Đền Đức Hoàng cổ kính, thâm nghiêm bên bờ Linh Đàm Diệu Ốc

21/12/2016 15:11

Theo dõi trên

Là một huyện có vị trí địa lý trung tâm của tỉnh Nghệ An, địa hình Yên Thành với vòng cung Bắc Tây Nam đều là núi, những con sông nhỏ đều dồn về đồng bằng ở trung tâm, có thể coi đây là thế đất tụ khí, vì thế mà mảnh đất nhỏ này sản sinh ra nhiều học sỹ như Bạch Liêu, Phan Đăng Lưu, Phan Thúc Trực, Lê Doãn Nhã… Cũng coi là một vùng linh địa nhân kiệt. Sự linh thiêng của mảnh đất càng rõ ràng khi những ngôi đền nơi đây bốn mùa nghi ngút khói hương mà nổi bật là đền Đức Hoàng gần xa biết tiếng.

Nét đẹp văn hóa lịch sử

Hướng nhìn ra Linh Đàm Diệu Ốc có thế tụ thủy, lưng dựa vào gò đất cao rêu phong vững chãi, Đền Hoàng hay đền Đức Hoàng, có lịch sử hơn năm trăm năm, nổi lên như một linh địa số một huyện Yên Thành cũng như đứng đầu tỉnh Nghệ An.

Theo thần phả thì đền thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, là một tướng thao lược góp công đánh dẹp quân Nguyên xâm lựơc thời đại nhà Trần. Ông vừa có tài an bang của một võ tướng lại có tài trị quốc an dân của một văn quan.




Đền Đức Hoàng vẫn giữ nét đẹp cổ kính, thâm nghiêm - Ảnh: P.V


Vì có công khai đất lập làng một dải miền Trung cùng nhiều công trạng mà khi mất thì ông được vua Trần truy phong lên tước Vương và rất nhiều nơi lập đền thờ, rất nhiều làng xưng làm thành hoàng. Trong số đó thì đền Đức Hoàng ở Phúc Thành Yên Thành nổi tiếng linh thiêng nhất (không nhầm với các đền Hoàng khác ở Đô Lương hay Hưng Nguyên của Nghệ An).

Đền được xây dựng trên gò đất cao với ba tòa hạ, trung và thượng điện, được phối thờ với một số vị thần khác nữa.
 
Theo ông Nguyễn Bá Quang, một nhà nghiên cứu Hán Nôm đã từng tham gia cuộc khảo sát các đền trong vùng năm 1974 thì đền lúc đó khá vắng, đầm diệu ốc mang một vẻ huyền bí và khu rừng phía sau, nơi ngày nay đang nằm trong quần thể bảo tồn khu dích tích đền Hoàng lúc bấy giờ có một nét hoang vu, bí ẩn và linh thiêng kỳ lạ, khu vực này đã sớm được người dân trong vùng bảo tồn theo hình thức tự phát, cùng với nét cổ kính trầm mặc của ba tòa điện khiến người ta có cảm giác linh khí tỏa ra, tràn ngập và gây một sức ép nặng lên lồng ngực.

Mặc dù đã qua nhiều lần tôn tạo, thế nhưng đền vẫn giữ được nét nguyên sơ cổ kính, những chi tiết kiến trúc cổ như sơn son thiếp vàng, hương án, mái đền hay rồng phượng. Tất cả vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn và in đậm dấu vết thời gian qua những vết nứt, chòm rêu. Đưa lại cho ngôi đền nhiều giá trị văn hóa, lịch sử kiến trúc và nghệ thuật.

Cùng với hệ thống di sản vật chất tâm linh của huyện, ngôi đền đã góp phần tạo nên cho cư dân trong vùng một đời sống văn hóa giàu có và lành mạnh. Xây dựng cho tín khách nếp nghĩ uống nước nhớ nguồn, tinh thần hy sinh vì nghĩa lớn, lại dưỡng cho người ta có niềm tin, động lực phấn đấu với mong muốn một ngày mình cũng được người đời kính nể, tôn thờ.

