theo cha và được cha gửi vào gia đình nhà giáo Phạm Ngọc Thọ, cha của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, tại thành phố Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp. Tại Bình Định, vì bảo vệ dân lành, trừng trị cường hào, cụ Sắc đã bị triều đình nhà Nguyễn cách chức, đưa về kinh đô trị tội còn Nguyễn Tất Thành theo lời khuyên của cha, gạt nước mắt đi về phương Nam, tiếp tục khát vọng xuất dương tìm đường cứu nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bình Định là một địa phương trung dũng kiên cường, từng là thủ phủ của Liên khu 5, với nhiều chiến công lừng vang ở đường 19, An Lão, Đèo Nhông, Hoài Nhơn, nơi sinh ra Sư đoàn 3 Sao Vàng, một đơn vị xuất sắc của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Nói đến Bình Định là chúng ta tự hào nói đến một vùng quê văn hóa trù phú hiếm có, trung tâm hình thành, phát triển, lan tỏa võ thuật cổ truyền, nghệ thuật tuồng và bài chòi, các báu vật của văn hóa truyền thống dân tộc. Điều thú vị là võ thuật cô truyền ở Bình Định luôn đi đôi với võ kinh, võ đạo để hướng hoạt động võ thuật vào những mục đích lương thiện, nhân ái. Bình Định có hai nhà hoạt động sân khấu lớn nhất đất nước với các tác phẩm mang tầm vóc nhân loại là Nguyễn Diêu và Đào Tấn, trong đó Đào Tấn đã được vinh danh là hậu tổ của nghệ thuật tuồng. Đây cùng là nơi sinh ra một trường thơ độc đáo trong phong trào Thơ Mới với các nhà thơ lỗi lạc như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Bích Khê, Yến Lan…Bình Định là nơi còn giữ nguyên vẹn nhiều di tích kiến trúc và điêu khắc kỳ thú và bí ẩn của dân tộc Chăm, một dân tộc tài hoa trong đại gia đình 54 dân tộc anh em của đất nước ta…
Bình Định là nơi rất giàu truyền thống anh hùng và văn hiến, cũng tức là nơi rất giàu di sản văn hóa dân tộc. Tất nhiên, trên đất nước bốn nghìn năm lịch sử như nước ta, không ít địa phương cũng giàu truyền thống anh hùng và văn hiến, giàu di sản văn hóa dân tộc như Bình Định. Điều đáng nói ở đây còn là việc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định rất có ý thức và có nhiều chương trình, hoạt động sáng tạo, phong phú, liên tục, bền bỉ, bảo vệ, nghiên cứu, bảo tồn, tôn vinh, phát huy các di sản đó. Trong nhiều năm, Bình Định luôn được coi là miền đất hứa của văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc và là địa phương đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Tuy chưa phải là tỉnh giàu về kinh tế, nhưng Bình Định luôn dành một số kinh phí đáng kể cho việc nghiên cứu, phục hồi, tôn tạo, quảng bá các di sản văn hóa dân tộc. Qua Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và tạp chí Văn hiến Việt Nam, tôi được biết rất nhiều hội thảo khoa học lớn về Quang Trung – Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn, về các nghĩa sĩ Cần Vương chống Pháp, về giai đoạn Nguyễn Tất Thành ở Bình Định, về các danh nhân Đào Tấn, Nguyễn Diêu, Lê Đại Cang, về nghệ thuật tuồng và bài chòi, các liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam liên tục được tổ chức, nhiều bộ sách giá trị về truyền thống của Bình Định đã được xuất bản. Bảo tàng Quang Trung được mở rộng kết nối với Đàn tế trời đất Tây Sơn vừa được xây dựng tạo thành một khu di tích lịch sử vào loại bề thế nhất cả nước. Từ đường Bùi Thị Xuân cũng được tôn tạo khang trang. Khu di tích huyện đường Bình Khê, nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc trị nhậm năm xưa đã bắt đầu được phục hồi, tượng đài cha con Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành tại TP Quy Nhơn đã được khởi động. Một số khu di tích thời chống Pháp chống Mỹ ở An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Núi Bà…đã được hoàn thành hoặc đang gấp rút xây dựng…
Tôi tin rằng hội thảo “Báo chí với di sản văn hóa dân tộc” được tổ chức tại Bình Định là rất “đắc địa”. Bởi tại đây, chúng ta sẽ bàn luận vấn đề trên cơ sở thực tế phong phú sinh động của một địa phương tiêu biểu, được trực tiếp tiếp xúc với các vẻ đẹp phong phú hấp dẫn của các di sản văn hóa dân tộc cũng như nguy cơ mai một, thất truyền của chúng, được trực tiếp chứng kiến những kết quả lạc quan cũng như những thách thức, bất cập nan giải trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, để ý thức rõ hơn những thành tựu, đóng góp cũng như những yếu kém, hạn chế của báo chí đối với công tác quan trọng này.
