Thanh long đao
Đến với khu tưởng niệm các vua nhà Mạc du khách thập phương không chỉ trầm trồ trước vẻ đẹp cổ kính nơi Thái miếu thâm nghiêm nơi đặt linh vị Hoàng đế Mạc Đăng Dung. Ít ai biết rằng gian cuối của Thái miếu hiện đang lưu giữ một bảo vật có một không hai, đó là thanh đại long đao trên 500 năm tuổi của Mạc Đăng Dung.
Theo ghi chép của nhà sử học Lê Xuân Quang, đại long đao này đúng là của Mạc Đăng Dung. Ông cũng là người đầu tiên tiến hành cân đo, đong đếm rất tỉ mẩn thanh long đao này. Theo đó, thanh long đao của Mạc Thái Tổ dài 2,55m nặng 25,6kg (sau khi đã gõ hết han rỉ. Theo phán đoán, nếu chưa han rỉ, thanh long đao có thể nặng đến 30kg) trong đó lưỡi đao dài 0,95m, cán dài 1,6m. Cán đao làm bằng sắt rỗng, được chốt chặt với lưỡi đao là con cá chốt bằng đồng thau. Đây là thanh long đao vô cùng quý giá.
Khung cảnh ở Dương Kinh
Ông Ngô Minh Khiêm – Trưởng ban Quản lý di tích khu tưởng niệm các Vua nhà Mạc tự hào cho biết: “Hiện cả châu Á chỉ còn 2 binh khí được lưu thờ là vật thái bảo, gồm thanh long đao của Tống Thái Tổ nhà Bắc Tống và thanh long đao của Mạc Thái Tổ, đang được lưu giữ ở đây. Thanh long đao vô giá như vậy nhưng ít ai biết rằng để lưu giữ đến ngày hôm nay nó đã trải qua một cuộc lưu lạc trầm luân trong mấy trăm năm, cùng với sự thăng trầm của nhà Mạc”. Khi Mạc Thái Tổ băng hà, thanh long đao được thờ tại Thái Miếu ở Dương Kinh ( gần điện Hưng Quốc ), sau được đem về thờ ở Sơn Lăng, Cổ Trai ( Kiến Thụy, Hải Phòng). Năm 1592, nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long. Lúc ấy, thân vương Mạc Đăng Thuận là người coi giữ Sơn lăng ở Cổ Trai. Trước ngày Trịnh Tùng đem quân phá hủy cung điện ở đây, Mạc Đăng Thuận đã cho hóa trang phần mộ của tổ tiên, họ tộc rồi đem 500 quân bản bộ ra vùng Đồ Sơn, thuộc quận Đồ Sơn ngày nay để ẩn náu nghe ngóng tình hình. Khi nhận được tin Thăng Long thất thủ, Thân vương cho rằng đại cục không cứu vãn được đành tìm kế đưa thân nhân và thuộc hạ mai danh ẩn tích. Ông giả làm lái buôn mang theo thanh đại long đao của thái tổ Mạc Đăng Dung, giong thuyền xuống phía Nam, về đất Kiên Lao (nay là Xuân Trường, Nam Định) định cư. Tuân theo mật ước của gia tộc “khử túc bất khử thủ” (bỏ chân chứ không bỏ đầu) Mạc Đăng Thuận đổi họ thành họ Phạm, giữ bộ thảo đầu của chữ “Mạc” để con cháu các đời sau ghi nhớ nguồn cội, có tín hiệu nhận nhau. Trải qua 4 đời ở đất Kiên Lao, dòng họ Phạm gốc Mạc có sự phân chia. Thanh long đao về làng Ngọc Tỉnh đến nay tròn 418 năm. Để bảo vệ “quốc bảo” này của tổ tiên, dòng họ Phạm gốc Mạc đã trải qua biết bao thăng trầm.
Theo gia phả của dòng họ, thời vua Lê Dụ Tông, hai người con trai của ông Phạm Công Úc là Phạm Công Dục và Phạm Công Dắt lên kinh đô thi võ. Hai ông đã xin vua cha cho phép làm lễ trước thanh long đao của Mạc Thái Tổ, cầu xin anh linh tiên đế và linh khí bảo đao phù trợ. Khoa thi ấy, cả hai ông đều đỗ quan võ, được triều đình tuyển dụng. Từ bấy, linh ứng bảo đao của Mạc Thái Tổ độ trì cho con cháu hậu duệ nhiều đời sau đỗ đạt.
Toàn cảnh Dương Kinh nhà Mạc.
Triều vua Minh Mệnh năm 1821, Phan Bá Vành khởi binh, chống lại triều đình, muốn dùng long đao của Mạc Thái Tổ làm linh khí trên chiến địa. Họ Phạm ở Ngọc Tỉnh đã kịp thời chôn giấu long đao, không để mất long đao của tiên đế, nhiều năm trải qua dấu tích nơi chôn giấu không còn, long đao thất lạc. Theo truyền thuyết, thời đó gò đất phía Nam từ đường họ Phạm làng Ngọc Tỉnh bỗng nhiên “phát hỏa” lửa tự nhiên bốc cháy, phút chốc lại tắt nhiều lần, lửa bốc lên cháy cả vào rơm rạ của dân làng. Vì thế, dân trong vùng gọi gò đất này là “gò con hỏa”. Đến năm 1938 khi con cháu có điều kiện tu sửa từ đường đào hồ bán nguyệt trong quá trình đào hồ bán nguyệt đã tìm lại được thanh bảo đao và cũng từ ngày đó "gò con hỏa" không còn hiện tượng kỳ lạ đó nữa.
Ngày 15 tháng 8 âm lịch năm 2010 thể theo nguyện vọng của các chi họ Mạc, gốc Mạc trên toàn quốc, thanh Định nam đao đã được nghinh rước từ Từ đường họ Phạm gốc Mạc ở tỉnh Nam Định về thờ tại Thái miếu.
Bên cạnh đó, du khách còn được ngắm nhìn bức ảnh Ngũ Long hồi triều đây chính là 5 áng mây màu vàng uốn mình thành hình ông rồng chầu về chính điện. Hay được chụp ảnh bên Đại Hồng Chung mà ban đầu khi đúc chuông chỉ nặng 1500kg nhưng sau khi hoàn thành xong quả chuông thì lại lên đến 1527kg trùng khớp với đúng năm đức Thái Tổ đăng quang lên ngôi năm 1527. Hay được xem hũ chum tiền cổ được tìm thấy khi đào móng xây nhà Chính điện của nơi đây.