Linh thiêng lễ hội đền Đức Hoàng

Bây giờ mới tháng mười một âm lịch và khai hội đền ở cuối tháng giêng, thế nhưng đến đây chúng ta sẽ được thấy cảnh chuẩn bị của người dân trong vùng để đón khách đã có phần vội vã. Người ta đã đắp lại những chỗ sạt xung quanh đầm, nề lại những bãi gửi xe hay đắp mới những bãi rộng hơn, ngay trước đền là một xóm đạo nhưng cư dân vẫn hòa vào sự rộn ràng sự chuẩn bị cho những ngày linh thiêng văn hiến.




Đền Đức Hoàng bốn mùa ngi ngút khói hương - Ảnh: P.V

Trao đổi với phóng viên Phương Nam Plus, ông Nguyễn Văn Đệ - Bí thư Huyện ủy huyện Yên Thành cho biết: “Vấn đề tâm linh là một trong những vấn đề then chốt trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của huyện. Phát huy, đẩy mạnh hình thức du lịch tâm linh để tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế nhưng phải định hướng, kiểm tra thường xuyên để tránh tình trạng buôn thần bán thánh, huyện đã lập ra ban quản lý các di tích, lễ hội và trước các hội lớn như hội đền Hoàng thì thường vụ huyện luôn có văn bản chỉ đạo và đốc thúc sát sao.

Lễ hội đền Hoàng khai mạc vào ngày 1/2 âm lịch hằng năm. Về với Lễ hội đền Đức Hoàng du khách như được hòa vào không gian sinh thái xanh mát của rất nhiều các loại cây cổ thụ, đứng trước ban thờ thắp nén hương thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng.

Điểm nhấn của lễ hội là phần lễ rước thần linh vi hành quanh hồ Diệu Ốc, cả một vùng trời rợp cờ lọng, trống chiêng, theo sau là những dòng người đủ mọi lứa tuổi.

Kiệu rồng rước bài vị của 14 dòng họ đại tôn trong vùng hòa mình tiến bước cùng kiệu thần Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn và các linh thần khác thờ tự tại đền Đức Hoàng vào hội. Sau lễ rước thần linh là lễ tân và đại tế, sự bài bản trong lễ tế thần linh tại đền đã góp phần làm cho Lễ hội đền Đức Hoàng đậm chất linh thiêng, truyền thống của vùng quê xứ Nghệ.

 
Ngoài phần lễ trang nghiêm thành kính, bảo tồn gìn giữ nét đẹp trong tế lễ, phần hội với các hoạt động phong phú tại khu vực di tích như: Chung kết giải bóng chuyền nam huyện Yên Thành, giao lưu bóng chuyền nữ các đội mạnh trong huyện; đấu vật truyền thống, đẩy gậy, kéo co; thi trống tế giữa các dòng họ; thi đua thuyền; liên hoan văn nghệ các làng văn hóa; liên hoan câu lạc bộ dân ca các xã trong huyện; hội thi thanh niên thanh lịch và hội thả hoa đăng.

Bên cạnh đó, lễ hội còn chú trọng khôi phục các môn thể thao và trò chơi dân gian truyền thống như: Chọi gà, cờ thẻ, bắt lươn, đu giải, nhảy dây, nấu cơm, đi cầu kiều...

Đi hội đền cũng như trẩy hội xuân đưa lại cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị như được sống trong những giây phút nghi lễ trang trọng cổ xưa, được hòa mình vào những trò chơi dân gian để nhớ lại những phút giây đồng quê xưa cũ, cùng với đó là cơ hội để được khám phá một trong những thắng cảnh và linh địa bậc nhất xứ Nghệ.


Bá Cường

Bạn đang đọc bài viết "Đền Đức Hoàng cổ kính, thâm nghiêm bên bờ Linh Đàm Diệu Ốc" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.