Nghị quyết trung ương 5 (khóa VIII) đã nhận định: “Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá”, và yêu cầu toàn Đảng toàn dân, các nghành, các cấp, các địa phương: “Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống (bác học và dân gian), văn hoá cách mạng, bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại”.
Trong tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết trung ương 5 (khóa VIII), nghị quyết trung ương 9 (khóa XI) cho rẳng trong 15 năm qua tuy “nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy” nhưng “việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn”. Từ đó, trong chiến lược “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” nghị quyết tiếp tục đề ra một nhiệm vụ lớn: “Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.... Khuyến khích nhân dân sáng tạo, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc”.
Tôi nhắc lại một số luận điểm đáng chú ý trong hai nghị quyết quan trọng nhất của trung ương Đảng ta về văn hóa trong thời kỳ đổi mới để khẳng định rằng lãnh đạo Đảng và nhà nước ta luôn coi truyền thống văn hóa dân tộc là yếu tố “đã góp phần quyết định vào những thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội” (NQ5) và là “nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước” (NQ 9) nên luôn nhấn mạnh vị trí đặc biệt của công tác bảo tồn phát huy giá trị của các di sản văn hóa dân tộc trong đổi mới phát triển, giao lưu hội nhập. Tư tưởng đúng đắn này đã đi sâu vào cuộc sống, phát huy tác dụng, góp phần tạo nên những thành tựu đáng kể trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc tại các địa phương, các nghành các cấp.
Thời gian qua, báo chí dã đóng vai trò quan trọng trong các thành tựu này khi nhiều cơ quan báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử đã tích cực phổ biến sâu rộng các nghị quyết của Đảng, chính sách của nhà nước, thường xuyên liên tục kịp thời quảng bá giá trị các di sản, phát hiện, ủng hộ, cổ vũ mạnh mẽ những việc làm đúng, những tấm gương tốt đồng thời chỉ trích phê phán gay gắt những nhận thức lệch lạc, những hiện tượng tiêu cực, góp phần huy động các nguồn lực to lớn của xã hội trong công tác bảo vệ, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Tuy vậy, có thể thấy dung lượng và thời lượng dành cho di sản văn hóa dân tộc ở không ít cơ quan báo chí còn quá khiêm tốn, qua loa, chiếu lệ, nhận thức, kiến thức của không ít nhà báo về lĩnh vực này còn rất nông cạn, phiến diện nên việc biểu dương cũng như phê phán đều rất hời hợt, công thức, ít hiệu quả, tính chiến đấu chưa cao, một số tờ báo vì chạy theo thương mại mà quên đi trách nhiệm đối với công tác khó khăn phức tạp, đầy giông bão này.
Tôi mong muốn di sản văn hóa dân tộc có vị trí, dung lượng, thời lượng, chiều sâu, sự trân trọng xứng đáng với cách thể hiện sinh động hấp dẫn hơn nữa trên các cơ quan báo chí đất nước. Để đất nước ta mãi mãi là quốc gia văn hiến, dân tộc ta mãi mãi là dân tộc văn hóa, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc phải là công tác của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội, trong đó có đội ngũ báo chí là lực lượng đặc biệt quan trọng. Tôi tin rằng báó chí Việt Nam hiểu rõ trách nhiệm to lớn và sứ mệnh quang vinh của mình đối với di sản văn hóa dân tộc, tài sản vô giá của đất nước trong sự nghiệp đổi mới phát triển, giao lưu hội nhập.
Tôi xin kết thúc bài phát biểu của mình bằng niềm tin mãnh liệt này.
Xin trân trọng cám ơn!